Những lùm xùm ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT)

Hệ lụy của việc sử dụng chữ ký “khô” ở HUBT (Bài 1)

Thứ Ba, 07/05/2024, 08:20

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Khi “thuyền trưởng” đổ bệnh…

Được thành lập vào tháng 6 năm 1996, HUBT là cơ sở đào tạo đa ngành, đa cấp do GS Trần Phương làm Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2017, vị “thuyền trưởng” - GS Trần Phương bị đổ bệnh nên không thể trực tiếp điều hành các hoạt động của trường; không thể ký trực tiếp vào các văn bản chỉ đạo điều hành cũng như các loại văn bằng như: Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… và các chứng từ trong lĩnh vực tài chính kế toán nên thời gian sau đó đã phải sử dụng chữ ký “khô”.

Hệ lụy của việc sử dụng chữ ký “khô” ở HUBT (Bài 1) -0
Trụ sở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ tại Hà Nội.

Trong đơn tố cáo gửi đến Báo CAND, ông Lại Việt Hùng - Trưởng Ban liên lạc các nhà đầu tư HUBT, đại diện cho số cổ đông (có tổng số vốn góp trên 40%) của HUBT cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2019, GS Trần Phương không xuất hiện tại HUBT. Để duy trì hoạt động của HUBT, GS Trần Phương ban đầu đã uỷ quyền cho ông Đỗ Quế Lượng – Phó hiệu trưởng thường trực thay mặt điều hành. Đến khoảng tháng 10/2021, ông Đỗ Quế Lượng nghỉ thì ông Đinh Văn Tiến – Phó hiệu trưởng tiếp tục là người được GS Trần Phương uỷ quyền thay thế điều hành. Cũng theo ông Lại Việt Hùng, trong thời gian ông Đỗ Quế Lượng nắm quyền điều hành rơi vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 671/QĐ-TTg ngày 3/6/2019 về việc chuyển đổi HUBT sang loại hình trường đại học tư thục. Dù ngày 7/6/2019, HUBT đã nhận được quyết định này nhưng không hiểu vì lý do gì mà nhà trường lại “lờ” đi, coi như không. Gần 1 năm sau, sự việc bị phát hiện, Ban giám hiệu (BGH) HUBT mới đưa ra thảo luận về việc chuyển đổi HUBT từ mô hình dân lập sang mô hình tư thục và thành lập Hội đồng trường (HĐT) tại cuộc họp HĐQT vào ngày 9/5/2020.

“Gần 5 tháng sau, hội nghị trù bị các nhà đầu tư được tổ chức trong 2 ngày (19 và 20/10/2020) để tiến hành bầu HĐT. Sau 2 ngày diễn ra hội nghị trù bị, các nhà đầu tư đã thống nhất được các nội dung về quy chế làm việc; quy chế bầu cử và kế hoạch bầu HĐT theo đúng quy định của pháp luật… Dự kiến hội nghị này sẽ được tổ chức chính thức vào đầu tháng 11/2020. Tuy nhiên, ngày 26/10/2020, GS Trần Phương đã dùng chữ ký “khô” ký công văn yêu cầu tạm dừng công tác chuẩn bị các thủ tục để tổ chức hội nghị nhà đầu tư. Đáng chú ý, chỉ sau chưa đầy 2 tháng (từ 1/10/2021 đến 10/11/2021), ông Đinh Văn Tiến bị “phế truất” quyền điều hành với thông tin chỉ vì ông Tiến hăng hái liên quan đến việc tiếp tục đứng ra tổ chức hội nghị trù bị các nhà đầu tư. Sau đó, GS Trần Phương tiếp tục có quyết định uỷ quyền ông Nguyễn Công Nghiệp – Phó hiệu trưởng thay mặt điều hành mọi hoạt động của HUBT từ đó đến nay”, ông Lại Việt Hùng thông tin.

Theo nội dung đơn tố cáo của nhóm nhà đầu tư (có tổng số vốn góp trên 40%) vào HUBT, tố cáo những sai phạm đang xảy ra tại HUBT, ông Lại Việt Hùng đại diện nhóm cho rằng, kể từ khi ông Nguyễn Công Nghiệp nắm quyền điều hành các hoạt động của trường, bằng cách dùng chữ ký “khô” của GS Trần Phương ký lên văn bản, ông Nghiệp tự quyết định mọi việc mua sắm, đầu tư, tài chính, lương bổng, bố trí sắp xếp nhân sự… mà không thông qua HĐQT. Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động của nhà trường, công tác văn thư lưu trữ, các văn bằng chứng chỉ, các chứng từ tài chính kế toán hiện đều được sử dụng chữ ký “khô” của GS Trần Phương tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao và vi phạm một số quy định hiện hành. Sau 5 năm (từ năm 2019 đến nay), quyền lợi của các nhà đầu tư bị xâm phạm nghiêm trọng, việc này được thể hiện ở các văn bản liên quan tới hoạt động thu, chi tài chính của HUBT. Mức doanh thu hàng năm ước đạt 350 - 400 tỷ đồng từ nguồn tiền học phí nhưng đều bị tiêu sạch mà không thông qua HĐQT.

