Bao giờ cước vận tải giảm giá?

Thứ Tư, 24/12/2014, 11:37
Từ đầu năm tới nay, giá xăng có tổng cộng 12 lần giảm giá với mức giảm là 7.750 đồng/lít. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh hạ giá cước sau khi xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua.
>> Rà soát cước vận tải sau nhiều lần xăng dầu giảm giá

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho rằng, đến thời điểm này, bến xe vẫn chưa nhận được đơn vị nào đề nghị giảm giá tiếp. Từ đợt giảm xăng tới giờ, đã có hơn 20 đơn vị giảm giá vé trong tổng số 100 đơn vị kinh doanh vận tải tại bến xe. Những đơn vị giảm này nằm rải rác 40 tuyến với mức giảm cao nhất là 16%.

Theo nhận định của ông Thành, nhanh nhất cũng phải từ 7-10 ngày nữa, giá cước vận tải mới được điều chỉnh bởi đơn vị vận tải còn báo cáo cơ quan chức năng rồi còn in ấn vé, cỡ khoảng 10 ngày thì mới áp dụng giá cước mới nếu được chấp thuận, may ra thì kịp với dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch. “Chúng tôi cũng đang gửi tới doanh nghiệp các đăng ký giảm giá. Tôi đang kỳ vọng sẽ giảm giá cước vì đợt này giá xăng giảm sâu nhất nên nếu xe nào mà tăng giá vé chắc khó cạnh tranh. Chúng tôi cũng làm quyết liệt việc hành khách phải vào bến mua vé để tránh tình trạng bị nhà xe thu thêm”, ông Thành cho biết.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, mức giảm sâu nhất lên tới 15%, mức bình quân 7-5%. “Ngày hôm qua giảm giá xăng 2.000 đồng, vì mới giảm nên các doanh nghiệp còn làm các thủ tục in ấn, trình công văn, có thể tới 1 tuần hoặc vài ngày nữa, có thể sẽ có đơn vị giảm giá, hoặc giảm giá mới”.

Diễn biến giá xăng dầu từ tháng 7 đến nay.  Ảnh: H.Khoa.

Theo ông Tuấn, giá vé giảm hầu hết trên các tuyến đi về địa phương như Vinh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình. Một số doanh nghiệp vận tải giảm thì các đơn vị khác phải giảm giá theo, người dân đi lại sẽ có sự so sánh.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Điện Biên, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ôtô Điện Biên, trước đợt giảm gần đây nhất, phía đơn vị đã giảm giá cước vận chuyển hành khách từ 4-9%.

Cụ thể tuyến Điện Biên-Hà Nội giảm từ 375.000 xuống 360.000 đồng, tuyến Lai Châu - Hà Nội giảm 30.000 đồng còn 300.000 đồng. “Việc giảm giá mạnh như ngày 22-12 vừa qua, doanh nghiệp vận tải cũng cần “độ trễ” để thực hiện sau đó mới công bố. Đương nhiên, sẽ có phương án giảm giá tiếp”, ông Mạnh khẳng định.

Lý giải cho việc chậm trễ điều chỉnh giá cước, ông Mạnh cho rằng, chi phí nhiên liệu chiếm 30-45% trong đó, sự biến động giá thành không nhất thiết phải theo biến động tức thì của giá nhiên liệu mà còn phụ thuộc vào thủ tục. Lý giải rõ hơn, theo ông Mạnh, vận tải đường bộ hiện đã thực hiện cổ phần hóa, tự thân vận động theo diễn biến thị trường. Việc quản lý chỉ là luồng nốt, vận tải người lái, điều kiện kinh doanh chứ điều kiện kinh tế không thể kiểm soát. Việc hình thành đầu vào khoảng 30% có lúc lên, lúc xuống nhưng còn 70% các yếu tố đầu vào khác như tài sản cố định, lương đều hình thành theo cơ chế thị trường. Đơn cử, ở Điện Biên, có 8 doanh nghiệp vận tải. Trong trường hợp nhà xe không giảm giá, không nâng chất lượng dịch vụ thì tự “chết” trước. Người ta bán vé 360.000 đồng nhưng nếu tăng 400.000 đồng thì chả ai đi, cùng với đó là phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách.

Đề cập đến giá cước vận tải hàng hóa, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho hay, cước vận tải hàng hóa khác biệt so với vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa chủ yếu phụ thuộc theo nhu cầu vận chuyển, theo sự thỏa thuận giữa hai bên chủ hàng và chủ xe. Đây là vấn đề cả hai bên phải tính toán đến lợi ích kinh doanh, mức giá tùy thuộc cung cầu ở những thời điểm khác nhau. Chứng minh điều này, ông Tiến đưa ra ví dụ, cùng là loại hàng rời nhưng phải phụ thuộc vào tỷ trọng hàng hóa, có khi hàng hóa nhẹ nhưng lại chiếm nhiều diện tích thùng xe. Cùng chở container nhưng lại tùy theo loại công 20 feet hay 40 feet sẽ có mức giá khác nhau. “Vì vậy, giá cước vận tải hàng hóa chỉ là tương đối, không như vận tải hành khách,” ông Tiến phân tích.

Đặng Nhật
.
.
.