Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2015):

Chuyện xúc động về một cán bộ y tế 40 năm tận tụy không nhận phong bì của bệnh nhân

Thứ Năm, 26/02/2015, 09:38
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong ngành Y, nhưng nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do quá tải. Và cái quá tải xuất phát từ cái sự sắp xếp không khoa học của rất nhiều bệnh viện. Nếu chúng ta làm không khoa học thì lợi bất cập hại, quá tải sẽ sinh ra cửa quyền và mọi thứ tệ nạn sẽ từ đó mà ra. Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển, chính vì thế rất cần một cơ chế quản lý khoa học hơn, minh bạch hơn và công khai hơn chứ không thể chỉ có tuyên truyền suông về y đức.

Quê tôi là một vùng trung du, bán sơn địa không quá xa thành phố nhưng hệ thống đường giao thông ngày tôi còn ở quê chưa được phát triển lắm nên điều kiện đi lại của người dân rất khó khăn. Chính vì thế khi đau ốm, bệnh tật gì người dân đều trông chờ đến trạm y tế của xã, gần như không có trường hợp nào người bệnh đề nghị được chuyển lên tuyến trên nếu y sĩ xã chưa bảo chuyển, thậm chí khi bảo chuyển thì người nhà và người bệnh vẫn muốn xin được ở lại trạm xá xã để điều trị, chính vì vậy ngày đó vào những mùa bệnh tật nhiều (như mùa đông thì ho sốt ở trẻ em, mùa hè thì bệnh ỉa chảy, rồi các trận dịch...) trạm xá luôn trong tình trạng quá tải. Vậy nhưng hai từ “cò” và “phong bì” khi đó chưa hề xuất hiện trong “từ điển” của người dân. Mẹ tôi làm y sĩ của xã thời gian trên dưới 40 năm.

Ngày còn ở quê, tôi rất sợ nghe tiếng chó sủa lúc nửa đêm vì biết rằng có một người ở bản xa nào đó bị bệnh nặng nhưng không thể khiêng đến trạm xá được vì đường khó đi và người nhà của họ đang đến nhà tôi nhờ mẹ đi khám. Tôi sợ vì rằng tôi phải mắt nhắm mắt mở chở mẹ sau xe leo trèo hết dốc đèo đến với người bệnh. Lần nào cũng vậy, khám xong bệnh là mẹ con tôi về ngay dù rất nhiều lần người nhà đã chuẩn bị đồ ăn khuya cho mẹ con tôi.

Bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức đang cấp cứu người bệnh. Ảnh: Thanh Hằng.

Có lần tôi hỏi sao mẹ không ăn lấy một bát cho họ hài lòng, mẹ nói đại ý nếu có ngồi lại ăn thì cũng không đành khi trên giường bệnh, bệnh nhân còn rên hừ hừ không biết sẽ chết hay sống. Suy từ mình ra, trong nhà có người ốm thì người nhà rất rối trí. Nếu con có đói thì về nhà mẹ nấu cho ăn chứ làm sao nỡ ngồi ăn ở nhà người ta cho được trong tình cảnh ấy. Và đã không ít lần tôi chứng kiến cảnh mẹ tôi và người nhà bệnh nhân kẻ đưa, người đẩy trả lại khi thì vài cân đỗ xanh, vài cân nếp, cũng có khi là những đồng tiền nhàu nhĩ kiếm được từ ruộng nương.

40 năm làm nghề y, giờ về hưởng lương hưu trí của xã với số tiền chưa đến 1 triệu đồng một tháng, nhưng tôi tin suốt một đời làm nghề, mẹ chưa một lần cầm phong bì hay những gì tương tự như phong bì từ tay người nhà bệnh nhân. Phải chăng ngày đó chỉ một mình mẹ tôi là trong sạch thế!? Không phải vậy, cô giáo phụ đạo tôi và bạn bè tôi suốt cả mấy mùa hè cũng không hề lấy một đồng, ngày 8/3 hay 20/11 chúng tôi đến nhà cô giáo cũng chỉ có mấy bông hoa, cô niềm nở, trò thành kính.

