An toàn vệ sinh thực phẩm: Tết đến lại lo

Bài cuối: Cần một giải pháp tổng thể

Thứ Bảy, 31/01/2015, 15:15
Thực phẩm bẩn không nguồn gốc, kém chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có mặt ở hầu như tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để.
>> Bài 1: Nông sản tẩm hóa chất, thịt trâu nhập lậu đội lốt thịt bò

Chính vì thế, cứ mỗi khi Tết đến, xuân về, niềm vui đón năm mới thường không trọn vẹn khi người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo phải ăn thực phẩm có khả năng gây bệnh.

Trên địa bàn cả nước, đã có hàng trăm đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra ATVSTP đang tích cực kiểm tra, phát hiện và thu giữ các mặt hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, để có một năm mới “vắng bóng” thực phẩm bẩn, vẫn cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và chính người tiêu dùng.

Tăng tần suất kiểm tra

Trước tình hình mất ATTP luôn tái diễn, đặc biệt là trong dịp Tết, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, để đảm bảo chất lượng ATTP cho nhân dân trong dịp Tết Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, đồng thời ổn định sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành TƯ về VSATTP đã có kế hoạch thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ TW đến cấp xã, phường từ nay đến hết tháng 3/2015, để bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, tập trung vào nhóm thành phố có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong năm và các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn, cũng như các làng nghề chế biến thực phẩm. Mục tiêu được đặt ra là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và trong thời gian diễn ra lễ hội năm nay.

Sản xuất thực phẩm sạch chưa đủ để cung ứng cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về ATTP, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội và gây bức xúc trong dư luận xã hội, BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP cũng yêu các địa phương cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, về vấn đề này, BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Y tế, Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng kế hoạch, tổ chức thông tin truyền thông, giáo dục cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng phụ gia thực phẩm trên địa bàn quản lý; tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền về những nguy cơ đối với sức khỏe của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, đặc biệt là các chất bảo quản, chất điều hòa tăng trưởng dùng trong rau, củ quả, trong trồng trọt, chăn nuôi không nằm trong danh mục qui định của Bộ NN&PTNT.

BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP cũng nghiêm cấm việc sử dụng các phụ gia, hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá thời hạn sử dụng không có nhãn mác hoặc ghi nhãn không đúng quy định. Phổ biến và yêu cầu các đối tượng sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản, chất điều hòa tăng trưởng dùng trong rau củ quả trên địa bàn tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm và qui định của Bộ NN&PTNT về ATVSTP đối với một số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, sản xuất lưu thông trong nước.

Vào dịp Tết  Ất Mùi, các địa phương phải thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, chế biến, sang bao, đóng gói phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến. Trong đó, đặc biệt tập trung vào các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo quản thực phẩm, bảo quản rau, củ, quả, chất điều hòa tăng trưởng và chú trọng các cơ sở nhỏ lẻ sang bao đóng gói các loại phụ gia và hóa chất nêu trên.

Lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các sản phẩm phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản, chất điều hòa tăng trưởng nghi ngờ về chất lượng an toàn hoặc những loại phụ gia, hóa chất được sang bao đóng gói mà không được ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đúng qui định. Ngành NN&PTNT các địa phương phải giám sát và lấy mẫu rau, củ, quả, đặc biệt đối với rau, củ, quả nhập khẩu trên thị trường để xét nghiệm các hóa chất bảo quản được sử dụng, cảnh báo cho người tiêu dùng những sản phẩm có chứa hóa chất không phù hợp với qui định về an toàn thực phẩm.

Một vấn đề được BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP lưu ý các địa phương là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tránh sử dụng các sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Do vấn đề ATTP luôn rất nóng trong xã hội, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán vì liên quan đến sức khỏe của nhiều người dân, trong công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với  Bộ Công Thương,  Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn VSATTP cho người tiêu dùng; đình chỉ ngay và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, kịp thời dập tắt ngay các ổ dịch bệnh phát sinh.

Nhận diện thực phẩm an toàn cho Tết Nguyên đán

Ông Cao Văn Trung, chuyên gia thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm cho biết, nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của não.

