Phản pháo...!?

Thứ Bảy, 20/12/2014, 11:44
Một tờ báo dẫn lời trung vệ ĐT Việt Nam Đinh Tiến Thành cho biết anh sẵn sàng không nhận một đồng tiền thưởng nào để chứng tỏ sự trong sạch của mình sau 90 phút bán kết lượt về AFF Suzuki Cup bị Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá nghi ngờ.

Phản ứng của Đinh Tiến Thành được cho là mạnh mẽ, quyết liệt hơn hẳn người đá cặp trung vệ với mình là Lê Phước Tứ - người từng nói thẳng với báo giới: "Làm việc với một người lãnh đạo kém như thế thì thật thất vọng". Bởi dẫu sao thì ngay sau một trận đấu tệ hại, Lê Phước Tứ cũng đã tuyên bố giã từ màu áo Tuyển, còn với Đinh Tiến Thành - một cầu thủ trẻ trung, giàu triển vọng, mới chỉ lần đầu "ăn cơm Tuyển" thì phía trước vẫn là cả một tương lai rộng mở. Trên nhiều diễn đàn Internet, nhiều người hâm mộ bóng đá cùng đặt ra câu hỏi: bất chấp tất cả để phản pháo lại ông Chủ tịch VFF, Đinh Tiến Thành rồi sẽ được - mất như thế nào?

Cái mất trước tiên, dễ thấy nhất là mất một khoản tiền thưởng. Hậu AFF Cup, ĐT được thưởng tổng số tiền lên tới 4 tỷ đồng, và với một cầu thủ "hạng A" như Tiến Thành thì sau khi ĐT chia chác, khoản thưởng anh nhận về sẽ là không nhỏ. Tiếp nữa là mất thiện cảm với một bộ phận lãnh đạo nền bóng đá, bởi nói gì thì nói, cùng bị ông Chủ tịch Liên đoàn nghi ngờ như nhau, nhưng không phải tất cả những người bị nghi ngờ cũng chọn cách phản ứng mang tính đối đầu cao như Tiến Thành.

Thất bại của ĐTVN tại bán kết AFF Cup đã tạo ra hàng loạt hệ lụy. Ảnh: H.M .

Tuy nhiên, từ chính hai cái mất ấy mà Tiến Thành sẽ nhắm tới một cái được lớn: được niềm tin. Rất có thể những người từng nghi ngờ Tiến Thành sau khi chứng kiến bàn phá gôn nhà giờ sẽ "nghĩ lại". Tất nhiên, mọi thứ chỉ dừng ở mức "có thể", vì xét cho cùng tất cả chỉ là những suy luận cảm tính, nhưng đấy cũng là những cái "được" cao nhất mà Tiến Thành có thể làm trong hoàn cảnh hiện nay.

Bỏ qua chuyện được - mất của một cầu thủ để nhìn nhận vấn đề ở cấp độ lớn hơn: mối quan hệ giữa một hoặc một nhóm cầu thủ với những nhà lãnh đạo nền bóng đá. Tiger Cup (tên gọi cũ của AFF Cup) năm 2004, từng có chuyện Lê Tấn Tài quỳ lạy HLV trưởng Tavares để xin rời ĐT về khoác áo Khánh Hoà đá giải U.21 quốc gia. Hành động quỳ lạy ấy bị ông trưởng đoàn ĐT, cũng đồng thời là một "quan to" VFF kịch liệt lên án, vì nói như ông: "Đấy là hành động làm nhục quốc thể". Thế là ông này không ngại tuyên bố trên một tờ báo: "Một ngày còn tôi ở ĐT là một ngày không có Tấn Tài". Nhưng may cho Tấn Tài và cũng may cho bóng đá Việt Nam khi sau đó một êkíp lãnh đạo VFF nhiều trì trệ đã sớm bị thay thế và phần hậu của cậu chuyện vì thế đã không bị "từ bé xé ra to".