“Ngoài vấn đề tài chính, căn cứ đầu vào, bình quân mỗi năm HUBT có khoảng gần 7.000 sinh viên ra trường cộng với chương trình đào tạo liên thông, cao học (Thạc sĩ) và Tiến sĩ, Kỹ sư… thì con số phải lên tới gần 8.000 sinh viên ra trường. Như vậy, từ 2019 đến nay có tới hàng vạn tấm bằng được HUBT cấp ra bằng chữ ký “khô” và các chứng từ tài chính, kế toán cũng được sử dụng bằng chữ ký “khô” không biết sẽ như thế nào? Chính vì thế, các nhà đầu tư đã không khỏi bức xúc tố cáo các sai phạm đang diễn ra tại HUBT”, ông Lại Việt Hùng cho biết.

Theo thông tin từ một số thành viên HĐQT, những người đã và đang công tác tại HUBT thì việc GS Trần Phương đổ bệnh khiến cho người đứng đầu pháp nhân của HUBT không trực tiếp lãnh đạo trường. HUBT hoạt động trong tình trạng không có HĐT. Việc điều hành các hoạt động của HUBT vẫn theo loại hình dân lập và ngày càng rơi vào khủng hoảng. Tất cả các văn bản có chữ ký của GS Trần Phương sau đó đều là chữ ký “khô”. Điều khó hiểu là, con dấu chữ ký của GS Trần Phương không phải do đơn vị chức năng HUBT quản lý theo quy định mà do con gái của GS Trần Phương là bà Vũ Ngọc Uyên nắm giữ. Một việc nữa là từ năm 2017 đến nay, HUBT không hề tổ chức đại hội cổ đông thường niên và hàng năm cũng không có báo cáo tài chính.

Chữ ký con dấu và những rủi ro

Cũng theo một số thành viên HĐQT của HUBT, việc có trong tay chữ ký “khô” của GS Trần Phương đã giúp một nhóm người chi phối mọi hoạt động của HUBT. Nhiều văn bản nhân danh HUBT gửi các cơ quan chức năng, hoặc được HUBT sử dụng để ký kết các văn bản quan trọng nhưng không phải do đơn vị chức năng của trường soạn thảo cũng như không hề được thông qua HĐQT của trường. Việc này các cán bộ, giáo viên trong trường ai cũng biết nhưng không dám có ý kiến vì sợ ảnh hưởng đến vị trí công tác. Điều này mặc định họ phải tuân thủ sự điều hành của nhóm lợi ích sở hữu nó!

Hệ lụy của việc sử dụng chữ ký “khô” ở HUBT (Bài 1) -0
Căn cứ đầu vào hàng năm của HUBT thì mỗi năm có khoảng hơn 7.000 sinh viên, học viên các loại hình đào tạo được cấp bằng và bằng được ký bằng dấu chữ ký.

Ngày 23/4, trao đổi với phóng viên Báo CAND liên quan đến việc sử dụng chữ ký “khô”, ông Nguyễn Công Nghiệp – Phó hiệu trưởng thường trực HUBT, hiện đang được GS Trần Phương uỷ quyền điều hành quản trị các hoạt động của HUBT cho biết, vấn đề này nhà trường cũng có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thanh tra Bộ GD&ĐT. Đồng thời, ông Nghiệp cung cấp cho phóng viên văn bản số 1625/CV-BGH do GS.TS Vũ Văn Hoá – Phó hiệu trưởng HUBT ký ngày 19/4/2024.

Theo nội dung của văn bản này, HUBT giải trình việc sử dụng dấu chữ ký của GS Trần Phương để đóng lên các công văn, văn bằng, chứng chỉ với lý do: Do hằng năm số sinh viên tốt nghiệp của trường rất lớn, để đảm bảo ký văn bằng tốt nghiệp cho sinh viên ra trường, ngày 19/8/2017, HUBT có công văn số 215 gửi Bộ GD&ĐT đề nghị GS Trần Phương được sử dụng dấu chữ ký để đóng dấu các văn bằng thuộc thẩm quyền ký của trường; ngày 26/10/2017, HUBT tiếp tục có công văn số 410 gửi Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội giới thiệu mẫu chữ ký dấu của GS Trần Phương.

