Quản lý nhà biệt thự trên địa bàn Hà Nội:

Bài cuối: Ai chịu trách nhiệm khi biệt thự xuống cấp và bị phá

Thứ Sáu, 19/12/2014, 10:11
Trở lại vấn đề 312 biệt thự “biến mất” khỏi Đề án quản lý biệt thự của TP Hà Nội, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Tại sao lại đưa số biệt thự này ra khỏi đề án đã được HĐND TP thông qua? Có những biệt thự chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy còn nguyên trạng nhưng UBND TP Hà Nội lại khẳng định là xuống cấp không thể trùng tu và đưa ra khỏi danh sách bảo tồn? Biệt thự bị phá xây mới công khai…
>>Quản lý nhà biệt thự trên địa bàn Hà Nội

Nhiu đu mi qun lý, bit th vn tan hoang

Trưởng ban pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam khẳng định rành rẽ: “Có sự dối trá của cơ quan quản lý” khi đề cập đến vấn đề quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP. Dẫn chứng của ông Nam rất rõ ràng, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây dựng thành các tòa nhà song vẫn được đưa vào báo cáo, như một biệt thự ở phố Hai Bà Trưng giờ là tòa nhà 9 tầng, hay biệt thự ở phố Lý Thường Kiệt đã được bán và xây dựng thành khách sạn 7 tầng.

"Cơ quan quản lý làm công tác quản lý không tốt, một biệt thự không như mớ rau mà khi phá chúng ta không biết, ở đây có sự dối trá của cơ quan quản lý", ông Nguyễn Hoài Nam nhận xét. Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cũng cho rằng, báo cáo thực trạng biệt thự chưa chính xác. Ông lấy ví dụ, 15 biệt thự mà UBND thành phố đề cập là bị biến dạng hoàn toàn thì vẫn còn biệt thự có giá trị như nhà 102 và 38 Hoàng Hoa Thám. Ông Dực có văn bản đánh giá các biệt thự số 36 phố Tây Sơn, 190 Lò Đúc, 48 Hoàng Hoa Thám... là vẫn nguyên trạng.

Qua kỳ họp HĐND TP Hà Nội đầu tháng 12 vừa qua, một vấn đề rất rõ ràng trong cách quản lý nhà biệt thự ở Hà Nội là các đầu mối được TP giao rà soát, phân loại và quản lý đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, có tình trạng một số cơ quan chức năng, chính quyền cấp quận, phường chưa làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng nói chung và công tác quản lý nhà biệt thự nói riêng. Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh thừa nhận, quản lý Nhà nước chưa tốt nên có tình trạng phá biệt thự. Với đề xuất thanh kiểm tra, lãnh đạo thành phố cho biết đã có chỉ đạo rà soát và sẽ có địa chỉ cụ thể.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng xác nhận ý kiến đại biểu hoàn toàn đúng. Trước đây, thành phố đã buông lỏng quản lý nên có thiếu sót. Song, trên cơ sở pháp lý và thực tế hiện nay, việc bán biệt thự cho người dân theo Nghị định 61 vẫn phải tiếp tục và phải phân loại biệt thự để làm tốt chủ trương bảo tồn. UBND TP cũng cho rằng, những sai sót trong quản lý nhà biệt thự là do lịch sử để lại. Việc thống kê, lập danh mục nhà biệt thự chủ yếu dựa theo hồ sơ (do có nhiều đầu mối quản lý), nên có trường hợp đã biến động, đã bị phá dỡ, cải tạo không còn là nhà biệt thự, nhưng chưa được các cơ quan chức năng cập nhật kịp thời để đảm bảo tính chính xác.

Nhiều biệt thự trong diện quản lý bị xâm hại, thay đổi kiến trúc.

