Mỹ dành 561 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng

Thứ Bảy, 31/01/2015, 10:04
Bất đồng về ngân sách giữa chính phủ và quốc hội Mỹ lại có nguy cơ gia tăng sau khi Tổng thống Barack Obama đề xuất tăng trần chi tiêu ngân sách chính phủ trong năm tài khóa 2015, trong đó ngân sách dành cho quốc phòng là 561 tỷ USD. Động thái này được cho là sẽ khởi nguồn một cuộc đối đầu mới giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại lưỡng viện.

Từ đề xuất của Tổng thống

Trong cuộc gặp với các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội ở Philadelphia hôm 29/1, Tổng thống Barack Obama đã thông báo kế hoạch tăng chi tiêu trong nước và quân sự. Ông Barack Obama cũng khẳng định rằng, sẽ đưa đề xuất này lên Quốc hội bởi chương trình thắt chặt chi tiêu có hiệu lực từ năm 2013 đã trở nên lỗi thời, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi mà nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ và có nhiều tăng trưởng.

Việc tăng cường an ninh tại các cửa ngõ biên giới và sân bay trong bối cảnh có những đe dọa khủng bố cũng tiêu tốn không ít tiền của ngân sách quốc phòng Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, năm 2015, nước Mỹ đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là về an ninh mà sự bành trướng, mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là mối lo ngại hàng đầu. Vì thế, quan điểm của Tổng thống Mỹ là phải tăng trần chi tiêu ngân sách chính phủ trong năm tài khóa 2015.

Theo lịch trình, ngày 2/2, Nhà Trắng sẽ công bố ngân sách tài khóa 2015 và với những đề xuất mới được ông Barack Obama đưa ra, ngân sách chi tiêu sẽ được tăng thêm 74 tỷ USD, tức là khoảng 7% với mức trần đặt ra hồi năm 2013 sau khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thất bại trong việc đạt được thỏa thuận về giảm thâm hụt ngân sách. Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay, các cuộc đối thoại, thảo luận giữa chính phủ và quốc hội, giữa đại diện đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang được tiến hành.

Về cơ bản, ông Josh Earnest cho biết, chính phủ cũng rất tôn trọng các ý kiến của đại diện đảng Cộng hòa và muốn hai bên thống nhất vì lợi ích chung. Cũng theo nguồn tin này, số tiền tăng thêm sẽ được phân chia đều giữa ngân sách quốc phòng và phi quốc phòng. Tức là, khoảng 530 tỷ USD sẽ dành cho chi tiêu phi quốc phòng, tăng 37 tỷ USD so với mức trần; trong khi ngân sách quốc phòng là 561 tỷ USD, tăng 38 tỷ USD. Đề xuất của Tổng thống Barack Obama cũng đề cập đến việc giải quyết các lỗ hổng trong vấn đề thuế, hỗ trợ tài chính cho các chi tiêu cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học và dược phẩm…

Đến cảnh báo của giới chức an ninh

Giới quan sát nhận định, chắc chắn, đề xuất mới này của Tổng thống Mỹ sẽ vấp phải sự phản đối của quốc hội, nơi đảng Cộng hòa đang giành quyền kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều khả năng, sự phản đối này sẽ bớt mạnh mẽ hơn so với năm 2014. Nguyên do là vì trong thời gian gần đây, thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đã chứng kiến quá nhiều thay đổi và đặc biệt là các thách thức trong lĩnh vực an ninh.

Gần đây, giới chức an ninh và tình báo Mỹ cũng liên tục đưa ra các cảnh báo rằng, bất đồng về ngân sách giữa hai viện quốc hội có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại Mỹ. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ (DHS) Jeh Johnson thậm chí còn cảnh báo, Sở Mật vụ sẽ không thể nâng cấp hay thuê thêm nhân viên để đảm bảo an ninh cho sự kiện chính trị quan trọng vào năm sau cho tới khi lưỡng viện đạt được thỏa thuận về vấn đề ngân sách.

DHS là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo an ninh tại biên giới, sân bay, bờ biển và bảo vệ Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ chính của Sở Mật vụ thuộc bộ này là bảo vệ các ứng viên tổng thống và phó tổng thống cùng gia đình trong vòng 4 tháng khi họ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trong khi đó, từ cuối tháng 12 năm ngoái, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và DHS cũng đã gửi các cơ quan thực thi luật pháp của Mỹ về nguy cơ các phần tử IS đang tìm cách tuyển mộ hoặc kích động những đối tượng “có cảm tình với họ” tiến hành các hành động gây tổn thương cho binh lính Mỹ ở trong các căn cứ hoặc ở các nơi công cộng khác. Và việc tăng cường an ninh, siết chặt kiểm tra kiểm soát tại các cửa ngõ biên giới và sân bay trong những tình huống như vậy cũng tiêu tốn của ngân sách quốc phòng không ít tiền.

Phan Hiển
.
.
.