“Cơn bão” hàng Thái và thách thức đối với doanh nghiệp Việt

Thứ Năm, 05/03/2015, 08:59
Mặc dù cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN mới chính thức hình thành. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng này, các doanh nghiệp (DN) Thái Lan đã vào cuộc từ rất sớm. Với chiến lược thâm nhập sâu, rộng và bài bản vào thị trường Việt Nam, hàng Thái đã bước đầu tìm được chỗ đứng cho mình.

Theo các chuyên gia kinh tế, xét về mức độ cạnh tranh, sự phát triển ồ ạt của hàng Thái dự báo sẽ là một thách thức lớn đối với các DN Việt trong cuộc chiến giành khách hàng ngay trên chính sân nhà.

Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng trong nước, ưu điểm của sản phẩm “Made in Thailand” là chất lượng ổn định, giá thành hợp lý. So với đồ Trung Quốc thì hàng tiêu dùng Thái Lan luôn đắt hơn khoảng 20% nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng vì bền, mẫu mã đẹp, phong phú. Còn nếu đem so sánh với hàng cao cấp nhập khẩu hoặc xách tay từ Pháp, Mỹ... thì hàng Thái giá cả cạnh tranh hơn hẳn.

Bên cạnh chất lượng khá và giá cả hợp lý, chiến lược tiếp thị, bán hàng và xâm nhập thị trường của các DN Thái cũng là điều đáng để DN Việt phải học hỏi. Bằng chứng là trong 12 năm liên tiếp, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Thái Lan và Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội liên tục tổ chức các triển lãm sản phẩm Thái Lan để tạo cơ hội cho DN Thái tiếp cận thị trường đầy tiềm năng ở Việt Nam.

Đầu năm 2015, gần 150 công ty Thái Lan và 180 gian hàng tham gia triển lãm, trưng bày nhiều chủng loại mặt hàng gồm vật dụng gia đình, hàng may mặc, sản phẩm làm đẹp, vật dụng trang trí lưu niệm, thiết bị điện tử...

Thậm chí, tại nhiều tuyến phố sầm uất của Hà Nội như Kim Mã, Sơn Tây, Phạm Ngọc Thạch…, các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị mini chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng của Thái Lan cũng đã mọc dày. Trong khi đó, hàng Việt vẫn chậm chân trong khâu quảng bá sản phẩm, chưa đa dạng về mẫu mã và giá thành cũng chưa thực sự cạnh tranh.

Bình luận về sự xâm nhập ngày càng sâu vào thị trường Việt Nam của hàng Thái, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam đặt ra một thách thức đối với DN trong nước, bởi với chất lượng cao, ổn định, họ sẽ nhanh tay thâu tóm thị trường. Đó cũng là bước thăm dò của DN Thái Lan trước khi thuế quan của nhiều mặt hàng của các nước trong khối ASEAN về 0% vào cuối năm 2015. Lúc ấy, DN Việt không chỉ lo hàng Thái, mà phải đề phòng với cả hàng của các nước ASEAN khác như Malaysia, Indonesia.

Cũng theo chia sẻ của TS. Lê Đăng Doanh, điểm yếu nhất của DN Việt Nam là chất lượng hàng hóa không ổn định. Do đó, áp lực đối với hàng Việt khi phải cạnh tranh với hàng ngoại nói chung và hàng Thái nói riêng là điều thấy rõ.

“Thị trường trong nước là cái móng, móng có vững, nhà mới khỏe, lúc đó mới có thể làm thêm các tầng. Độ phủ của hàng Thái đang dấy lên nhiều lo ngại cho hàng Việt và DN Việt. Dù trong sân chơi hội nhập, chúng ta phải chấp nhận và tìm hướng đi, nhưng nếu cứ để hàng Thái tiếp tục lấn át, DN Việt sẽ khó có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà và không thể nói được chuyện hướng ra xuất khẩu được nữa”, TS. Lê Đăng Doanh khuyến cáo.

Các siêu thị mini kinh doanh hàng Thái Lan đang mọc lên ngày càng nhiều tại Hà Nội.

Đồng quan điểm trên, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì làn sóng hàng ngoại, trong đó có hàng Thái đổ bộ vào thị trường Việt Nam là chuyện không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, nếu so với Việt Nam, Thái Lan phát triển thị trường từ rất lâu nên họ rất hiểu thị trường cần gì để bán. Trong khi chúng ta ít nhiều vẫn ảnh hưởng tư tưởng từ thời bao cấp là có gì bán nấy.

Bà Loan lấy dẫn chứng, có thể hàng Việt đã có chất lượng tốt nhưng sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu, xét về chủng loại chưa phong phú nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, bản thân DN trước khi sản xuất ra một sản phẩm nào đó cần phải khảo sát thị trường xem nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ra sao?

Cũng theo chia sẻ của bà Loan, để cạnh tranh được với hàng ngoại, DN Việt cần nâng sức cạnh tranh bằng các sản phẩm mới với mẫu mã phong phú, chất lượng hàng hóa tốt, an toàn. Thay vì ngồi chờ được hưởng sự ưu tiên đối với hàng Việt thì DN cần có chiến lược quảng bá thiết thực, mạnh mẽ tới người tiêu dùng bằng các hoạt động khuyến mại và tiếp thị. Bên cạnh đó, DN cũng nên tập trung xây dựng thương hiệu tốt và phải coi người tiêu dùng là trung tâm, mọi hoạt động là để phục vụ chứ không phải chỉ là kinh doanh.

Huyền Thanh
.
.
.