Cuối năm lên núi hái đặc sản rừng

Thứ Bảy, 24/01/2015, 10:37
Ở Lâm Đồng, cứ vào độ cuối năm, đồng bào Kho, Châu Mạ, Churu… ở chân núi Lumu lại khoác gùi lên núi hái lá rừng về bán, kiếm tiền lúc thời gian rảnh rỗi.

Chúng tôi theo chân nhóm người bản địa vượt núi đồi vào rừng sâu Đạ Riềng thuộc xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai để tìm hái lá nhíp, đọt mây, rau bép… là những lá cây tạo nên món ăn quen thuộc của đồng bào bản địa, nay đã trở thành đặc sản của các nhà hàng có tiếng.

Gia đình chị Ka Siểm đang bó rau nhíp chuẩn bị đem bán.

Mùa lá nhíp, đọt mây ở Lâm Đồng bắt đầu từ khoảng tháng 2 kéo dài cho đến cuối tháng 10 hằng năm. “Vào mùa này, sáng sáng người ta đi vào rừng, việc hái lá nhíp, chặt đọt mây chỉ thỉnh thoảng chủ yếu để cải thiện bữa ăn. Nhưng đến mùa cây điều trổ bông, thời điểm giáp Tết Âm lịch, nhiều người bắt đầu rủ nhau hái lá nhíp, đọt mây đem bán cho các nhà hàng cũng kiếm được kha khá…” - chị Ka Siểm, nhà ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc cho biết.

Nhiều năm qua, vợ chồng anh K Tểm, ngụ cùng thôn Phước Dũng thường xuyên kiếm tiền bằng việc đi hái lá rừng về bán. Họ thường ra khỏi nhà khi mặt trời chưa lên và trở về lúc đúng ngọ, buổi chiều họ chở rau đi bán.  “Trung bình mỗi lần tôi và vợ kiếm được 4 - 5 bó rau và hơn 10 bó đọt mây. Mỗi bó rau nặng 0,5kg giá bán 10.000 đồng/bó, đọt mây từ 10 – 15 ngọn bán với giá 15.000 – 20.000 đồng/bó. Như vậy, cũng đủ tiền trang trải cho gia đình” - anh Tểm nói.

Ít năm trở lại đây, các loại rau rừng ở Lâm Đồng bán chạy như tôm tươi, hầu như lúc nào cũng trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Không chỉ những nhà hàng lớn có nhu cầu sử dụng mà nhiều gia đình tại TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt đi du lịch, khi trở về ngang qua huyện Đạ Huoai cũng dừng lại hỏi mua về dùng và làm quà từ miền núi.

Theo những người làm nghề này, có không ít người tới địa phương, nói là chủ của nhà hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh muốn có nguồn rau rừng ổn định, lâu dài, họ mua với giá cao nhưng với điều kiện là ngày nào cũng phải có nên người dân không ai dám nhận lời. Theo người dân bản địa, các loại lá rừng, rau rừng không phải lúc nào cũng có sẵn, có khi đi cả buổi cũng chỉ hái được vài ba bó. Đó là chưa kể vào mùa khô hạn, công việc đi hái rau rừng còn khó khăn hơn nhiều.

Đi hái lá rừng, rau rừng về bán, tuy số tiền kiếm được mỗi ngày chưa phải là nhiều, nhưng trong thời gian cuối năm rảnh rỗi, đó cũng là việc làm đem lại thu nhập cho người dân bản địa để trang trải cuộc sống.

Kim Ngân – K. Liệp
.
.
.