Tái định cư thủy điện - Hành trình đằng đẵng tìm “an cư”

Bài 3: Lãnh quả đắng từ việc lựa chọn sai quy hoạch

Chủ Nhật, 28/12/2014, 09:04
Tại sao hầu hết các khu tái định cư (TĐC) thủy điện đều gặp những bất cập lớn, kéo dài nhiều năm khiến đời sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng bấp bênh? Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân TĐC thủy điện có rất nhiều, nhưng khi triển khai, ngay từ khâu lập quy hoạch các khu TĐC đã có nhiều sai lầm dẫn theo một loạt hệ quả xấu mà người dân phải gánh chịu…
>> Bài 2: Nghịch lý dân nghèo vì thủy điện

Lãng phí hàng chục tỷ đồng xây khu TĐC trên vùng sạt lở

Năm 2006, phục vụ dự án thủy điện A Vương, 115 hộ dân, với 519 nhân khẩu được di dời vào ở tại hai khu TĐC KaLa và A Lua, thuộc xã Dang, huyện Tây Giang - Quảng Nam (do Công ty CP thủy điện A Vương xây dựng). Nhưng không hiểu vì lý do gì, cả hai khu TĐC và trụ sở UBND xã Dang, trường tiểu học nội trú đều nằm chênh vênh bên mép lòng hồ thủy điện A Vương - nơi hàng năm thường xuyên xảy ra sạt lở khiến người dân bất an, giao thông đi lại khó khăn, bà con đến đây ở không có đất sản xuất, chăn nuôi.

Trước bức xúc về đời sống của nhân dân, tháng 10/2013, UBND huyện Tây Giang phải cấp tốc xây dựng hai khu TĐC Ba Đum và Ka Tiếc với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, cách nơi tái định cư cũ 8km, để di dời các hộ dân ở KaLa và A Lua đến nơi ở mới an toàn và có đất để sản xuất lâu dài. Chỉ vì quy hoạch thiếu khảo sát, chọn lựa điểm TĐC ở vị trí không an toàn, hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng các khu TĐC KaLa và A Lua nay phải bỏ hoang phế…

Quy hoạch địa điểm xây dựng khu TĐC ở vị trí nào quyết định đến 70% chất lượng cuộc sống của người dân sau đó nhưng rất nhiều khu TĐC lại bị lỗi quy hoạch lớn tới mức không thể tin những người làm công tác chuyên môn này lại không nhìn ra. Đơn cử như tại thủy điện Đồng Nai 3, đầu năm 2010, hơn 577 hộ dân của xã Đắk Plao huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông được chuyển lên nơi ở mới.

Để bảo đảm cuộc sống và sản xuất cho đồng bào nằm trong vùng lòng hồ thủy điện, Ban Quản lý dự án thủy điện 6 (chủ dự án) cùng với chính quyền địa phương đã xây dựng khu TĐC trên vùng đất cao tại xã Quảng Khê với tổng kinh phí hơn 186 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án với chính quyền địa phương trong việc thăm dò, khảo sát, nhất là việc tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân nên sau khi xây dựng khu TĐC, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Địa điểm xây dựng cũng như thiết kế nhà ở không phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao.

Một khu tái định cư thủy điện bỏ hoang vì lựa chọn sai qui hoạch.

Các ngôi nhà xây dựng liền kề san sát nhau trên một quả đồi được san ủi theo kiểu ruộng bậc thang, không có sân vườn, chuồng trại nhốt gia súc. Đất đai ở đây thì cằn cỗi, người dân muốn có đất sản xuất phải đi xa cách nơi ở 5-7 km. Bên cạnh đó, người dân lại nơm nớp lo sợ nhà bị sập do sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ đến. Vậy là nhiều người dân muốn có đất sản xuất, muốn được an toàn lại phải quay về nơi ở cũ – khu vực chưa ngập nước để canh tác lo cái ăn hàng ngày…

Có lẽ, điển hình nhất cho sai lầm trong quy hoạch khu TĐC chính là việc lựa chọn xây dựng khu tái định cư Mường Lay thành thị xã của tỉnh Điện Biên. Như chúng tôi đã nhắc đến trong kỳ trước, là thị xã duy nhất tái định cư đô thị, tham vọng của Mường Lay là sẽ chuyển đổi nghề cho người dân sang phi nông nghiệp và dịch vụ. Nhưng tất cả diễn ra đã không như kỳ vọng của những người lập quy hoạch. Người dân cũng muốn đổi đời hy vọng đổi nghề. Nhưng họ bị bó buộc trong vòng luẩn quẩn, nơi ở mới thiếu đất sản xuất, làm dịch vụ thì nhu cầu cung – cầu đều rất thấp.

Khi xác định quy hoạch thị xã Mường Lay, những người lập quy hoạch đều có tham vọng sẽ tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn nhờ tận dụng lòng hồ rất đẹp và một thị xã phát triển. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch tỉnh Điện Biên cho biết, người dân thị xã Mường Lay rất thiệt thòi dù rằng hiện nay họ đang có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của cả tỉnh Điện Biên. Bởi lẽ, theo ông Sơn, họ vẫn đang được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ sau tái định cư. Tuy nhiên, về tương lai lâu dài, Chủ tịch tỉnh Điện Biên rất lo lắng...

