Đảm bảo an ninh, an toàn tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Thứ Ba, 07/05/2024, 05:32

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) đóng tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, là nơi điều trị của hơn 1.200 học viên, trong đó có gần 800 học viên độ tuổi thanh niên.

Học viên T.V.T. (SN 2002, ngụ thị xã Phú Mỹ) đang cai nghiện tại cơ sở này nhưng trước đó đã có thời gian đi trường giáo dưỡng. Cũng như nhiều hoàn cảnh khác, T. ít được gia đình quan tâm bởi ba mẹ ly hôn từ khi còn bé. Buồn chán, T. thường tụ tập chơi bời với bạn xấu tại địa phương. Năm 2020, trong một lần ăn nhậu, T. được mồi chài thử ma túy. Từ đó, T. tìm đến “nàng tiên nâu” mỗi khi tâm trạng không vui. “Ban đầu tôi chỉ nghĩ hút cho vui, nhưng sau này khi buồn thì lại nhớ nó. Lúc vào đây, với sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô, ngồi tĩnh tâm lại tôi mới thấy hối hận vì lỗi lầm tuổi trẻ. Tôi đang cố gắng điều trị tốt để được về sớm, bù đắp lỗi lầm với gia đình”, T. chia sẻ. Hiện tại, T. đang học nghề đan giỏ lục bình, dù mới học đan chưa được bao lâu nhưng T. đã đan khá thành thạo…

brvt 2.jpg -0
Các học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giờ lao động.

Còn học viên H.T.D. (SN 2002, ngụ huyện Long Điền) là “hot girl” mà bao chàng trai theo đuổi bởi D. có thân hình nhỏ nhắn, gương mặt xinh xắn. D. tâm sự, bản thân sống trong gia đình khá giả, nhưng từ nhỏ đã thiếu tình thương của mẹ. Tuổi trẻ bồng bột, dù mới ở tuổi 22 nhưng D. đã sử dụng ma túy 7 năm, khi đang còn là học sinh THCS. Năm 2023, khi cùng nhóm bạn đang “bay lắc” trong khách sạn thì D. bị bắt, đưa đi cai nghiện bắt buộc. “Khi mới vào cai, em cũng như các bạn khác luôn có cảm giác bứt rứt, rất khó chịu, nhưng sau một thời gian em cũng quen dần. Ở trong này, em mới thấy bản thân có lỗi với gia đình. Em sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy”, D. bộc bạch…

Trò chuyện cùng một số học viên, chúng tôi hiểu được phần nào về hoàn cảnh của họ. Họ là những người sa chân vào những “cơn ảo giác” và bị đưa vào cơ sở để quản lý, cắt cơn, cai nghiện. Đằng sau những lỗi lầm của tuổi trẻ, họ vẫn có niềm tin sẽ làm lại cuộc đời… Và trong những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi luôn quan tâm đến công tác điều trị kết hợp đào tạo nghề, qua đó, giúp học viên tránh xa “cái chết trắng”…

Ông Vũ Quang Toản, Trưởng phòng Quản lý học viên cho biết, Khu quản lý học viên được chia thành từng khu riêng biệt nhằm thuận tiện cho việc quản lý và giáo dục học viên. Mỗi khu tiếp nhận khoảng 100 học viên, không gian sinh hoạt, vui chơi, lao động đều bao gọn trong từng khu. Để kiểm soát an ninh, an toàn, cơ sở đã gắn hơn 300 camera giám sát tại các khu sinh hoạt, nơi lao động, phòng ngủ của học viên. Qua đó, những mâu thuẫn phát sinh đã kịp thời được phát hiện, xử lý, ngăn chặn một số hành động quá khích của học viên.

Theo ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay các học viên được học nghề, lao động trị liệu, tư vấn - giáo dục, chăm sóc sức khỏe bảo đảm, không có tình trạng học viên quấy rối, bạo động, làm mất ANTT tại cơ sở.

Ngoài ra, Ban giám đốc Cơ sở cũng yêu cầu nhân viên và bảo vệ tăng cường giám sát, nghiêm cấm mua hàng hóa giúp học viên. Người và hàng hóa ra vào cổng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Các đài gác được bố trí xung quanh Khu quản lý học viên để ngăn chặn việc quăng hàng hóa từ bên ngoài vào. 

Ngoài ra, nhân viên cũng không được sử dụng điện thoại di động, không hút thuốc trong giờ làm việc; mọi hàng hóa học viên mua tại căn-tin đều phải có phiếu mua hàng; không được mang thức ăn thăm nuôi vào cho học viên.

Ông Đoàn Văn Mãi, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, người nghiện ma túy được điều trị tại cơ sở có xu hướng tăng và trẻ hóa. Để học viên ổn định tâm lý, có động lực cai nghiện, cơ sở đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề trong khu quản lý học viên.

Các lớp đào tạo nghề, lao động trị liệu được triển khai sau khi học viên hoàn thành cắt cơn cai nghiện. Công việc sẽ được bố trí phù hợp với sức khỏe và tâm lý của từng học viên. Từ đó, giúp họ giảm bớt sự mặc cảm, có kỹ năng cơ bản khi trở về cộng đồng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ mở 8 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho các học viên để khi tái hòa nhập cộng đồng, các em có thể tạo ra được giá trị cho xã hội, giảm bớt tự ti, mặc cảm, có niềm tin làm lại cuộc đời”, ông Đoàn Văn Mãi cho biết.

Hoàng Anh - Tiến Trần
.
.
.