Đến kỳ AFF Cup năm 2010, sau trận Việt Nam thua trắng kèo dưới Philippines 0-2 trên sân Mỹ Đình - một trận đấu mà ai cũng bảo là hàng hậu vệ "tự thua" thì ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng không tránh khỏi cảm giác nghi ngờ. Ông đã gọi một cầu thủ trung vệ vào phòng nói chuyện riêng, và cuộc nói chuyện vừa cứng, vừa mềm khi ấy đã khiến một hậu vệ dạn dày bản lĩnh chiến trường phải ôm mặt khóc. Ông Hỷ từng chia sẻ với chúng tôi: "Những giọt nước mắt không phải là sự bảo chứng tối cao, nhưng ở thời điểm này thì cá nhân tôi tạm thời vẫn tin tưởng cậu ấy".

Nói lại tất cả những câu chuyện này để thấy chuyện những nhà lãnh đạo ĐT, lãnh đạo Liên đoàn nghi ngờ, bức xúc với cầu thủ là chuyện không phải bây giờ mới xảy ra. Nhưng cách mỗi người thể hiện sự nghi ngờ của mình (công khai hay bí mật, quyết liệt hay từ tốn) sẽ đẩy phần tiếp theo của câu chuyện theo những kịch bản rất khác nhau.

Có những kịch bản mà cầu thủ buộc phải cúi đầu "thức tỉnh", có kịch bản cầu thủ vì quá uất ức mà không ngại "phản pháo", lại không loại trừ những kịch bản "pháo" vẫn nổ mà "kèo" vẫn rung!?

Nếu "trảm" tôi...

Thời bóng đá bao cấp, từng có chuyện 2 CLB phía Bắc bất mãn với những pha vuột bóng khó hiểu của thủ môn đội mình, nên đã "bắn" tin cho báo giới sẽ xử lý những cầu thủ này đến nơi đến chốn. Nhưng không hẹn mà gặp, cả hai thủ môn dạn dày cả trên sân bóng lẫn trường đời này đều sử dụng một kịch bản phản pháo giống nhau: "Nếu CLB trảm tôi thì tôi sẽ tiết lộ tất cả những thâm cung bí sử của CLB cho báo chí". Khi bị "con ong" trong "tay áo" mình phản ứng như vậy thì lãnh đạo các CLB cũng không tránh khỏi trạng thái run tay, và vì thế những câu chuyện này đều đã chìm xuống nhanh chóng.

Đến thời bóng đá chuyên nghiệp, cũng từng có chuyện những CLB muốn xử tới nơi tới chốn những cầu thủ khả nghi trong đội bóng của mình, nhưng sau khi cầu thủ đề nghị gặp gỡ, nói chuyện riêng với một vài lãnh đạo đội và "nắn gân" ngược trở lại thì mọi chuyện cũng... bay theo chiều gió. Nói chung, bóng đá Việt Nam với rất nhiều mối quan hệ thiếu minh bạch giữa lãnh đạo với lãnh đạo, cầu thủ với cầu thủ và lãnh đạo với cầu thủ luôn khiến mọi "phiên toà" khó đến tận cùng công lý.

Ngọc Anh


Đội tuyển Việt Nam tăng 1 bậc trên bảng xếp hạng FIFA

Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ngày 19/12 cho biết: Trên bảng xếp hạng tháng cuối cùng của năm 2014 vừa được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) công bố, đội tuyển Việt Nam đã tăng 1 bậc so với tháng 11/2014. Như vật, Việt Nam đang xếp hạng 137 thế giới, đứng thứ 20 châu Á và đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á. Xếp trên Đội tuyển Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á vẫn là đội tuyển Philippines. Tuy nhiên, đội tuyển Philippines đã tụt 2 bậc so với tháng 11/2014 và hơn đội tuyển Việt Nam 9 điểm. Thái Lan là đội bóng tăng 2 bậc vì giành thắng lợi 2 - 0 trước Malaysia trong trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014 và vươn lên xếp ở vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á (142 thế giới). Xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Malaysia (hạng 154 thế giới), Singapore (hạng 157 thế giới), Indonesia (hạng 159 thế giới), Lào (160 thế giới), Campuchia (hạng 179 thế giới), Timor Leste (hạng 185 thế giới) và Brunei Darussalam (hạng 198 thế giới).

K.H.

Hà Hiếu
.
.
.