“Thị xã Mường Lay 6 tháng mùa cạn có thể lội suối qua được, 6 tháng nước ngập. Như vậy, thu hút đầu tư du lịch sẽ không có doanh nghiệp nào dám mạo hiểm. Ngay nuôi cá thì 6 tháng cũng không thể lớn kịp, nên thị xã Mường Lay rất thiệt thòi. Có khi lúa chưa chín đã ngập rồi, trồng màu chưa chắc được thu hoạch cũng đã bị ngập rồi. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng nếu ngăn đập sẽ tạo được một vùng lòng hồ rất đẹp, tạo được thu nhập từ du lịch và dịch vụ khác, nhưng hiện nay phương án đó gần như phá sản” – ông Mùa A Sơn chia sẻ.

Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi về việc nghiên cứu lựa chọn quy hoạch khu TĐC thủy điện, nhiều chuyên gia khẳng định: “Sai quy hoạch thì giời gỡ”. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, phải chăng, đằng sau mỗi một hộ TĐC là khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ nên vì nhiều lý do, quy hoạch khu TĐC cho người dân đã không được làm đến nơi đến chốn.

Mai một bản sắc văn hóa

Trong chuyến đi thực tế tại một số khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2, tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều hộ dân ở các khu TĐC đều không chịu vào ở nhà xây kiên cố, nền tráng xi măng, mà tự động cất thêm ngôi nhà sàn bên cạnh để ở.

Khi gặp chúng tôi, cụ Hội Blơn, ở khu TĐC Cút Chrun, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang (Quảng Nam), là một trong số hộ dân di dời để thực hiện dự án thủy điện A Vương, ta thán: “Nhà xây thấp tè, trên lợp tôn. Mùa nóng, trong nhà nóng như nung, không cách chi ở được. Mùa mưa, nước lại giội mái tôn ầm ầm inh tai. Bởi vậy, hầu hết các hộ dân tại khu TĐC này phải dựng thêm một ngôi nhà sàn nhỏ hơn bằng gỗ và tre nứa cạnh nhà xây. Nhiều hộ chỉ sử dụng nhà xây như nhà kho để cất lương thực, vật dụng, thậm chí sử dụng như chuồng trại nuôi trâu bò...”.

Những dẫn chứng trên cho thấy, những người đứng ra lập quy hoạch đã “quên” không nghiên cứu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, sinh hoạt ăn ở của từng dân tộc thiểu số. Các hoạt động văn hoá truyền thống dân tộc cũng bị mai một.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Từ năm 2006-2007, mỗi hộ dân vào khu TĐC được cấp một nhà xây kiên cố, có nhà vệ sinh; trị giá từ 70-90 triệu đồng, tùy theo khẩu. Như vậy, 414 hộ dân được bố trí nhà trong 11 điểm TĐC, song bỏ nhà hoang về nơi ở cũ, làm nhà sàn để ở… là một sự lãng phí rất lớn.

Bên cạnh đó đời sống văn hoá cộng đồng của bà con trong các khu TĐC hiện nay còn nhiều mặt hạn chế, nhiều khi vì mải lo cái ăn, cái mặc, người dân cũng không còn mặn mà với những hoạt động này. Nhiều khu TĐC như A Đên và A Sáp, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế ngoài việc thiếu đất sản xuất, gần 200 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Pa Cô và Tà Ôi) bị di dời đến đây để thực hiện dự án thủy điện A Lưới, đang đứng trước nguy cơ đánh mất các bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Ông A Viết Huy, Trưởng thôn TĐC A Sáp cho rằng: “Do cuộc sống bà con vẫn còn rất nhiều khó khăn nên các lễ hội người dân không quan tâm như lúc còn ở quê cũ. Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ở thôn TĐC nơi đây đang nguy cơ bị mai một”.

Ông Trần Văn Tẩn, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam: Ở một số dự án thủy điện tại địa phương, việc xây dựng nhà tái định cư cho nhân dân không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Bởi vậy, nhiều hộ dân đã không sử dụng nhà được cấp mà tự khai thác gỗ dựng nhà mới để ở, vừa gây lãng phí, vừa bào mòn những cánh rừng hiếm hoi còn sót lại. Tình trạng nhà tái định cư thành nơi nuôi nhốt trâu bò được báo chí phản ánh ở nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng gì Quảng Nam.

Ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: “Vấn đề chất lượng quy hoạch phụ thuộc vào năng lực và tâm huyết của người làm quy hoạch. Phải tính đến đến yếu tố con người đầu tiên, chứ không phải cứ dựng cái nhà rồi cho dân đến ở là xong chuyện. Phong tục tập quán của từng dân tộc thế nào cũng phải tính toán. Nếu không trực tiếp làm được quy hoạch thì phải thuê tư vấn và biết “chấm điểm” tư vấn”. TĐC không phải là bài toán không có lời giải.

Nhóm PVKTXH
.
.
.