Đến năm 2020, do việc triển khai các quy trình, thủ tục bầu HĐT chưa thành công vì tình hình nội bộ chưa thống nhất, có nhiều diễn biến phức tạp và do tình hình sức khoẻ của Hiệu trưởng, HUBT tiếp tục có công văn gửi Bộ GD&ĐT đề nghị Hiệu trưởng nhà trường tiếp tục sử dụng dấu chữ ký để ký văn bằng hoặc chỉ định một Phó hiệu trưởng ký văn bằng. Ngày 28/7/2020, trường nhận được công văn số 1274/QLCL-QLVBCC của Bộ GD&ĐT do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Quản lý văn bằng chứng chỉ ký, có ý kiến: “1. Phó hiệu trưởng phải được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ phụ trách trường thì mới có thẩm quyền ký văn bằng chứng chỉ của trường; 2. Hiện tại không có quy định về dấu chữ ký”.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ngoài ông Nguyễn Công Nghiệp còn có một người giới thiệu là luật sư Trần Quốc Toản, được cho là người được GS Trần Phương uỷ quyền thay mặt tham dự các cuộc họp và cùng BGH để điều hành trường. Ông Toản cho rằng, việc nhà trường sử dụng dấu chữ ký không có gì sai: “Nhà trường cũng có văn bản gửi Bộ GD&ĐT năm 2020 và cũng có văn bản trả lời của Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT về việc là chưa có bất cứ một quy định của pháp luật về việc người có chữ ký trong văn bản sử dụng chữ ký dấu khắc sẵn của người ta. Thế cho nên cái việc đó là không vi phạm pháp luật và ở góc độ pháp luật nào đó, GS Trần Phương còn là một công dân và công dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm”(!?).

Với phóng viên, đây là điều hết sức lạ lùng, bởi đối chiếu theo 2 nội dung được thể hiện rõ trong văn bản 1274 do Cục Quản lý chất lượng - Quản lý văn bằng chứng chỉ của Bộ GD&ĐT ký: “1. Phó hiệu trưởng phải được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ phụ trách trường thì mới có thẩm quyền ký văn bằng chứng chỉ của trường; 2. Hiện tại không có quy định về dấu chữ ký”. Như vậy, dù không có quy định nào nhưng không có nghĩa Bộ GD&ĐT đồng ý cho GS Trần Phương sử dụng dấu chữ ký.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay không ít người sử dụng con dấu có chữ ký khắc sẵn (dấu chữ ký) trong các văn bản nhằm giúp cho việc đóng dấu hồ sơ, văn bản giấy tờ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số lĩnh vực được pháp luật quy định rất rõ về tính pháp lý của nó khi sử dụng dấu chữ ký.

Điển hình là dấu chữ ký sử dụng trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Theo quy định tại Điều 15 Luật Kế toán năm 2015 thì trong lĩnh vực kế toán hiện nay chỉ thừa nhận giá trị pháp lý của 2 loại chữ ký gồm: Chữ ký tươi là chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chữ ký điện tử: Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy.

Bên cạnh đó, theo khoản 6, Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư quy định: Đối với văn bản giấy, khi ký văn bản dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai. Như vậy, ngoài 2 loại chữ ký tươi và chữ ký điện tử thì pháp luật kế toán, tài chính không thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký con dấu. Việc sử dụng chữ ký con dấu trên các tài liệu tài chính, kế toán là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng (điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế toán).

Đối với các văn bằng, chứng chỉ sử dụng chữ ký con dấu, trước đây, tại khoản 1, Điều 20 Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 22/2012/TT-BGDĐT ngày 20/6/2012 quy định: trong trường hợp thật cần thiết, do khối lượng văn bằng phải ký quá nhiều, người có thẩm quyền cấp văn bằng không thể ký trực tiếp vào văn bằng thì phải trình cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp cho phép mới được sử dụng dấu chữ ký đóng lên văn bằng.

Tuy nhiên, Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT đã hết hiệu lực từ ngày 15/1/2020. Hiện nay, Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, THPT, Trung cấp sư phạm, Cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục Đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân… đã bỏ nội dung như trên. Tại Điều 20 Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định: Người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều 15 của Quy chế này phải ký theo mẫu chữ ký đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và ghi đầy đủ họ tên, chức danh trong văn bằng, chứng chỉ. Căn cứ quy định trên thì trước thời điểm 15/1/2020, các văn bằng, chứng chỉ sử dụng chữ ký con dấu được thừa nhận giá trị pháp lý nếu trình cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp cho phép. Còn hiện nay pháp luật quy định phải ký trực tiếp lên các văn bằng, chứng chỉ.

“Như vậy, trước thời điểm 15/1/2020, các văn bằng, chứng chỉ sử dụng chữ ký con dấu sử dụng để đi làm hay chứng thực bình thường. Còn từ thời điểm 15/1/2020 trở lại đây thì không được thừa nhận giá trị pháp lý để sử dụng đi làm hay chứng thực. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát, phát hiện điều này là không dễ dàng. Mặt khác, nếu người học thực sự đi học để lấy văn bằng mà chỉ vì văn bằng sử dụng dấu chữ ký nên không được chấp nhận thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người học”, luật sư Đặng Thành Chung lưu ý.

Quang Trường
.
.
.