Phát hiện nhiều thi thể và mảnh vỡ của máy bay QZ8501

Thứ Tư, 31/12/2014, 09:59
Chiều 30/12, sau những thông tin ban đầu do máy bay săn ngầm P-3C Orion của không quân Australia cung cấp về một số mảnh vỡ nghi của chiếc Airbus 320-200 thuộc hãng hàng không AirAsia ở gần đảo Nangka, lực lượng cứu hộ Indonesia đã phát hiện nhiều thi thể xung quanh những mảnh vỡ này.
>> Nỗi đau tột cùng của gia đình hành khách máy bay QZ8501 khi thấy thi thể người thân trên biển

Đến nay, có thể xác định chắc chắn máy bay mang mã QZ8501 đã bị rơi xuống biển. Nguyên nhân ban đầu được cho là do máy bay bay vào vùng thời tiết xấu và phi công mắc lỗi trong khi điều khiển bay.

Tính đến 17h ngày 30/12, lực lượng hải quân Indonesia trên tàu chiến Bung Tomo đã vớt được thi thể của 40 người là nạn nhân trong vụ rơi máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia ở vùng biển Java. Người phát ngôn của lực lượng hải quân Manahan Simorangkir cho biết, nhiều thi thể khác cũng đã được phát hiện và lực lượng hải quân cũng như lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận càng sớm càng tốt số thi thể này để vớt lên tàu.

Thân nhân các hành khách của chiếc máy bay Airbus 320-200 đang chờ tin tại sân bay Surabaya đã bật khóc khi hình ảnh đầu tiên về những thi thể trôi nổi trên biển Java được chiếu trên truyền hình. Nhiều người do không chịu được cú sốc lớn đã ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngay lập tức tới Surabaya, động viên tinh thần thân nhân những người đã mất.

Lực lượng không quân Indonesia tổ chức tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Hãng Channel Asia dẫn lời một quan chức cấp cao của Indonesia cho biết, chiều tối 29/12, máy bay săn ngầm P-3C Orion của Australia đã phát hiện một số mảnh vỡ nghi của máy bay QZ8501 thuộc hãng hàng không AirAsia ở gần đảo Nangka, cách Pangkalan Bun 160km về phía Tây Nam, cách khu vực được xác định là nơi máy bay bị mất liên lạc 1.120km. Khi đó, Chuẩn đô đốc Indonesia Dwi Putranto cho biết, có ít nhất 10 vật thể cỡ lớn và nhiều vật thể cỡ nhỏ được phát hiện.

Trong khi đó, đài truyền hình Indonesia Metro TV phát hình ảnh về các vật thể được tìm thấy, trong đó có một vật thể được nghi là một cánh cửa của máy bay kèm theo phao trượt sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Những vật thể này được phát hiện nằm cách nơi máy bay xuất hiện lần cuối trên radar khoảng 10km. Sau đó, trong cuộc họp báo cùng ngày, người đứng đầu

Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia Bambang Soelistyo cũng thông báo rằng: “Dựa vào tọa độ mà chúng tôi được báo và các tính toán về vị trí, máy bay của hãng AirAsia có thể rơi xuống biển, có khả năng máy bay đang nằm dưới đáy biển”.

Và sau khi hải quân Indonesia đến khu vực này cùng với sự hỗ trợ từ các quốc gia khác như Singapore, Malaysia, Australia, Mỹ và Trung Quốc, tại cuộc họp báo lúc 15h30 ngày 30/12, ông Bambang Soelistyo một lần nữa khẳng định chắc chắn rằng, lực lượng cứu hộ đã xác định được điểm mà chiếc Airbus 320-200 bị rơi với xác suất 95%.

Người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng của Indonesia khẳng định, những mảnh vỡ mới nhất được phát hiện là của chiếc máy bay mất tích và các thợ lặn còn vớt được cả cửa vào khoang hành khách và cửa khoang hàng hóa ở cách Pangklan Bun 160km về phía Tây Nam. Ngay sau đó, cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia đã chuyển các túi đựng thi thể tới Pangkalan Bun, đồng thời cử thêm nhiều thợ lặn đến khu vực này.

Nỗi đau khôn nguôi của thân nhân hành khách trên chuyến bay QZ8501 khi được thông báo máy bay đã rơi xuống biển.

Như vậy, sau hơn 2 ngày tìm kiếm, cùng với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia như Malaysia, Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Australia, Trung Quốc, Việt Nam…, cuối cùng Indonesia đã có được câu trả lời chính xác về số phận chiếc máy bay Airbus 320-200 thuộc hãng hàng không AirAsia. Cùng với việc khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ và tìm kiếm thi thể các nạn nhân, giới chức Indonesia cũng đã mở cuộc điều tra về vụ tai nạn và mổ xẻ những vấn đề xung quanh chuyến bay xấu số này.

Theo tiết lộ mới nhất trên tờ Manila Bulentin, trước khi gặp nạn, tổ bay trên chuyến bay QZ8501 đã xin phép trạm kiểm soát không lưu từ sân bay Soekarno-Hatta để tránh bão. Sau khi được chấp nhận yêu cầu, chiếc máy bay này đã dịch chuyển khoảng 11,266km về hướng trái. Đồng thời, cơ trưởng Iriyanto còn yêu cầu thay đổi độ cao lên 11.582m từ vị trí 9.7754m. Và đây cũng là thời điểm mà máy bay bị mất liên lạc.

Một điểm đáng chú ý là vào thời điểm đó, có 6 máy bay khác cũng đang di chuyển cùng độ cao với chiếc Airbus 320-200. Vì thế, theo nhận định của một chuyên gia về hàng không người Australia, thảm họa của chuyến bay QZ8501 là do phi công tính toán sai và cho máy bay bay trực tiếp vào vùng nguy hiểm phía trên biển Java.

Nghĩa là, đáng lẽ đi vòng để tránh vùng nguy hiểm thì tổ bay đã “liều” bay đâm xuyên qua vùng nguy hiểm và đây có thể là nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, đến nay, Indonesia cũng không loại trừ khả năng máy bay gặp trục trặc kỹ thuật và kết luận chính thức về vụ việc sẽ chỉ được đưa ra sau khi có một cuộc điều tra toàn diện về vụ tai nạn thảm khốc này.

Sông Thương
.
.
.