RSF lại đánh giá sai trái trong bảng xếp hạng tự do báo chí

Thứ Hai, 06/05/2024, 07:59

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

RSF và những báo cáo, xếp hạng vô căn cứ

Mới đây nhất, ngày 3/5/2024 (Ngày tự do báo chí thế giới), tổ chức RSF tiếp tục công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”. RSF xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, nguyên do thứ hạng tự do báo chí thấp được lý giải do “cầm tù nhà báo có hệ thống, khiến nước này nằm trong nhóm nước có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới”. Đây không phải lần đầu RSF đưa Việt Nam vào nhóm “đội sổ” trong bảng xếp hạng này. Bất chấp đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra vô cùng sôi nổi và nhộn nhịp, RSF vẫn giữ một cái nhìn sai trái với nền báo chí Việt Nam.

Trang RFA được dịp chỉ trích “Báo cáo của RSF năm 2024: Việt Nam trong nhóm 7 nước đội sổ về tự do báo chí”. Trang này viết rằng, đánh dấu ngày tự do báo chí thế giới, Chủ tịch kiêm điều hành Đài Á Châu tự do Bay Fang “nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí và bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong bối cảnh chủ nghĩa độc tài gia tăng toàn cầu. Bà cũng đã dẫn các trường hợp nhà báo bị bỏ tù, trong đó có blogger người Việt của RFA”. “Té nước theo mưa”, nhiều bình luận liệt kê các trường hợp mà họ khoác chiếc áo “tự do báo chí” để vu cáo Việt Nam “vô cớ bắt bỏ tù các nhà báo vì họ dám nói lên sự thật”!

Tổ chức Phóng viên không biên giới hay Ký giả không biên giới (Tiếng Pháp: Reporters sans frontiers - RSF) là một tổ chức phi chính phủ, do Robert Ménard, Rémy Loury, Jacques Molénat và Élmilien Jubineau sáng lập tại Montpellier, Pháp, năm 1985. Tổ chức này lấy Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền làm cơ sở để hành động. Hiện, RSF có trụ sở tại quận 2, Paris; mở văn phòng tại Berlin, Brussels, Geneva, Madrid, Rome, Stockholm, Tunis, Vienna và Washington DC. Văn phòng đầu tiên của họ ở châu Á, đặt tại Đài Bắc, Đài Loan vào tháng 7-2017.

Nếu nhìn vào tên gọi và những thông tin trên thì ai cũng nghĩ RSF được thành lập nhằm thực hiện các hoạt động giúp thúc đẩy tự do báo chí của thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều tổ chức khác được lập ra, dù mang tên gọi mỹ miều như tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) hay tổ chức Ngôi nhà tự do (Freedom House), dù mang danh lên tiếng vì dân chủ, nhân quyền nhưng các hoạt động cho thấy điều ngược lại.

Mặc dù mang danh nghĩa là tổ chức hoạt động về tự do báo chí, nhân quyền nhưng hoạt động của RSF không tuân thủ những gì mà họ đã tuyên bố, mọi hành động đều thể hiện ý đồ, động cơ chính trị qua các hoạt động của tổ chức này kể từ khi thành lập cho đến nay. Việc đưa ra các báo cáo, bảng xếp hạng mang tính xuyên tạc, áp đặt cho thấy sự bất hợp lý nhằm bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Những nhận định của RSF lại hoàn toàn phiến diện, quy chụp, thiếu thực tế. Tổ chức này không đưa ra được bằng cứ có tính xác thực nào ứng với các tiêu chí được họ viện dẫn, vẫn chỉ là những quy kết vô căn cứ như nhiều năm trước. Những người được tổ chức này thu thập thông tin hoá ra lại là một nhóm người có những định kiến với nhà nước sở tại về quan điểm, đường hướng hoạt động báo chí hoặc đã, đang bị bắt, xử lý vì hành vi vi phạm liên quan. Đó cũng là lý do khiến các báo cáo, bảng xếp hạng hằng năm của RSF ít gây chú ý tới và được đánh giá là “bình mới rượu cũ”, nhằm mục đích chính trị chứ không phải đưa ra những chỉ số khách quan, trung thực.

Ngay sau khi báo cáo “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024” được công bố, các trang website, tờ báo, kênh truyền thông của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, số chống đối, cơ hội chính trị và những người có cái nhìn không thiện cảm với Việt Nam đã nhanh chóng lan truyền, rêu rao về bảng xếp hạng này và được dịp gia tăng chỉ trích. Đi liền với đó, không ít người đã lồng ghép các thông tin, tư tưởng sai lệch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Phải thấy rằng, từ trước tới nay, sự đánh giá sai lệch, luận điệu vu cáo, xuyên tạc về tình hình tự do báo chí Việt Nam của các cá nhân, tổ chức thù địch ở nước ngoài và một số người bất mãn, cơ hội trong nước thường dựa trên cách nhìn méo mó với những luận điệu cũ rích, thâm thù trước sự phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đối tượng luôn tìm mọi cách xuyên tạc hòng phủ nhận những thành tựu về nhân quyền, tự do báo chí của Việt Nam. Đây là một trong những chiêu bài nguy hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Những minh chứng sinh động về đảm bảo quyền tự do báo chí tại Việt Nam

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí Việt Nam phát triển. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là hiện thực sinh động cho báo chí Việt Nam phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ làm báo và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân”; “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí 2016 đã quy định rõ, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định (Điều 12). Về phần mình, cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13); được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp. Không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25). Đồng thời tự do báo chí phải trong khuôn khổ chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật.

Cũng theo Luật Báo chí 2016 thì: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13). “Trách nhiệm của nhà báo và công dân trong thực hành tự do báo chí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh” (Điều 9).

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân).

Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra còn có 127 cơ quan báo; 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình), gồm: 2 đài quốc gia (VOV và VTV); 64 đài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (trực thuộc Đài VOV) và 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, ANTV, VNews, Phát thanh, truyền hình Quân đội). Trong 72 đài phát thanh - truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài.

Hiện số trang thông tin điện tử tổng hợp đã cấp phép còn hoạt động là 1.924 trang (riêng năm 2023 cấp giấy phép cho 90 trang, số trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí, còn hoạt động là 136 trang). Đi liền với đó là nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện nay khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học ngành báo chí.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí được tăng cường. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Thực tế, không riêng gì các phóng viên báo chí mà mọi người dân Việt Nam đều được thoải mái tham gia các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, TikTok… mà không gặp bất cứ sự cản trở nào. Tính đến năm 2023 Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người dùng mạng xã hội đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số. Mỗi người đều được tiếp cận các nguồn thông tin một cách đa chiều và khách quan bày tỏ quan điểm của mình trên các nền tảng thông tin truyền thông.

Ở Việt Nam không ai bị kết án, bỏ tù chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những trường hợp bị xử lý hình sự đều là những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Những hành vi đó bị nhân dân lên án và yêu cầu Nhà nước xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, nhiều đối tượng khi bị xử lý đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và tỏ ra ăn năn hối cải, mong nhận được sự khoan hồng.

Rõ ràng, RSF đang cố tình dựng chuyện để bao bọc, che chở cho các cá nhân, hội, nhóm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thông qua vỏ bọc tự do báo chí, tự do ngôn luận, tổ chức trên đang cố tình gieo rắc, lan truyền những thông tin sai trái, phiến diện, xuyên tạc nhằm phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, với lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Một mặt, các đối tượng lợi dụng tự do báo chí để kích động hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; kích động chiến tranh, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…

Với cơ sở chính trị, pháp lý nói trên và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Liêm Chính - Bình Nguyên
.
.
.