Lật tẩy chiêu bài tuyên truyền qua Internet của IS

Thứ Năm, 29/01/2015, 08:41
Những luận điệu tuyên truyền qua Internet của IS cho thấy, tổ chức này ngày càng lợi dụng các trang mạng xã hội để phục vụ cho mục đích khủng bố của mình. Cuộc đấu tranh với IS chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi số lượng chiến binh thánh chiến ủng hộ IS ngày càng gia tăng.

Ngày 28/1, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng lúc tung lên mạng hai đoạn video khác nhau, trong đó đe dọa sát hại Tổng thống Mỹ, biến nước Mỹ thành một tỉnh Hồi giáo và dọa giết một nhà báo Nhật Bản cùng một phi công Jordan trong vòng 24 giờ, nếu chính quyền Amman không trả tự do cho nữ phiến quân đang ngồi tù.

Những luận điệu tuyên truyền qua Internet của IS cho thấy, tổ chức này ngày càng lợi dụng các trang mạng xã hội để phục vụ cho mục đích khủng bố của mình. Cuộc đấu tranh với IS chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi số lượng chiến binh thánh chiến ủng hộ IS ngày càng gia tăng.

IS đang tận dụng triệt để các trang mạng để gieo rắc nỗi sợ hãi và lôi kéo tân binh.

Hãng Telegraph số ra ngày 28/1 dẫn nguồn thông tin từ một báo cáo gửi lên Quốc hội Anh cho biết, số lượng các tư tưởng cực đoan được thể hiện trên Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội ngày càng gia tăng. Thống kê cho thấy, các chiến binh của IS đã sử dụng tới 45.000 tài khoản Twitter khác nhau để truyền tải các thông điệp của tổ chức này.

Chính vì thế mà đoạn video đăng tải trên website của tổ chức này về hình ảnh con tin người Nhật Bản Kenji Goto đang cầm bức hình của phi công người Jordan Maaz al-Kassasbeth, cùng đoạn video có hình ảnh 3 chiến binh IS đứng sau một tay súng người Kurd đang quỳ gối, lên tiếng công kích Mỹ và các quốc gia phương Tây khác… chỉ sau 12 tiếng đồng hồ đã nhanh chóng có mặt trên tất cả các trang mạng xã hội nổi tiếng toàn thế giới như Twitter, Facebook, Tumblr, YouTube, Instagram…

Trung tâm nghiên cứu và phân tích khủng bố quốc tế (TRAC) cho hay, chỉ trong 6 tháng kể từ tháng 8/2014 đến nay, IS đã tung ra hơn 2 triệu tin tức, hình ảnh, video và băng ghi âm lên Internet. Không chỉ dừng ở việc sản xuất những đoạn băng video ngắn trong vòng 3 phút quay cảnh hành quyết các con tin một cách dã man, IS còn đưa ra nhiều đoạn băng với những phát biểu khiêu khích, mang tính xúi giục, lôi kéo các phần tử cực đoan trên thế giới, đe dọa chống Mỹ, các nước phương Tây và liên minh chống IS.

Nguy hiểm hơn, những đoạn băng này không những được thực hiện bằng tiếng Arab, mà còn có phụ đề tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… Một số đoạn băng như đoạn đe dọa hành quyết các con tin, thành viên IS còn nói giọng tiếng Anh chuẩn.

Sự “xâm chiếm” truyền thông trên Internet ngày càng được mở rộng và trở nên đáng bạo động khi tổ chức này công bố việc phát sóng kênh truyền hình riêng với tên gọi “Caliphate Channel”. Kênh truyền hình này được phát sóng mỗi ngày 1 giờ và liên tục 7 ngày trong tuần trên Internet. Một loạt diễn đàn và website trung thành với IS đã bắt đầu đăng tải địa chỉ của kênh truyền hình này thông qua các mạng kết nối xã hội.

