Từ làng An Xá đến Điện Biên Phủ

Thứ Ba, 07/05/2024, 11:35

Lời bài hát “Xứng danh người anh Cả, trọn cuộc đời vì nước vì dân/ Xuôi về tuổi ấu thơ, ra đi từ làng An Xá quê hương/ Ký ức xa mờ, dòng Kiến Giang lững lờ/ Gia phong cha ông bất khuất anh hùng…” đưa chúng tôi về An Xá, Lệ Thuỷ, Quảng Bình thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà lãnh đạo kiệt xuất trong chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chúng ta không thể không nhắc đến tên tuổi của vị tướng tài ba, lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta”.. .

6-1.jpg -0
Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh ở Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu).

Từ ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Ngôi nhà gắn với tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình nằm bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng. Qua cầu Kiến Giang, men theo con đường quê cắt qua cánh đồng lúa, chúng tôi đến nhà Đại tướng. Con đường vào nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người làng thường xuyên quét dọn sạch sẽ, tinh tươm. Tự hào về người con quê hương, có lẽ mỗi người dân làng An Xá đều mong muốn được làm một việc gì đó để tỏ lòng biết ơn Đại tướng. Năm nay kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), nên người làng An Xá lại càng tự hào hơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người có công lao to lớn trong chiến thắng quyết định liên quan đến vận mệnh nước nhà ở Điện Biên Phủ năm xưa.

Ngôi nhà của Đại tướng ở làng An Xá là nhà cấp 4 với 3 gian nếp xưa nép mình dưới những tán cây xanh. Hơn 30 năm qua, ngày ngày ông Võ Đại Hàm (người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá) vẫn đều đặn thức khuya, dậy sớm nâng niu từng kỷ vật trong ngôi nhà này. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh... sau hàng chục năm vẫn vẹn nguyên bởi bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông Hàm. Mấy năm gần đây, do ông Hàm tuổi cao sức yếu, nên có thêm ông Võ Xuân Hoà (cháu thúc bá của Đại tướng), hai người thay nhau giữ gìn ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng.

Bên chiếc bàn đơn sơ ở nhà lưu niệm Đại tướng, chúng tôi được ông Võ Đại Hàm, ông Võ Xuân Hoà và cô Nguyễn Thị Thu Hoài (người cháu bà con bên ngoại của Đại tướng) làm hướng dẫn viên gần 20 năm nay ở nhà lưu niệm của Đại tướng cho biết: Năm 1947, giặc Pháp đốt cháy trụi ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình. Năm 1977, ngôi nhà của Đại tướng mới được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ. Lúc đầu, chính quyền địa phương có ý kiến xây dựng ngôi nhà khang trang nhưng gia đình không đồng ý. Sau đó, ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo nếp nhà truyền thống của vùng quê lúa Lệ Thủy kiểu xưa được phục dựng. Lúc làm nhà, địa phương muốn dùng gỗ lim nhưng Đại tướng kiên quyết không đồng ý vì theo ông làm thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người phá rừng dùng gỗ lim dựng nhà. Theo ý Đại tướng, sau đó ngôi nhà được làm bằng gỗ vườn trồng ở quê nhà Lệ Thuỷ.

Ngôi nhà được lợp mái đơn sơ, dưới mái lợp thêm chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng. Gian chính giữa ngôi nhà đặt bàn thờ tổ tiên, trên bàn thờ treo di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phía thấp hơn là di ảnh Đại tướng. Phía ngoài bàn thờ đặt chiếc bàn tiếp khách đơn sơ và gian bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói. Xung quanh kèo nhà treo một số ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và ảnh Đại tướng chụp chung với nhiều chiến sĩ. Những vật dụng gia đình ở nông thôn vùng lúa Lệ Thuỷ như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại... được sắp đặt ngăn nắp. Được biết, trong những lần về thăm quê, Đại tướng đã rất xúc động khi thấy ngôi nhà của gia đình được phục dụng tỉ mỉ giống như nguyên gốc.

