Anh nông dân sáng chế máy biến rác thải thành phân hữu cơ

Thứ Bảy, 29/11/2014, 11:55
Sống giữa vùng sản xuất nông nghiệp, sau mỗi vụ thu hoạch, nhà vườn thường để lại các phế phẩm khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ thực trạng đó anh Vũ Đình Phúc (ngụ khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt) đã tự mày mò sáng chế ra máy nghiền phế phẩm nông nghiệp để sản xuất ra phân hữu cơ, giúp gia đình anh tiết kiệm được gần 80 triệu đồng tiền mua phân bón cho hơn 1ha đất mỗi năm.

Anh Phúc cho biết, hiện có rất nhiều người đặt anh làm máy nghiền phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân hữu cơ từ chất thải để bán cho họ. Anh Phúc cũng đã bán được 21 máy với giá trung bình là 35 triệu đồng/máy. Chỉ tính riêng ở phường 7, TP Đà Lạt, anh Phúc đã chuyển giao công nghệ cho gần 10 gia đình giúp họ chế rác thải thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, không phải mua bất kỳ loại phân nào trên thị trường mà hoa màu vẫn xanh tươi mơn mởn. Ý tưởng sáng chế máy nghiền rác thải xử lý thành phân hữu cơ của anh Phúc hình thành từ năm 2006 bắt nguồn từ một thực trạng ô nhiễm xảy ra tại địa phương. Anh Phúc cho biết, gia đình anh sống giữa vùng sản xuất nông nghiệp, bao quanh nhà là vựa rau rộng tới hàng trăm hécta nên quanh năm phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc của phế phẩm nông nghiệp đang phân hủy như lá cải thảo, bông sú, hoa, phân cá… 

Anh Phúc và chiếc máy do mình sáng chế.

“Nghĩ thì nhanh nhưng làm thì không dễ”- anh Phúc nói. Để sáng chế ra chiếc mày này, anh đã trải qua những ngày mất ăn, mất ngủ, áp lực rất lớn từ người thân, bạn bè và chính gia đình mình.  “Khi bắt tay vào thực hiện công việc, đã có người mỉa mai tôi là loại ấm đầu, vợ con không giữ được bình tĩnh nên cũng đã lên tiếng phản đối tôi” - anh Phúc cho biết. Nhưng cuối cùng, sự kiên trì đã giúp anh sáng chế thành công máy nghiền chất thải nông nghiệp thành phân hữu cơ trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân. Máy nghiền rác thải sản xuất phân hữu cơ của anh Phúc gồm 2 bộ phận chính là môtơ và cối xay, cùng với một băng chuyền. Máy có thể nghiền nhỏ, trộn đều các loại phế phẩm và một số phụ liệu nông nghiệp để dùng làm phân hữu cơ...

Phế phẩm nông nghiệp sau khi xay nát sẽ được trộn với bã mía theo “công thức” cứ 20 tấn chất thải nông nghiệp sẽ trộn với 40 khối bã mía. Sở dĩ trộn với bã mía là để cho bã mía hút và giữ nguồn nước từ phế phẩm nông nghiệp, vốn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Sau khi trộn, anh Phúc có được từ 40-50 tấn phân ướt rồi đánh thành đống trộn ủ cho lên men trong vòng 1 tháng, cứ 10 ngày đảo một lần. 

Từ khi sáng chế ra máy chế biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, gia đình anh Phúc không phải mua phân ngoài thị trường. Từ đó, mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được khoảng 80 triệu đồng tiền mua phân bón cho 1ha đất sản xuất. Để thành phẩm 1kg phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp chỉ mất từ 2.000-2.200đ, hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với việc phải mua phân ngoài thị trường. Anh Phúc kiểm tra chất lượng phân của mình sản xuất bằng cách bón phân cho cùng loại cây, cùng một vị trí, giữa phân của anh với loại phân mua ngoài thị trường có giá 4.000đ/kg, cây được bón phân của anh đã tốt hơn hẳn. Anh tiếp tục mua phân ngoài với giá 12.000đ/kg và bón so sánh với phân do anh sản xuất thì cây phát triển đồng đều như nhau.

Những thành quả nghiên cứu, lao động, sản xuất của mình, anh Vũ Đình Phúc đã được nhiều cơ quan, tổ chức công nhận và vinh danh. Đặc biệt, anh Phúc còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Kim Ngân
.
.
.