Không chỉ phát sóng các hình ảnh quảng bá cho IS, đài truyền hình này còn dùng một thời lượng không nhỏ dành cho chương trình chiêu mộ tân binh. Việc rao giảng lý tưởng trên Internet nhằm lôi kéo và xúi giục các phần tử Hồi giáo cực đoan trên thế giới của IS phần nào đã có tác dụng. Kết quả điều tra của TRAC cho hay, bên ngoài Iraq và Syria, có những cộng đồng mạng tỏ ý ủng hộ IS và từ đó có nhiều chiến binh nước ngoài tìm đến Iraq, Syria để gia nhập tổ chức này.

Cụ thể, 47,6% bình luận ở Qatar, 35% ở Pakistan, 31% ở Bỉ, 24% ở Anh và 21% ở Mỹ đều ủng hộ cái gọi là chiến binh thánh chiến. Chuyên gia về Hồi giáo tại Đại học Leipzig (Đức) Christoph Günther nhận định: “Tuyên truyền của IS được đánh giá là rất chuyên nghiệp, hơn hẳn mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Từ góc độ kỹ thuật có thể thấy rằng, khả năng PR của chiến binh thánh chiến đã được cải thiện theo cấp số nhân trong hơn 5 năm qua”.

Không chỉ sản xuất video rồi hướng đến đối tượng cụ thể, qua đó gửi những thông điệp trên Internet, IS còn có kế hoạch đối phó với việc bị ngăn chặn. Nói thế là bởi lẽ, các chuyên gia của TRAC đã phát hiện ra rằng, các thành viên của IS thường xuyên thay đổi, tạo lập các tài khoản mới trên những trang mạng xã hội để tránh sự truy đuổi của các cơ quan chức năng.

Thậm chí, chúng còn thu nạp thêm các nhóm tin tặc trên thế giới để phục vụ mục đích đánh sập các trang mạng nào nói những điều bất lợi về chúng hoặc các trang mạng sử dụng các phương pháp nhằm ngăn chặn việc IS truyền tải thông điệp khủng bố.

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 1, trang mạng xã hội Facebook đã bị tê liệt vài ngày khi bị một nhóm tin tặc có liên hệ mật thiết với IS tấn công. Trong lúc các nhân viên kỹ thuật của Facebook đang cố gắng khắc phục sự cố thì một tài khoản có tên là Lizard Squad ở trang Twitter đã thừa nhận, nhóm này vừa tấn công Facebook và đe dọa, trong thời gian tới sẽ mở rộng các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan truyền thông lớn như BBC, CNN. Chưa hết, nhóm này còn cho biết, đang lên kế hoạch để hack các trang chủ của những hãng hàng không ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức…

Theo tuyên bố của nhóm này, mục đích của chúng là cho thế giới thấy “sức mạnh ngày càng lớn của IS” và để Mỹ cùng liên minh chống IS “nếm trải dần những trái đắng” mà tổ chức này đưa ra.

Lo ngại những hành động khủng bố ngày càng gia tăng của IS cũng như khả năng công dân nước ngoài gia nhập tổ chức này, từ tháng 10 năm ngoái, EU và các hãng công nghệ Internet lớn của châu Âu và Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận và biện pháp đầu tiên là ngăn chặn những đoạn video hành quyết dã man trên mạng trực tuyến.

Không cho phép các hình ảnh của IS đăng tải được phát tán trên Internet là một cách nhằm khống chế sức “lan tỏa” của chủ nghĩa khủng bố mà IS đang reo rắc. Đồng thời, cơ quan an ninh các nước EU và Mỹ còn đưa những tài liệu cảnh báo về các nhóm Hồi giáo cực đoan lên Internet và câu chuyện về những người đã vô tình sa phải bẫy của Hồi giáo cực đoan, mà cụ thể là IS, sau đó hoàn lương, trở về với cuộc sống đời thường.

Châu Anh
.
.
.