Viết tiếp loạt bài quản lý trang thông tin điện tử, đừng đợi “rách rồi mới vá”:

Mạnh tay hơn nữa với các trang thông tin điện tử vi phạm

Chủ Nhật, 21/12/2014, 09:22
Việc Bộ Thông tin và Truyền Thông tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý các trang thông tin điện tử vi phạm trong thời gian qua đã được dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc phạt tiền, tịch thu tên miền, với những trang tin điện tử vi phạm nghiêm trọng, có thể đình chỉ hoạt động và xử lý mạnh các nhà quản lý trang web đó.
>> Bài 2: Nhiều kiểu lách luật, bịt thế nào cho kín?

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và PGS.TS Đỗ Thu Hằng, Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Phạt tiền là cần thiết, nhưng có khi chưa đủ!

PV: Việc Nhà nước cho phép các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập trang thông tin điện tử để phục vụ hoạt động kinh doanh đã khiến cho loại hình này phát triển mạnh chỉ trong một thời gian ngắn. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hoạt động của các trang thông tin điện tử tại Việt Nam thời gian qua?

Ông Hà Minh Huệ: Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được lập và điều hành các trang thông tin điện tử. Điều này cho thấy Nhà nước ta luôn quan tâm bảo đảm quyền tự do thông tin, quyền tự do ngôn luận, sử dụng thành quả của sự phát triển công nghệ thông tin, mạng Internet. Tuy nhiên, Điều 20 của Nghị định về việc phân loại trang thông tin điện tử, nêu rõ có 5 loại trang thông tin điện tử: Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử tổng hợp, Trang thông tin điện tử nội bộ, Trang thông tin điện tử cá nhân và Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành. Trong 5 loại này thì 3 loại sau không được phép cung cấp thông tin tổng hợp và chắc chắn là không được phép tự sản xuất thông tin như một báo điện tử. Riêng loại 2, Trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép thành lập thì cũng chỉ được cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức, ngày tháng phát mà thôi. Thực tế cho thấy, nhiều trang thông tin điện tử, mà chúng ta quen gọi ngắn là trang web không tuân thủ các quy định của Nghị định, có những hành vi vi phạm, tự cung cấp những thông tin khác với quy định nhằm mục đích câu khách, có những trang lấy tin, bài, ảnh của các trang khác, các báo điện tử để đăng tải mà không trích dẫn nguồn, không xin phép, là điều cấm kỵ trong công tác thông tin. Các trang này vi phạm pháp luật thì có, gây bức xúc thì có, nhưng đến mức không kiểm soát nổi thì chưa. Bộ TT&TT là cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin đã và đang làm nhiệm vụ theo dõi và xử lý những trường hợp vi phạm và tình trạng vi phạm này đang được chấn chỉnh.

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

PV: Nguyên nhân chính dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng như trên là gì, thưa ông?

Ông Hà Minh Huệ: Theo tôi là do ý thức tuân thủ pháp luật yếu kém của các nhà quản lý trang web, họ không chỉ đạo, không theo dõi, không giám sát những người được giao điều hành trang web của họ. Tất cả các vi phạm đó thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức thượng tôn pháp luật còn kém. Một nguyên do nữa là các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam, chưa thật nghiêm khắc, chưa phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

PV: Mặc dù pháp luật đã quy định rõ trang tin điện tử không được phép hoạt động như một tờ báo, không thực hiện chức năng báo chí, nhưng trên thực tế, các trang tin này vẫn hoạt động bằng cách “núp bóng” cơ quan báo chí. Ông bình luận gì về hiện tượng lách luật này của các trang tin điện tử hiện nay? Theo ông, Bộ TT&TT cần phải làm gì để hạn chế hiện tượng này?

Ông Hà Minh Huệ: Đó là những biểu hiện vi phạm pháp luật, mà đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý bằng pháp luật. Tôi xin lưu ý ở đây về một khía cạnh khác. Nhiều trang web là của doanh nghiệp tư nhân, nếu họ tham gia vào hoạt động báo chí, hoạt động như một tờ báo tư nhân, là điều pháp luật Việt Nam không cho phép, thì rõ ràng đây là một vấn đề nghiêm trọng. Việc lách luật, “núp bóng” ở đây có thể được diễn giải như là một sự không hiểu biết pháp luật của người quản lý trang, sự quá đà của nhân viên được giao làm trang web. Do vậy, theo tôi, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị định 72 và các quy định pháp luật về báo chí. Thời gian gần đây, chúng ta đều thấy Bộ TT&TT tăng cường xử phạt, thậm chí đình chỉ hoạt động của những trang web sai phạm sau những lần nhắc nhở, cảnh cáo. Đây là việc làm rất cần thiết. Theo tôi, quy định của pháp luật hiện hành đã khá rõ ràng. Cần tăng cường các chế tài, hình phạt, mức tiền phạt để xử lý nghiêm những vụ vi phạm. Những quy định phạt tiền là cần thiết, nhưng có khi chưa đủ. Khi cần thiết phải đình chỉ hoạt động của những trang web vi phạm, xử lý mạnh các nhà quản lý trang web đó.

- Xin cảm ơn ông!

PGS. TS Đỗ Thu Hằng, Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:  Người làm web phải tự điều chỉnh hành vi theo khung pháp lý, tránh làm bừa, làm ẩu

PV: Với vai trò là người làm công tác đào tạo, bà đánh giá như thế nào về tác động của những trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục đối với giới trẻ mà báo chí phản ánh thời gian qua?

PGS.TS Đỗ Thu Hằng: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng Internet đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trong đó người dùng Internet chủ yếu là giới trẻ. Các bạn trẻ có thể truy cập và tìm đủ mọi thông tin có ích cho việc học tập, tích lũy tri thức. Tuy nhiên, các thông tin độc hại, không lành mạnh và cạm bẫy cũng rất nhiều. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải ra tay rốt ráo hơn nữa, kiên quyết xử lý những "rác thông tin", "rác văn hóa" trên mạng xã hội, đặc biệt là các trang thông tin điện tử, góp phần hạn chế việc những thông tin, hình ảnh xấu có thể lây lan từ trong cộng đồng mạng đến đời thực, làm lệch chuẩn trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ.

PGS.TS Đỗ Thu Hằng, Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PV: Theo bà, các chế tài xử lý trang tin điện tử vi phạm hiện nay đã đủ sức răn đe chưa? Có nên hạn chế các trang tin điện tử không?

PGS.TS Đỗ Thu Hằng: Tôi cho rằng, việc Bộ TT&TT mạnh tay xử phạt các trang tin điện tử vi phạm trong thời gian qua là một trong những phương thức thực thi pháp luật chứ không phải chỉ là hành vi răn đe đơn thuần. Việc xử phạt nghiêm trên cần được tiếp tục thực thi trong thời gian tới. Đã đến lúc những người trực tiếp làm web, vận hành và quản lý trang thông tin điện tử cũng như các nhà báo cần phải tự đánh giá, điều chỉnh hành vi nghề nghiệp của mình theo khung pháp lý, tránh làm bừa, làm ẩu, tuỳ tiện. Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng cần tăng cường bồi dưỡng về năng lực và trách nhiệm xã hội nhằm thực thi trách nhiệm của mình theo nguyên tắc “mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật”, để không rơi vào tình trạng chỉ phạt mang tính răn đe một vài vụ việc, còn một số vụ việc khác, thậm chí mắc lỗi nặng hơn thì lại vô tình bỏ qua.

- Xin cảm ơn bà!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.