Quản lý trang tin thông tin điện tử, đừng đợi rách rồi mới vá

Thứ Hai, 15/12/2014, 10:09
Việc Nhà nước tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thành lập trang tin điện tử để cung cấp thông tin, quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh là một chủ trương đúng, phù hợp với quy định của pháp luật.Với quy định mở này, chỉ trong một thời gian ngắn, các trang tin điện tử đã “nở rộ”. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng, trong khi hoạt động thanh kiểm tra, giám sát chưa diễn ra thường xuyên đã khiến cho việc quản lý loại hình này có những lúc, những thời điểm rơi vào quá tải. Hệ quả là vẫn còn nhiều trang điện tử đã vượt khỏi tầm kiểm soát, đi chệch hướng, vi phạm quy định của pháp luật, gây bức xúc cho cộng đồng xã hội.

Bài 1: Hậu quả khôn lường từ những trang mạng ngoài tầm kiểm soát

“Đầu độc” giới trẻ bằng nhiều thông tin giật gân, sai sự thật

Việc số lượng các trang tin điện tử phát triển quá nóng trong thời gian qua đã đẩy loại hình này rơi vào hai thái cực. Thái cực thứ nhất là nhiều trang tin ra đời theo kiểu phong trào, sinh xong rồi bỏ đó, không đầu tư, không cập nhật thông tin dẫn đến nội dung nghèo nàn, gây lãng phí lớn. Thái cực thứ hai là để câu view, thu hút người đọc, các trang mạng này đã chọn cách để “nổi tiếng” dễ dàng nhất, đó là giật tít, đưa tin giật gân, sai sự thật, vi phạm đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục.

Có không ít trang tin, thậm chí những tờ báo mạng hoạt động bằng cách lấy bài viết từ báo khác, thay tít, thay hình minh họa, đảo lại trật tự và nghiễm nhiên biến thành bài viết của báo mình. Thậm chí, có những trang tin còn tự nghĩ ra những câu chuyện độc, lạ, khó tin, vi phạm chuẩn mực đạo đức thông thường thông qua những nhân vật mang tính phiếm chỉ hoặc viết tắt tên rồi đưa vào mục “Tâm sự” hay “Bạn đọc viết” để cho có vẻ khách quan và không phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin để câu view.

Trong đó, có thể kể đến những thông tin sai sự thật, vi phạm đạo đức xã hội như bố chồng dính chặt nàng dâu, con gái giúp mẹ cưa chân cậu, bố đi công tác ở ngoài đảo xa… Với cách làm này, các trang mạng trên đã làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của công chúng vào thông tin điện tử. Đồng thời, “tiêm chích” vào giới trẻ những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc về đạo đức, vi phạm nghiêm trọng thuần phong mỹ tục.

Không kiểm soát được những trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm đạo đức xã hội sẽ mang đến nhiều nguy hại cho giới trẻ.

Đề cập đến mối nguy hại từ những trang mạng vượt tầm kiểm soát này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chia sẻ rằng: Trước khi Bộ TT&TT tước giấy phép vĩnh viễn mạng xã hội haivl.vn, lãnh đạo Bộ đã phải cân nhắc rất kỹ. Như trường hợp của mạng xã hội haivl.vn, ra đời và hoạt động chỉ trong vòng hơn một năm rưỡi, với thời gian ngắn như vậy và với các nội dung vi phạm như các cơ quan chức năng đã chỉ rõ thì việc thu hút hàng triệu thành viên vào haivl.vn, đặc biệt là giới trẻ quả thật là nguy hiểm.

Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các mạng xã hội, các trang điện tử trong nước, đưa những thông tin lành mạnh, hữu ích trên Internet. Tuy nhiên, kiên quyết không vì thế mà cố níu kéo, dung dưỡng những trang mạng có nội dung phản cảm, dung tục, làm băng hoại thuần phong mỹ tục kiểu như haivl.com. Bởi làm như vậy chỉ có hại cho đất nước, cho xã hội và cho cộng đồng, nhất là khi số người dùng Internet tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 30 triệu, đứng trong top 20 quốc gia có số lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới.

