Một con người cúi xuống một con người khác

Thứ Sáu, 27/02/2015, 09:10
Bác sĩ Ignacio Chavez từng nói câu nổi tiếng, trở thành châm ngôn cho ngành Y: “Thầy thuốc là một con người cúi xuống một con người khác, có gì cho nấy, đem lại một chút khoa học nhưng thật nhiều tình thương”. Câu châm ngôn ấy răn người thầy thuốc phải lấy y đức, tình thương người với người làm trọng, để hành động chữa bệnh cứu người với trách nhiệm cao nhất mình có thể, còn khoa học chỉ là sự hỗ trợ.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông răn dạy: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công”. Ông cũng thường nhắc nhở: “Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng của con người, tử sinh họa phúc đều ở tay mình quyết định”, do đó mọi hành động của người thầy thuốc phải đặt cái tâm, cái đức làm trọng.

Ở bất kỳ thời kỳ nào, dù khi khoa học thấp kém hay phát triển vượt bậc, những di huấn về y đức ấy vẫn giữ nguyên giá trị. 

Ngày xưa, nhiều người bệnh chết vì y học kém phát triển, không có thuốc đặc trị hoặc có thuốc nhưng bệnh nhân không thể tiếp cận. Ngày nay, nhiều chứng bệnh trước đây khoa học bó tay thì đã có lời giải, ví như chúng ta trưng trên panô: “Bệnh phong nay chữa được rồi/ Người phong nay đã đổi đời từ đây”. Nhưng ngược lại, cuộc sống hiện đại cũng phát sinh những căn bệnh nan y mới mà khoa học vẫn bó tay như HIV/AIDS, hay bệnh ung thư.

Trong khi nhiều người bệnh được cứu sống nhờ khoa học công nghệ, nhờ sự tận tâm của thầy thuốc thì cũng không ít người vẫn phải vĩnh biệt cuộc sống ngay tại nơi khoa học tiên tiến nhất bởi giới hạn của y học hoặc sự thiếu cẩn trọng của người thầy thuốc. Ngẫm ra, khoa học dù tiên tiến, hiện đại đến đâu thì nó cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ, có ý nghĩa giúp con người áp dụng tốt hơn các phương cách chữa bệnh cứu người chứ không thể là cái gốc để cứu người. Y đức - cái tâm của người thầy thuốc, người bác sĩ, điều mà khoa học không thể thế chỗ. Không trau dồi y đức mà dựa dẫm vào công nghệ thì khoảng cách tình người sẽ nới rộng, ấy là điều kỵ vậy.

Người Việt mình trọng cái đạo làm người, trọng cái đức, ấy vậy nên tự bản sinh nền y học truyền thống của dân tộc cũng luôn đề cao y đức. Ngành Y của ta trên nền truyền thống đó để bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Năm 1996, Bộ Y tế ban hành 12 điều về y đức (hay còn gọi là “12 tiêu chuẩn nghề nghiệp của người làm công tác y tế”). Kể từ đó đến nay, 12 điều y đức in ấn trang trọng treo ở các bệnh viện, trung tâm y tế.

Cũng chính bởi đời sống kinh tế khá lên mà vấn đề sức khỏe, đi liền với đó là thầy thuốc được xã hội đặc biệt coi trọng. Quan niệm “sức khỏe là vàng”, sự giàu có không phải ở tiền bạc, của cải mà chính ở sức khỏe càng chứng minh giá trị thực tiễn của nó. Những thành tựu, nỗ lực của ngành Y tế là rất lớn, nhưng cũng chính bởi sự coi trọng của xã hội nên bất kỳ khiếm khuyết nào liên quan y đức xảy ra cũng làm dư luận “nổi nóng”.

Xét công bằng, gột rửa cái dở, lan tỏa cái hay là phương ngôn hướng tới của bất kỳ ngành, nghề, lĩnh vực nào và ở đâu cũng tồn tại tính hai mặt nhưng ở nghề giáo, nghề y, xã hội đòi hỏi cao hơn một bậc, có nghĩa sức ép từ dư luận xã hội và sự cố gắng, luyện rèn bản thân càng lớn hơn. Người lãnh đạo ngành Y nắm được cái tâm lý xã hội ấy để bình tĩnh trước các vấn đề dư luận xã hội mà hóa giải cũng như xây dựng, chỉnh huấn đội ngũ của mình, ắt sẽ hiệu quả hơn vậy.

Trong CAND, hiện có hàng nghìn cán bộ y tế đang công tác, trong đó nhiều đồng chí có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa...

Trong những năm qua, Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy Y tế CAND phát triển mạnh mẽ và đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực như: phát triển hoàn thiện mạng lưới y tế CAND từ bộ đến cơ sở; hầu hết các đơn vị đóng quân độc lập đều có cán bộ y tế; hệ thống y tế Công an đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và bảo đảm sức khỏe cho tất cả số phạm nhân đang bị giam giữ trong cả nước.

Một trong những đặc thù của y tế trong CAND là việc khám, chữa bệnh cho phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam. Thường thì người bệnh đau yếu tự tìm đến bác sĩ để mong chóng khỏi bệnh, còn ở trại giam, trại tạm giam, nhiều can phạm còn muốn đổ bệnh hay giả bị bệnh để lấy cớ thoát án, ra trại, trong khi có bệnh nhân quá trình chấp hành án đều nằm bệnh xá, muốn “đi” hơn muốn chữa được sống. Khám, chữa bệnh trong môi trường ấy, không gì khác, chỉ có y đức, tình cảm thầy thuốc – cán bộ, chiến sĩ Công an là điều cốt yếu để cứu chữa người bệnh.

Đăng Trường
.
.
.