Giao tranh dữ dội ở miền Đông Ukraine:

Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn

Chủ Nhật, 25/01/2015, 09:39
Thêm một lần nữa, nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở miền Đông nước này lại cận kề. 
>> Miền Đông Ukraine lại dậy sóng

Đáng chú ý là ngoài con số 2.000 binh sĩ Ukraine thương vong, nhiều dân thường vô tội cũng đã thiệt mạng sau 3 ngày quân đội chính phủ mở cuộc pháo kích nhằm giành quyền kiểm soát khu vực sân bay Donetsk. Tình hình càng trở nên phức tạp khi không chỉ có chính quyền Kiev, lực lượng chống đối mà cả Nga và EU đều có những cáo buộc lẫn nhau xung quanh vụ việc này.

“Thời gian chết chóc”

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 23/1, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết, chế độ giám sát nghiêm ngặt đã được ban hành ở Kharkov và tất cả các lực lượng an ninh chuyển sang tình trạng cảnh báo cao. Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) cũng đã được huy động để tham gia đối phó với mối đe dọa tấn công mới. Thậm chí, Tổng thống Petro Poroshenko còn tuyên bố rằng Ukraine đưa quân dự bị (khoảng 68.000 người) đến khu vực đang diễn ra hoạt động quân sự.

Theo cách lý giải của chính quyền Kiev, tất cả những biện pháp này là nhằm buộc lực lượng chống đối trả giá đắt cho việc gia tăng tấn công vào quân đội chính phủ. Trước đó, tin từ hãng Reuters cho hay, sau nhiều ngày giao tranh đẫm máu, quân đội chính phủ Ukraine đã mất quyền kiểm soát ở khu vực sân bay Donetsk.

Hãng Ria-Novosti dẫn lời chỉ huy phó dân quân Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Edward Basurin cho biết, chỉ trong ba ngày giao tranh vừa qua, hơn 500 lính Ukraine đã thiệt mạng, 1.500 lính khác bị thương. Lực lượng DPR cũng phá hủy 42 xe tăng Ukraine, 34 xe bọc thép chở quân và xe bọc thép, bắt làm tù binh 17 binh sĩ. Ngay lập tức, Tổng thống Petro Poroshenko đã họp khẩn các thành viên trong nội các, tố cáo lực lượng chống đối tiến hành các cuộc tấn công mới quy mô lớn qua giới tuyến phân chia miền Đông Ukraine với phần còn lại của nước này. Chính quyền Kiev khẳng định, đây là hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được ký hồi tháng 9 năm ngoái tại Minsk.

Trong khi đó, người đứng đầu DPR Alexander Zakharchenko thì tuyên bố không thúc đẩy các cuộc hòa đàm mới với Kiev, đồng thời cảnh báo các lực lượng của ông đang tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát. Ông Alexander Zakharchenko cho biết: “Lực lượng này sẽ không ngồi đợi quân đội chính phủ tấn công mà chủ động tiến công theo 3 hướng”. Và dù vẫn bỏ ngỏ khả năng trao đổi tù binh nhưng DPR tuyên bố không đàm phán ngừng bắn với chính phủ.

Nhận định về căng thẳng leo thang ở miền Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, “chính những mệnh lệnh tội ác của Kiev” đã khiến chiến sự gia tăng. Người đứng đầu điện Kremlin còn cáo buộc Ukraine đã không đáp lại đề xuất của ông được nêu trong một bức thư gửi Tổng thống Petro Poroshenko nhằm rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến như một bước đi hướng tới việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, văn phòng nhân quyền LHQ thông báo, 262 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine trong 9 ngày qua. Đây là "quãng thời gian chết chóc nhất" kể từ khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Mới đây, vào sáng 24/1, những quả rocket hạng nặng rơi xuống khu dân cư ở cảng Mariupol chiến lược do quân đội chính phủ kiểm soát đã làm 10 người thiệt mạng.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tưởng niệm các nạn nhân trong những vụ giao tranh ở miền Đông. Từ tháng 3 năm ngoái đến nay, hơn 5.000 người Ukraine vô tội đã thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ các cuộc xâm chiếm mới

Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án mạnh mẽ vụ đạn pháo bắn trúng một ôtô điện ở thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine khiến nhiều dân thường thương vong. Đồng thời, Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành một cuộc điều tra khách quan và trừng trị thích đáng những kẻ gây ra tội ác trên; chấm dứt ngay giao tranh ở khu vực này.

Liên minh châu Âu kêu gọi Nga đảm nhận trách nhiệm trong việc chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cho rằng, cả Nga và Ukraine cần phải tuân thủ thỏa thuận đạt được giữa Ngoại trưởng 4 nước gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine tại cuộc họp ở Berlin hôm 21/1.

Còn Chủ tịch luân phiên của EU, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics thì cảnh báo, bạo lực tái bùng phát ở miền Đông Ukraine thời gian gần đây có thể phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên và buộc liên minh này phải tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Và dù các thành viên EU đang bất đồng về vấn đề trừng phạt Nga, nhưng theo ông Edgars Rinkevics, nếu tình hình tiếp tục xấu đi như hiện nay thì EU sẽ phải xem xét các biện pháp gia tăng áp lực với Nga.

Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga Alexei Pushkov cho biết, Moskva nhất định sẽ dừng vai trò thành viên trong Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) cho đến cuối năm 2015 trong trường hợp lệnh trừng phạt phái đoàn Nga tiếp tục bị kéo dài.

Gia Nam
.
.
.