Một bác sĩ hơn 10 năm gắn bó với xã biên giới

Chủ Nhật, 25/01/2015, 14:38
Sau một chuyến đi khám bệnh tình nguyện, bác sĩ Nguyễn Văn Chiến (47 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Trị) đã quyết định ở lại vùng đất biên giới Việt – Lào, xã A Roàng, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế để chữa bệnh, cứu người.

Hơn 10 năm qua, ngoài việc khám, chữa bệnh, anh còn giúp đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu nơi đây xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… phát triển cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đó là bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 92, đóng tại xã biên giới A Roàng. Nhìn ra khu vườn rộng trồng đủ loại cây thuốc quý, bác sĩ Chiến tâm sự rằng, năm 2003, trong một chuyến lên miền núi A Lưới để thăm khám bệnh, phát thuốc cho bà con dân tộc thiểu số cùng các y, bác sĩ trong bệnh viện, do thấy Bệnh xá Quân dân y chưa có nhiều y, bác sĩ nên anh làm đơn tình nguyện được ở lại bệnh xá để khám, chữa bệnh cho người dân và được cấp trên đồng ý.

“Ngày đầu lên với bà con dân bản A Roàng, mình bỡ ngỡ nhiều thứ lắm. Tuy nhiên, dần dần mình đã học được 3 thứ tiếng của đồng bào Pa Kô, Tà Ôi và Cơ Tu nên việc giao tiếp với bà con cũng dễ dàng. Bệnh xá phụ trách việc khám, chữa bệnh cho người dân cả 5 xã gồm: A Đớt, A Roàng, Hương Lâm, Đông Sơn và Hương Phong. Sau nhiều năm gắn bó với vùng đất này, giờ đây bà con xem mình như con cháu ruột thịt trong nhà”, bác sĩ Chiến cười nói. Đang trò chuyện cùng chúng tôi, một y tá từ bên ngoài chạy vào gọi bác sĩ Chiến ra trực khám một ca bệnh. Bệnh nhân là anh Hồ Văn Tiến (24 tuổi, người dân tộc Pa Cô, trú bản Ka Lô, xã A Roàng) không may bị TNGT khi đổ dốc A5, là con dốc cuối cùng trên tuyến đường dẫn vào A Roàng.

Sau khi băng bó vết thương ở cánh tay và đầu gối cho nạn nhân, bác sĩ Chiến cho biết: “Mấy năm trở lại đây, khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành thì con dốc A5 đã trở thành “điểm đen” về TNGT, do có độ dốc cao, đường cua ngặt. Đặc biệt các vụ TNGT thường xảy ra vào ban đêm, nhất là đối với thanh niên hoặc người đi làm rừng trở về nhà. Vì bệnh viện huyện cách xa đến 30km nên phần lớn nạn nhân các vụ TNGT được chuyển đến bệnh xá chăm sóc…”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới A Roàng.

Kể tiếp câu chuyện đang còn dang dở, bác sĩ Chiến cho hay: Thời điểm anh về công tác ở Bệnh xá Quân dân y, bà con ở đây đều chưa quen đi bệnh xá để khám, chữa bệnh. Nếu trong nhà có người bệnh hoặc đau ốm thì họ mời thầy cúng về lập đàn cúng để đuổi ma, trừ tà. Bởi vì, bà con quan niệm rằng, bệnh tật là do ma quỷ mang đến. Trước tình hình đó, anh cùng các y, bác sĩ của bệnh xá phối hợp với Công an xã A Roàng và lực lượng Biên phòng đi đến nhà mỗi hộ dân, kể cả các hộ dân sống dọc tuyến biên giới Việt - Lào để vận động bà con dần từ bỏ hủ tục này...

Ông Trần Viết Năng, Bí thư Đảng ủy xã A Roàng, bày tỏ: Xã A Roàng hiện có trên 600 hộ dân, với trên 2.500 khẩu, dù điều kiện sản xuất kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi trắc trở, nhưng ý thức về khám, chữa bệnh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín... đã được bà con dân bản nâng cao.

Từ khi thành lập đến nay, Bệnh xá Quân dân y trên địa bàn xã đã khám và cứu sống hàng trăm trường hợp bệnh nhân bị ruột thừa, rắn độc cắn hay ăn lá ngón, uống thuốc độc tự tử... Đặc biệt, hiện người dân không còn nghĩ đến chuyện mời thầy lang, thầy cúng về nhà chữa bệnh như trước nữa. Có được kết quả này đều nhờ vào sự nỗ lực tuyên truyền vận động của bác sĩ Chiến và các y, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y và lực lượng chức năng trong nhiều năm qua...

Anh Khoa
.
.
.