Phía sau nhà Đại tướng có cây khế ngọt trĩu quả đã hơn 100 năm tuổi. Nhờ cây khế hơn 100 năm tuổi ấy, người ta đã xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà Đại tướng trên nền đất cũ. Cơn gió nhẹ thoảng qua lay lay cành khế làm giăng mắc hoa tím rụng đầy cả lối đi. Lúc còn khỏe, mỗi lần về thăm nhà, Đại tướng vẫn thường ngắm cây khế với nhiều ký ức trong vắt tuổi thơ. Dưới tán gốc khế này, thuở thiếu thời, Đại tướng thường ngồi học bài và cùng bạn bè đồng lứa vui chơi đánh khăng, đánh đáo.

Trước đây, mỗi lần về thăm quê, nơi đầu tiên mà Đại tướng đến là nghĩa trang liệt sĩ huyện để thắp hương cho người cha kính yêu của mình - liệt sĩ Võ Quang Nghiêm và những chiến sĩ của ông đã ngã xuống trong hai cuộc trường chinh. Rồi Đại tướng đến thắp hương trên mộ mẹ và những người thân đã khuất ở nghĩa trang gia đình. Sau đó về bên ngôi nhà nhỏ, Đại tướng kính cẩn thắp hương bàn thờ tổ tiên. Ông hỏi thăm những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn ai mất, bắt tay, ôm từng người bà con, làng xóm. Trong ký ức của vị tướng huyền thoại luôn đầy ắp hình ảnh dòng Kiến Giang trong xanh, hiền hòa cùng làn điệu hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình. Với ông đó là một phần máu thịt quê hương.

6-2.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

Đến trận Điện Biên chấn động địa cầu

Trong lịch sử quân sự thế giới có lẽ hiếm có một người nào xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, chưa từng được kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự lại được giao sứ mệnh cầm quân để rồi trở thành linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ như Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Mùa Xuân năm 1954, khi cả dân tộc đang vào Xuân thì Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lại lên đường ra mặt trận. Là người từng trải qua nhiều chiến dịch, kể cả một số chiến dịch lớn như Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc…, hơn ai hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người hiểu rõ trọng trách lớn lao mà Bộ Chính trị và Bác Hồ đã ủy thác qua lời dặn dò trước lúc lên đường: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị giao trọng trách làm Tổng Tư lệnh, trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Phương châm tác chiến ban đầu của ta là "đánh nhanh, thắng nhanh". Thế nhưng, ngày 26/1/1954, trước ngày nổ súng đánh Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Đó là chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". “Nay quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu". (Trích: Tổng tập Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Là một nhà cầm quân khát khao chiến thắng, song Đại tướng Võ Nguyên Giáp không giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng phải luôn đi kèm với giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất. Việc quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là vì lẽ đó.

Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" gắn liền với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, với vai trò, trí tuệ và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp -Tổng Tư lệnh của chiến dịch. Chiến thắng này đã trở thành mốc son chói lọi, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, mở ra những nấc thang mới của lịch sử dân tộc, tiến tới thống nhất nước nhà. Ông Ruscio từng là phóng viên báo L'Humanité (Nhân đạo) của Pháp tại Việt Nam và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương và chiến tranh Đông Dương nhận định: Việc quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ có thể coi là chiến thắng của toàn thể các dân tộc thuộc địa, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức. Ông cho biết vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh Đông Dương được cả thế giới theo dõi. Đó không phải chỉ đơn thuần là cuộc chiến giữa Pháp và Việt Nam mà là một cuộc chiến mang tầm quốc tế. Do đó, theo ông, việc quân Pháp bị thất trận ở Điện Biên Phủ không chỉ được coi là chiến thắng của riêng Việt Nam mà còn là chiến thắng của toàn thể các dân tộc thuộc địa, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức.

Dương Sông Lam
.
.
.