Các quốc gia luận bàn chống khủng bố

Thứ Bảy, 24/01/2015, 09:48
Sau cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) hồi cuối tháng 12 năm ngoái, hôm 22/1, Ngoại trưởng của 21 quốc gia trong tổng số 60 nước thành viên của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tụ họp ở thủ đô London (Anh) để bàn phương cách chống khủng bố. Một trong những nội dung quan trọng được các Ngoại trưởng chú trọng là ngăn chặn các tay súng nước ngoài gia nhập IS và vận động cộng đồng người Hồi giáo đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đồng chủ trì cuộc họp này. Đây là cuộc họp đầu tiên của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu kể từ khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố và bắt cóc con tin tại thủ đô Paris của Pháp làm 17 người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, các cuộc không kích của liên minh vào căn cứ của IS ở Iraq đã khiến IS bị tổn thất nặng nề. Ảnh:Wochit.

Tại cuộc họp này, sau khi khẳng định những nguy hiểm mà IS đã tạo ra cho thế giới, Ngoại trưởng John Kerry đã thông báo cụ thể về tình hình chiến lược chống khủng bố mà Mỹ cùng liên quân đang thực hiện. Theo đó, riêng tại Iraq, với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh nước này, liên quân đã thực hiện gần 2.000 vụ không kích khác nhau trên diện tích trải dài gần 500km².

Dù chưa thể đưa ra con số chính xác, song ông John Kerry cho rằng, số thành viên của IS bị tiêu diệt có thể gần 6.000 tên, trong đó có nhiều thủ lĩnh chủ chốt của IS.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khẳng định, liên minh chống IS cần phải làm tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa với các biện pháp nhằm ngăn chặn làn sóng chiến binh nước ngoài (đặc biệt là những người gốc châu Âu, Mỹ…) tới Iraq và Syria, tham gia lực lượng thánh chiến của IS. Bởi những kẻ này, sau khi bị IS “tẩy não”, huấn luyện về chiến đấu, có thể sẽ quay trở về quê hương, thực hiện các vụ tấn công khủng bố đẫm máu như những gì đã xảy ra ở Pháp hồi đầu tháng. Ông John Kerry nhấn mạnh, mục đích của chiến dịch không kích chống IS không chỉ là giải cứu các bộ tộc bị phong tỏa hoặc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, mà còn nhằm đánh bại ý đồ của IS.

Minh họa cho lời của người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Philip Hammond cho biết, mối liên hệ giữa cuộc chiến ở Syria, Iraq và khủng bố thật đáng lo ngại. Có 600 công dân Anh đang tham chiến ở đây và tạo nên tình trạng báo động khủng bố ở London và nhiều tỉnh, thành khác của xứ sở sương mù. Các quốc gia khác của châu Âu cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.

Cảnh sát châu Âu (Europol) ước tính rằng, khoảng 5.000 công dân châu Âu đã đến Iraq và Syria để gia nhập IS và các tổ chức khủng bố khác. Cho đến nay, hơn 500 người trong số này đã quay về châu Âu. Tình báo Mỹ xác định, hiện mỗi tháng có khoảng 1.000 công dân nước ngoài đến Iraq và Syria gia nhập các tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ với đường biên giới dài hơn 800km bị xem là cửa ngõ chủ yếu để các phần tử cực đoan quốc tế tiến vào Syria và Iraq.

Trong khi đó, nguồn tin từ hãng Reuters cho hay, trước thềm hội nghị của 21 Ngoại trưởng trong liên minh chống IS, Thủ tướng Iraq al-Abadi đã gặp Thủ tướng Anh David Cameron đề nghị cung cấp thêm trang thiết bị quân sự và hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng an ninh Iraq để có thể phối hợp tốt với các đợt không kích do liên quân tiến hành.

Dù đã đạt được một số kết quả khả quan trong cuộc chiến chống IS được tiến hành từ tháng 8 năm ngoái, song theo Ngoại trưởng Philip Hammond, có thể sẽ phải mất 2 năm mới đánh bật được IS ra khỏi Iraq. Và việc chống IS không chỉ là hành động của liên minh mà rất cần sự hỗ trợ của người dân và chính phủ Iraq. Hơn nữa, Iraq nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung trên thế giới phải đoàn kết cùng nhau chiến đấu chống chủ nghĩa cực đoan ngay trong đất nước mình.

Đây cũng chính là lý do tại sao Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã kêu gọi cộng đồng Hồi giáo có tiếng nói chung về chống khủng bố và cực đoan. Ông Recep Tayyip Erdogan đã ví các hoạt động khủng bố ở Trung Đông hiện nay như một sự xâm lược mới và để đánh bật chúng, các quốc gia cần phải đoàn kết vì lợi ích chung.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Khi thế giới Hồi giáo vẫn im lặng trước những hành động đó, thế giới càng đối mặt với những nguy hiểm nặng nề, đặc biệt là về khủng bố. Chúng ta có thể nói các ngôn ngữ khác nhau, có những sắc tộc khác nhau, nhưng chúng ta có nghĩa vụ chung là chống khủng bố và cực đoan”. Được biết, trên thế giới có khoảng 56 quốc gia Hồi giáo, chiếm 1/3 thành viên của Liên Hợp Quốc.

Cho đến chiều 23/1, Chính phủ Nhật Bản vẫn nỗ lực đảm bảo các kênh đối thoại nhằm thúc giục IS phóng thích con tin nước này mà không làm hại đến họ. Thời hạn 72 tiếng đồng hồ mà IS đưa ra đã hết nhưng theo Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Tokyo vẫn chưa biết rõ về sự an toàn của các con tin và bác bỏ bình luận về việc có bất cứ thông điệp nào từ phiến quân. Trong khi đó, mẹ của phóng viên Nhật Bản Kenji Goto, người đang bị IS bắt giữ đã xuất hiện trên truyền hình, kêu gọi tổ chức này trả tự do cho con trai bà.

Theo tiết lộ trên một số tờ báo của Nhật Bản, điện thoại di động của Allah Adin Zaim (34 tuổi), hướng dẫn viên cho phóng viên Kenji Goto đã lưu lại đoạn thông điệp của phóng viên này. Đoạn video dài 2 phút 26 giây, được quay ở Mare miền Bắc Syria sáng 25/10/2014. Sau khi nói bằng tiếng Nhật, phóng viên Kenji Goto cũng giải thích nội dung bằng tiếng Anh.

Phan Hiển
.
.
.