Ngày thứ chín xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Các bị cáo hiểu sai hoặc lách luật để thực hiện mục đích

Thứ Năm, 11/12/2014, 09:58
Ngày 10/12, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
>> Hành vi của Kiên và đồng phạm đã làm lũng loạn thị trường tài chính, tiền tệ

Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Kiên xin HĐXX dành cho mình thời gian một ngày để tự bào chữa các nội dung liên quan đến cả bốn tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà Tòa sơ thẩm đã quy kết.

HĐXX tôn trọng ý kiến này khi để cho bị cáo Kiên được thỏa mái thời gian trình bày tại phần tranh luận. Tuy nhiên, Kiên chỉ nói liên tục được gần ba tiếng đồng hồ thì hết nội dung cần bào chữa. Khi Kiên bắt đầu trình bày những vấn đề không liên quan đến nội dung bản án sơ thẩm thì HĐXX buộc phải nhắc nhở. Tuy nhiên, Kiên vẫn nhiều lần đưa ra các ý kiến lạc đề. Thậm chí, Kiên còn đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Tòa sơ thẩm tuyên phạt hai bị án Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, dù hai bị án này đã chấp nhận hình phạt của Tòa sơ thẩm và không hề kháng cáo.

Khi các luật sư bào chữa cho các bị cáo và tự các bị cáo đưa ra các nội dung cần tranh luận, vị đại diện Viện KSND Tối cao thực hành quyền công tố phát biểu lập luận. Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong số sáu bị cáo có đơn kháng cáo và quá trình xét xử phúc thẩm vụ án này, chỉ duy nhất bị cáo Kiên kêu oan. Bị cáo Lý Xuân Hải thì đề nghị xem xét lại hành vi phạm tội. Các bị cáo còn lại chỉ đề nghị giảm nhẹ hình phạt so với án sơ thẩm hoặc giảm từ án tù giam xuống án treo.

Qua quá trình thẩm vấn công khai các bị cáo cũng như phần trả lời các vấn đề liên quan đến vụ án từ đại diện các cơ quan Nhà nước cho thấy, nội dung bào chữa của các luật sư cũng như của bị cáo Kiên và đồng phạm là những lập luận thiếu logic, không có tính thuyết phục. Các luật sư bào chữa cho rằng, khi luật không cấm thì được phép thực hiện và không thể coi là vi phạm. Nhưng Viện Kiểm sát nhận thấy, các hành vi vi phạm mà bị cáo Kiên và đồng phạm đã thực hiện thì đều được quy định trong các văn bản pháp luật của cơ quan thẩm quyền.

Tại phiên tòa phúc thẩm, duy nhất bị cáo Kiên kêu oan; bị cáo Hải đề nghị xem xét lại hành vi phạm tội.

“Vấn đề mấu chốt ở đây là các bị cáo hiểu sai, hoặc lách luật để thực hiện bằng được mục đích của mình. Như vậy, rõ ràng là các bị cáo có chủ ý thực hiện hành vi chứ không thể nói là luật không cấm thì được thực hiện”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh. Sau khi đối đáp từng nội dung cụ thể mà các luật sư và bị cáo đưa ra để bào chữa, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, bản án mà Tòa sơ thẩm đã quy kết đối với hành vi phạm tội của các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Trong phần tranh luận, luật sư đại diện của Ngân hàng ACB và luật sư đại diện của Vietinbank đưa ra các quan điểm trái ngược nhau khi đề cập đến số tiền gần 720 tỉ đồng mà Ngân hàng ACB ủy quyền cho nhân viên gửi vào Vietinbank, sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ. Theo luật sư đại diện Ngân hàng ACB, việc Ngân hàng ACB ủy quyền cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank là không sai, vì đây chỉ là một hoạt động ủy quyền dân sự, không phải là hoạt động kinh doanh. Bản án sơ thẩm xác định Ngân hàng ACB là nguyên đơn dân sự nhưng không giải quyết bồi thường thì vai trò của Ngân hàng ACB sẽ như thế nào trong vụ án này? Vị luật sư này đề nghị HĐXX phúc thẩm không xem xét và kết luận về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường đối với số tiền gần 720 tỷ đồng của Ngân hàng ACB gửi tại Vietinbank trong phiên toà này. Lý do vì vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như chuẩn bị được xét xử phúc thẩm.

Trong khi đó, luật sư đại diện của Vietinbank có quan điểm trái ngược khi cho rằng, Vietinbank không có trách nhiệm trả cho Ngân hàng ACB khoản tiền gần 720 tỉ đồng. Bởi Vietinbank không biết về thỏa thuận ngầm để hưởng lãi suất vượt trần giữa Huyền Như và Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó trưởng phòng Quản lý quỹ của Ngân hàng ACB. Vietinbank không có lỗi đối với những thỏa thuận ngầm trái pháp luật giữa nhân viên Ngân hàng ACB với cá nhân Huyền Như. Vì thế Ngân hàng ACB phải tự chịu trách nhiệm về việc chuyển tiền theo các thỏa thuận giao dịch bất hợp pháp với cá nhân Huyền Như. Luật sư đại diện của Vietinbank nêu quan điểm “Ngân hàng ACB tuy là chủ tài sản của số tiền gần 720 tỉ đồng, nhưng giao cho Bảo Ngọc đi gửi thì Ngọc đã được nhận số tiền thỏa thuận 3,7 tỉ đồng từ Huyền Như và phó mặc cho Huyền Như muốn làm gì thì làm mà không kiểm tra lại”.

“Trong việc ủy thác và quá trình thực hiện việc ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB đứng tên gửi tiết kiệm vào Vietinbank, lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng ACB đã vi phạm các qui định về trách nhiệm của chủ tài khoản thanh toán và của chủ thẻ tiết kiệm, dẫn đến việc Ngân hàng ACB bị Huyền Như thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền gần 720 tỉ đồng. Do đó, Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Ngân hàng ACB theo khoản 1, Điều 42 BLHS”, luật sư đại diện Vietinbank nhấn mạnh.

Ngày 11/12, phiên tòa tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.