Nếu ăn phải hàm lượng lưu huỳnh lớn có thể làm tổn thương nội tạng như phổi, suy thận và còn có thể gây nhiễm độc máu. Tuy nhiên, nhận biết thực phẩm có chứa lưu huỳnh không quá khó. Cục ATTP cho biết, với thực phẩm măng, do mùa măng tập trung chủ yếu từ tháng 7 đến tháng 9 nên người dân sẽ khai thác tập trung, sau đó để tươi, luộc (măng chua) hoặc phơi khô.

Nếu măng khô sấy có sử dụng lưu huỳnh thì măng sẽ có mùi khét đặc trưng của diêm sinh, không thơm mùi của măng. Và đặc điểm là măng rất sáng bóng. Măng sạch là măng có màu vàng nâu nhạt, không có mùi lạ, không bị mốc. Người tiêu dùng cũng không nên mua măng trái mùa. Măng khô khi mua về cần ngâm bằng nước ấm và nước gạo qua một đêm, sau đó rửa sạch và luộc sôi, đổ hết nước đi, cho nước mới vào luộc lại khoảng hai, ba lần.

Với rau củ quả, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), với những loại rau mầm, giá đỗ… người dân không nên ăn sống nếu không biết rõ nguồn gốc và đảm bảo sạch. Bởi rửa nước muối, thuốc tím và ô-zôn chỉ làm giảm chứ không xử lý được vi khuẩn. Ông Hồng cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn rau củ quả đúng mùa, hạn chế ăn các loại rau trái mùa vụ. Vì gần Tết, các loại rau và hoa quả trái vụ được nhập lậu về Việt Nam rất nhiều, khó kiểm soát về chất lượng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đã nhấn mạnh: “Việc đảm bảo chất lượng thực phẩm phải làm đồng bộ từ trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, trong đó khâu đầu và khâu cuối cần phải được chú trọng. Đơn cử việc thí điểm đặt máy xét nghiệm ATTP lưu động tại chợ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để người dân mua hàng và kiểm tra ngay sẽ nâng cao ý thức cả người bán lẫn người mua, tẩy chay những thực phẩm không an toàn”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… trong khi triển khai các chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh ở các trang trại chăn nuôi, các hộ trồng rau, quả.

Siết chặt an toàn thực phẩm tươi sống mùa lễ Tết 2015

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo VSATTP dịp Tết 2015, toàn thành phố sẽ thành lập 17 đoàn thanh, kiểm tra, gồm: 3 đoàn liên ngành thành phố, 3 đoàn thuộc Sở Công thương, 5 đoàn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và 6 đoàn thanh kiểm tra của Sở NN&PTNT. Trong đó, sẽ tập trung thanh, kiểm tra 3 vấn đề: kinh doanh phụ gia, hóa chất; quy trình SX, chế biến; phân phối lưu thông thực phẩm.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hơn 2 năm qua, với nhiều nỗ lực, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã thực hiện được 90 hợp đồng thường xuyên cung ứng hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân, đảm bảo 2 yếu tố: bình ổn giá và VSATTP.

Riêng nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho Tết 2015 trị giá 15.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thành phố có 3 chợ đầu mối, mỗi ngày nhập về khoảng 8.000 tấn hàng hóa thực phẩm, cận Tết sẽ tăng lên 14.000 tấn hàng hóa/ngày. Để nguồn hàng này tới tay người dân, thành phố có 240 chợ truyền thống, 175 siêu thị, trên 700 cửa hàng tiện lợi và trên 3.500 cửa hàng bình ổn giá hoạt động. Và theo bà Đào, hơn 90% là thực phẩm được sản xuất trong nước, được kiểm soát VSATTP 100%.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh cho hay, hệ thống siêu thị Tết năm nay cũng có trưng bày riêng những loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn ViệtGap. Mỗi siêu thị có một bộ phận được tập huấn thực hiện việc test nhanh với thực phẩm tại chỗ nhằm kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm.

Riêng tại các chợ đầu mối cũng có riêng một bộ phận kiểm tra VSATTP với hàng hóa trước khi phân phối về các siêu thị và chợ lẻ. Tại chợ hình thành các tổ kiểm tra liên ngành và các tổ “tự kiểm tra” VSATTP. Hiện đã có trên 43.000 bản cam kết giữa các hộ tiểu thương tại các chợ đầu mối với các tổ kiểm tra VSATTP về việc cung ứng thực phẩm đảm bảo.

Huyền Nga

Thanh Hằng – Ngọc Yến
.
.
.