“S” vào đâu cũng thy vi phm

Theo bà Đỗ Thị Tình, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT, sai phạm chủ yếu của các trang tin điện tử bị xử lý trong thời gian qua là thiết lập trang thông tin điện tử không phép, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam; không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức theo quy định; trao đổi, tuyên truyền đưa thông tin xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc; quảng cáo và cung cấp trò chơi điện tử trên mạng không phép; đăng quảng cáo không đúng quy định, đặc biệt là quảng cáo thực phẩm chức năng sai với giấy xác nhận nội dung, quảng cáo game online chưa có giấy phép; sao chép tin bài, vi phạm bản quyền.

Sau khi ngành TT&TT tăng cường kiểm tra, hàng loạt báo và trang thông tin điện tử đã bị xử lý. Có thể kể đến việc báo điện tử Tri thức trẻ bị phạt 200 triệu đồng và bị đình bản 3 tháng vì đăng bài viết xúc phạm danh dự của người phụ nữ Việt Nam; mạng xã hội haivl.vn bị tước giấy phép vĩnh viễn vì có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, xúc phạm các anh hùng dân tộc; phạt hành chính hàng loạt trang mạng lớn của các cơ quan Trung ương và địa phương vì đưa tin sai sự thật về bức thư gửi bố ở đảo xa; nếu có con trai, sẽ cấm lấy con gái Hải Phòng; nạn móc túi ở Hà Nội, vụ chặt xác ở TP Hồ Chí Minh; vụ sữa dê Danlait…

Việc xử lý vi phạm được các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT dựa trên quan điểm, cùng một hành vi vi phạm như nhau, tính chất và mức độ như nhau thì bao giờ cũng xử phạt báo chí điện tử nặng hơn trang thông tin điện tử. Bởi vì báo điện tử là cơ quan thông tin chính thống, được tạo các điều kiện và lợi thế hơn trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Do vậy, lãnh đạo các cơ quan báo chí đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn cao hơn, trách nhiệm lớn hơn. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các trang mạng vi phạm, Bộ TT&TT cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trang thông tin điện tử, mạng xã hội không phép nhưng lách luật theo kiểu “thử nghiệm, chờ cấp phép”. Ngoài việc xử lý nghiêm các sai phạm kiểu này, Bộ TT&TT còn kiên quyết không cấp phép cho các doanh nghiệp này nữa.

Trong số các hành vi vi phạm của các trang thông tin điện tử bị Bộ TT&TT xử lý thời gian qua, đứng đầu bảng vẫn là nhóm hành vi đưa tin sai sự thật. Trong đó, có nguyên nhân là do thông tin một chiều, phóng viên mới chỉ nghe một phía, chưa thẩm định lại đã viết tin bài và tòa soạn thì vội vã đăng khi chưa có kiểm chứng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ sự cẩu thả trong biên tập. Đứng sau hành vi đưa tin sai sự thật là hiện tượng giật tít câu view, đưa thông tin dung tục, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục; thông tin về các vấn đề mê tín dị đoan, chưa có kết luận khoa học của các cơ quan chức năng. (Bà Đỗ Thị Tình, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT).
Đối với người đưa tin, bên cạnh việc nhanh thì còn phải chính xác và đúng mực. Bởi nếu chỉ nhanh mà thiếu chính xác thì người đọc cũng chỉ bị lừa vài lần, sau đó người ta sẽ không đọc nữa. Thậm chí, có những người đọc cẩn thận, nghiêm túc, người ta còn có thể “tẩy chay” luôn cả tờ báo, trang tin đó. Do vậy, dù là báo giấy hay báo mạng thì yêu cầu thông tin chân thực, chính xác phải vẫn phải là mục tiêu hàng đầu. (Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam).

Nếu như vài năm trước đây, số lượng các trang tin điện tử tổng hợp đăng tải nhiều tin, bài không đúng sự thật, ít được kiểm chứng hoặc có nội dung câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến nay đã nở rộ tràn lan. Nguy hiểm hơn, xu hướng câu view bằng những thông tin rẻ tiền, giật gân... của các trang tin “núp bóng” cơ quan báo chí này đang nhanh chóng trở thành một làn gió độc làm chệch chuẩn và băng hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong một bộ phận giới trẻ.

Việc phát triển các trang tin điện tử tổng hợp xuất hiện ồ ạt dẫn đến tình trạng “vỡ trận” như hiện nay có nguyên nhân bắt nguồn từ sự quá tải, thiếu kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Làm thế nào để dọn sạch rác mạng để trả lại môi trường lành mạnh, là mong muốn của rất nhiều người quan tâm đến lĩnh vực này.

Huyền Thanh
.
.
.