Công an viên người Mông giỏi dân vận

Chủ Nhật, 25/01/2015, 12:14
Tục ngữ người Mông có câu: “Biết gieo không tốn giống, biết sống không tốn lời”, hơn 5 năm làm Công an viên là ngần ấy năm anh Hờ A Ký, 34 tuổi, dân tộc Mông, Công an viên tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con dân bản từ bỏ ma túy, loại bỏ những hủ tục, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Từ trung tâm xã Hồng Ca, chúng tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ theo con đường đất ngoằn nghèo, lộc cộc sỏi đá mới tìm lên được nhà anh Hờ A Ký. Anh đang hoàn thiện ngôi nhà để chuẩn bị đón mừng năm mới.

Trải lòng với chúng tôi, anh Ký chia sẻ: Cách đây gần chục năm, gia đình anh đến định cư ở thôn Hồng Lâu. Từ đôi bàn tay trắng, bằng ý chí và nghị lực, anh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân giỏi, một trong những hộ gia đình đầu tiên thoát khỏi cảnh đói nghèo ở thôn Hồng Lâu. Năm 2009, được sự tín nhiệm của bà con, Hờ A Ký được bầu làm Công an viên.

Hồng Ca là xã nghèo nhất, nhì huyện Trấn Yên. Thôn Hồng Lâu lại là bản hẻo lánh và khó khăn nhất của xã. Cuộc sống người dân còn tồn tại nhiều hủ tục, đặc biệt là nạn trồng và hút thuốc phiện; tảo hôn, ma chay, cưới xin nặng nề, tốn kém…

Sau khi được tập huấn, trang bị những kiến thức về pháp luật do cán bộ Công an huyện Trấn Yên truyền đạt, Hờ A Ký quay về thôn nghĩ cách làm thay đổi nhận thức của bà con. Muốn vậy cách duy nhất là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Anh bảo: “Muốn vận động người dân không trồng thì phải loại bỏ được người hút, không còn người hút thuốc phiện thì không còn trộm cắp”.
Nghe theo lời Hờ A Ký, người dân thôn Hồng Lâu dựng nhà, không di cư tự do.

Chính bí quyết giản dị đó đã giúp anh vận động cai nghiện hàng chục người, trong đó có những người có “thâm niên” nghiện hút gần chục năm như Sùng A Củ (47 tuổi). Nhà A Củ cách nhà anh mấy cây số nhưng gần như ngày nào anh cũng ghé qua.

Có lần vào đúng lúc ông ta thèm thuốc giở chiêu chống đối, anh phải kiếm dây trói lại rồi cõng ông ta xuống trung tâm cai nghiện. Do không hiểu biết, vợ A Củ là Vàng Thị Pla cũng không muốn cho chồng đi cai vì sợ 5 đứa con nheo nhóc ở nhà không ai nuôi. Anh liền “thỏa thuận” với A Củ và vợ: “Nếu mày để tao đưa chồng đi cai nghiện, tao cho vợ chồng mày 50kg gạo và 10 con gà”.

Có cái ăn cho bầy con ở nhà, vợ chồng A Củ đồng ý đi cai và ông ta đã cai nghiện thành công, giờ còn là một người tiến bộ trong thôn. Cái được lớn nhất là sau khi Sùng A Củ cai nghiện, nhiều người khác cũng noi gương tự giác đi cai, người này làm gương cho người kia, thôn Hồng Lâu dần loại bỏ được nạn nghiện hút.

Ở Hồng Lâu những năm trước nạn tảo hôn diễn ra phổ biến và phức tạp. Để ngăn chặn tệ nạn này, anh Hờ A Ký đã phải mất rất nhiều công sức và thời gian để đả thông tư tưởng cho bà con. Anh còn ra chợ huyện mua cả đầu đĩa, tivi về mở cho bà con xem về cái sự “tiến bộ”. Anh nhờ cán bộ y tế xã xuống tận thôn tuyên truyền về tác hại của việc kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết.

Cách làm này khá hiệu quả vì người dân vùng cao vốn dĩ chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe. Hồi đó khi nghe tin Hờ Thị Sua (15 tuổi) và Tráng Á Hầu (17 tuổi) có ý định kết hôn, anh đã đến thuyết phục. Chẳng biết anh nói những gì nhưng sau một buổi tối, gia đình Hầu và Sua đồng ý gác lại chuyện cưới xin. “Bây giờ thì chúng nó lấy nhau rồi, lại sinh được một thằng con trai khoẻ mạnh nên cứ cảm ơn cán bộ suốt” - Hờ A Ký cười kể lại.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của Hờ A Ký, giờ đây thôn Hồng Lâu không còn người nghiện hút thuốc phiện. Bà con không di cư tự do, không đốt phá rừng bừa bãi. Đặc biệt một thôn 100% là người dân tộc Mông nhưng nhiều năm nay, thôn Hồng Lâu không có tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc.

Năm 2014, qua vận động, người dân tự giác giao nộp hơn 10 khẩu súng tự chế. Ông Hà Đức Nhận, Trưởng Công an xã Hồng Ca cho biết: “Hờ A Ký là một trong những cán bộ Công an viên năng nổ nhất của xã. Anh rất giỏi dân vận, chính nhờ dân vận tốt nên bà con tin yêu và ủng hộ”.

Ông Sùng A Khá, một người dân ở thôn Hồng Lâu vui vẻ nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ: “A Ký mang lại nhiều niềm vui cho nhân dân thôn mình. Hai năm trở lại đây thôn không phát hiện có người nghiện ma tuý, đám thanh niên bây giờ tiến bộ rồi, không bỏ học đòi lấy chồng, lấy vợ sớm nữa…”.

Hoàng Hoà
.
.