Khuyến khích người dân cùng tham gia bo tn bit th

Trao đổi với chúng tôi, theo ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61/CP (Sở Xây dựng Hà Nội) thì bất cập lớn nhất trong việc quản lý quỹ nhà biệt thự hiện nay là mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển nhà biệt thự cũ. Nếu không giữ gìn, bảo tồn thì đến một lúc nào đó sẽ có nguy cơ biến mất quỹ nhà biệt thự này. Chính vì thế việc quản lý và bảo tồn quỹ nhà này là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông Tú cho biết, trong điều kiện cụ thể thì lại có những điểm vướng mắc nhất định. “Nếu gia đình người ta nằm trong khu vực bảo tồn nhưng lại có những nhu cầu khác thì không được theo ý người ta do phải tuân theo các quy định về bảo tồn biệt thự. Đây là vướng mắc lớn nhất. Muốn bảo tồn thì phải có nguồn lực nhưng điều kiện của Nhà nước hiện cũng khó khăn. Muốn bảo tồn thì Nhà nước phải tham gia nguồn lực vào đó, nhưng hiện chúng ta chỉ có thể huy động nguồn tự nguyện của chính người dân đang ở. Muốn giữ lại kiến trúc đó thì Nhà nước phải hỗ trợ người dân để bảo tồn nhưng thực tế hiện chúng ta chưa thể làm được việc đó. Vì thế trước mắt, nhà nước chỉ ra được các văn bản mang tính khuyến nghị, tuyên truyền cho người dân tham gia bảo tồn quỹ biệt thự cũ này”, ông Tú cho biết.

Tự nhận xét về trách nhiệm, ông Tú khẳng định, Sở Xây dựng chỉ có vai trò quản lý nhà nước, tham mưu giúp UBND TP Hà Nội quản lý theo các chính sách hiện hành, còn quản lý cụ thể các công trình thì theo phân cấp cụ thể là các phường, các quận. Sở Xây dựng chỉ quản lý hồ sơ. Các danh mục nhà biệt thự đó được Sở gửi xuống các quận, các phường để các cấp chính quyền đó trực tiếp quản lý. Các cấp chính quyền sở tại phải lưu tâm không để người dân sửa chữa, cơi nới… không đúng quy định của pháp luật về quản lý biệt thự cũ.

Giải pháp để quản lý hiện nay là đang hình thành các hướng như: phân loại, chọn đối tượng để tập trung vào quản lý, giữ gìn. Ông Tú cũng cho biết thêm, hướng tới đây là sẽ bắt đầu thiết lập hồ sơ quản lý từng biệt thự. Khi cấp giấy chứng nhận cho người mua phải ghi rõ biệt thự đó loại mấy, và thực hiện theo quy chế để người dân hiểu luôn là người ta đang ở nhà biệt thự đó phải chịu điều phối của luật định nào, góp phần quản lý chặt.

Các biệt thự kể cả loại I, loại II, loại III hoặc những các trường hợp vừa đề xuất không cần bảo tồn nếu thuộc tiêu chí được bán theo Nghị quyết 18 của HĐND TP Hà Nội thì đều được bán. Những biệt thự không thuộc các đối tượng đó thì không bán, không kể loại nào. Người mua vẫn chịu sự quản lý nhà nước về quản lý bảo tồn biệt thự. “Quỹ biệt thự này không phân biệt thành phần sở hữu”, ông Tú nhấn mạnh.

Trước những dư luận cho rằng Hà Nội quản lý biệt thự công vụ không chặt chẽ, để một vài cá nhân lợi dụng chiếm làm sở hữu cá nhân nhiều năm nay, ông Hoàng Tú khẳng định: “Hà Nội không có biệt thự công vụ. Hà Nội không quản lý bất kỳ một cái nào. Quỹ nhà biệt thự công vụ chỉ có một số ở Hoàng Cầu do Trung ương xây. Từ trước đến nay, TP Hà Nội chỉ bố trí biệt thự cho các cơ quan. Biệt thự công vụ chưa hình thành”.

Theo lời hứa của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh, TP sẽ tổ chức thanh tra công vụ về vấn đề quản lý nhà biệt thự.  “Nếu liên quan đến tổ chức, cá nhân nào thì sẽ chuyển cơ quan điều tra, thanh tra, xử lý theo pháp luật. Về mặt quy trình, có một số việc đã phát hiện thiếu chặt chẽ, nên chúng tôi căn cứ vào kết luận thanh tra cuối cùng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định.

Ngọc Yến – Phan Hoạt
.
.
.