87% phụ nữ và trẻ em gái cho biết đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng

Thứ Bảy, 29/11/2014, 07:55
Ngày 28/11, tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam (Plan) và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Giấc mơ có thành hiện thực?”. Tại đây, nhiều thông tin gây giật mình đã được đưa ra về sự thiếu an toàn của phụ nữ khi sống ở các đô thị, khi 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng.

Lần đầu tiên trong lịch sử cư trú của loài người số người sống ở các đô thị nhiều hơn ở các vùng nông thôn. Sự chênh lệch này chưa dừng lại mà còn có xu hướng ngày càng tăng. Số liệu thống kê cho thấy mỗi tháng lại có thêm 5 triệu người trở thành cư dân đô thị. Theo ước đoán với đà tăng trưởng này đến năm 2030 sẽ có xấp xỉ 1.5 tỉ trẻ em gái sống tại các khu vực thành thị.  Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận mà phụ nữ và trẻ em gái có khi sống tại các khu vực thành thị: các cơ hội lớn hơn về giáo dục, sinh kế, chăm sóc sức khỏe… tìm kiếm giấc mơ có một cuộc sống ổn định, có việc làm và tương lai tốt đẹp; thì phát hiện từ những khảo sát do ActionAid & CGFED và Plan thực hiện cho thấy có một sự thật khác về giấc mơ nơi đô thị.

Có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. 40% người tham gia khảo sát đã từng chứng kiến  các hành vi quấy rối các em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần. Những người tham gia khảo sát xem vấn đề trộm cắp cướp giật là rủi ro lớn nhất, theo sau đó là các hình thức quấy rối tình dục khác nhau. Chỉ 13% trẻ em gái luôn cảm thấy an toàn tại những nơi công cộng . Đáng lưu ý là phần lớn người bị hại hoàn toàn bị động khi phải đối mặt với tình huống bị quấy rối tình dục và những người chứng kiến hoàn toàn thờ ơ – 66% phụ nữ và trẻ em gái được phỏng vấn không có bất kỳ phản ứng nào và 65% nam giới và người chứng kiến không hề có các hành động nào để can thiệp. 20% những người chứng kiến không làm gì khi thấy trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt. 

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo những người quan tâm.

Quấy rối và bạo lực tình dục gây ra những tác động vô cùng lớn cho toàn xã hội nói chung và cho bản thân phụ nữ và trẻ em gái nói riêng – làm giảm hiệu quả công việc, gây mất tự tin và ảnh hưởng xấu tới thể chất và tinh thần của những người bị hại. Với mong muốn đóng góp tiếng nói cho sáng kiến toàn cầu này và đạt được mục tiêu chung – một thành phố an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy thoải mái, vui vẻ và tự tin thay vì phải lo lắng, sợ hãi và cảnh giác cao mỗi khi tới những nơi công cộng,  ActionAid, CGFED và Plan đã chung tay tổ chức Hội thảo “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái – Nơi giấc mơ thành sự thật”  và mong muốn kêu gọi tiếng nói và hành động của những ai quan tâm đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở các thành phố.

Chương trình  được xây dựng ở thời điểm mang tính chiến lược và dù chưa từng có một chương trình tương tự như vậy tại Việt Nam, Plan, ActionAid, CGFED và những bên liên quan vẫn nỗ lực tìm kiếm những bài học kinh nghiệm và chia sẻ những hoạt động của mình trong việc xây dựng Thành Phố An Toàn cho Phụ Nữ và Trẻ Em Gái.

Vũ Hân
.
.
.