Sau này lớn lên tôi mới biết rằng, Tết năm nào cũng vậy sau khi lễ bên nội rồi bên ngoại, mẹ tôi thường sang bên núi Minh Từ, nơi có ngôi mộ đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để hành lễ. Phải chăng lớp người đi trước luôn ý thức được rằng, trước khi hành nghề phải thấm nhuần được đạo làm nghề. Mà đạo của nghề thuốc là gì thì Bác Hồ và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã dạy lại người đời sau.

Bây giờ thì như chúng ta đã biết, Y học đã phát triển đến vượt bậc, những điều trước đây có lẽ Hải Thượng Lãn Ông chưa bao giờ nghĩ tới, và sau ông đến cả thế hệ của mẹ tôi cũng không dám nghĩ tới như thay tim, ghép tụy... thì y học hiện đại đều làm được hết. Và đội ngũ y bác sĩ cũng thế, được học hành bài bản hơn xưa nhiều. Và tôi tin, rất tin là đằng khác trong hàng vạn y bác sĩ đang hành nghề y ở nước ta hiện nay vẫn thuộc, vẫn hiểu và thực hiện theo những gì tiền nhân đã dạy.

Nói vậy có thể có người sẽ hỏi: Thế thì tại sao, thời gian qua trước cửa các bệnh viện lớn luôn xuất hiện những đàn “cò năm bảy mươi cân” mặt mày dữ tợn, không phải kền kền nhưng xem người nhà bệnh nhân là những con mồi. Rồi hiện tượng “phong bì”, “phong bao”... Vâng những điều đó là đúng nhưng hình như chưa đủ, chưa đủ ở chỗ là thời gian qua hình như báo chí chưa có cái nhìn công bằng, sòng phẳng và toàn cảnh về ngành Y.

Tôi nghĩ chuyện phong bì ngày nay chính là sự biến tướng của cân đậu, cân nếp mà ngày xưa người dân quê biếu tặng mẹ tôi khi mẹ đã đêm hôm vất vả đến nhà chữa bệnh cho người nhà của họ. Đó là chút lòng thơm thảo, sự biết ơn và trân quý nghề y. Vâng, nếu nó chỉ dừng lại ở đó thì đáng quý biết bao. Nhưng chỉ tiếc, vâng rất tiếc rằng đã có không ít con sâu đã làm rầu nồi canh. Ngành Y tế hay những người Cảnh sát giao thông có lẽ là những người ngày đêm trực tiếp với dân nhiều nhất, vì thế mà mọi hành động, mọi việc làm của họ đều dưới sự kiểm soát nghiêm khắc và chặt chẽ của người dân, chính vì thế mà cái sự “lan truyền” về các hành động của họ cũng cứ lan đi nhanh nhất trong dân. Vẫn biết rằng mọi sự tiêu cực đều phải bị loại bỏ để cho xã hội và người dân ngày càng được hưởng cuộc sống tốt đẹp nhất và mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nhiều khi tôi thấy hình như chúng ta đang không được công bằng cho lắm khi nhìn nhận và đánh giá về ngành Y.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong ngành Y, nhưng nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do quá tải. Và cái quá tải xuất phát từ cái sự sắp xếp không khoa học của rất nhiều bệnh viện như: Vào giờ vàng (7h30-9h) sáng hằng ngày các bệnh viện thường tổ chức giao ban, hết giao ban cấp một rồi giao ban cấp hai… Nếu chúng ta làm không khoa học thì lợi bất cập hại, quá tải sẽ sinh ra cửa quyền và mọi thứ tệ nạn sẽ từ đó mà ra. Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển, chính vì thế rất cần một cơ chế quản lý khoa học hơn, minh bạch hơn và công khai hơn chứ không thể chỉ có tuyên truyền suông về y đức.

Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho hội nghị căn dặn ba điều. Có thể nói đây là ba điều cốt tử nhất cho ngành Y tế nước nhà và mãi là kim chỉ nam cho ngành Y. Điều Bác dạy trước tiên không phải là Y thuật mà là sự đoàn kết. Bác dạy: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích...”. Vì chỉ có đoàn kết một lòng thì mới cùng nhau: “Thương yêu người bệnh...”.
Nguyễn Tam Hà
.
.
.