Nghệ sĩ ưu tú Bằng Thái:

"Sống sao cho không ai xấu hổ về mình"

Thứ Tư, 10/11/2004, 20:32

Bằng Thái kể, một ngày đêm anh chỉ được ngủ 5 tiếng, thậm chí còn bị những giấc mơ ám ảnh. Công việc đối với anh là niềm vui lớn lao hơn cả. Làm không phải chỉ để kiếm nguồn sống cho đoàn mà còn vì chính nỗi khát khao sáng tạo không bao giờ nguôi.

Có người cố gắng tự rèn luyện để trở thành nghệ sĩ. Có người sinh ra không thể làm việc gì khác nếu không làm nghệ sĩ, chất nghệ sĩ có sẵn trong máu của họ. Bằng Thái là típ người thứ hai.

Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật ở phố Ngô Sỹ Liên, Hà Nội. Học văn giỏi nhưng toán, như chính anh kể, thì gần như mít đặc. Lớp 4, anh là học sinh giỏi văn nhất Thủ đô. Lên lớp 7, anh lại là học sinh giỏi nhất tỉnh Hà Đông về môn Văn...

Năm lên 10 tuổi (1962) lần đầu tiên Bằng Thái được lên sân khấu. Và anh đã được huy chương vàng vai bé An vở Lòng dân của Nguyễn Văn Xe. Ông bà Lê Tốn, bố mẹ anh, cũng được huy chương vàng. Anh nhớ lại, khi đó có bác lãnh đạo đi xem ở CLB Lao động, đã khen: “Cậu bé này đáng gọi là thần đồng”.

Mới 16 tuổi, Bằng Thái đã thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, học khóa 2. Bạn bè cùng khóa với anh thuở ấy nay đều là những người đã thành danh: Tất Bình, Nguyễn Anh Dũng, Lê Hùng, Hoàng Mai, Tiến Đạt... Năm 19 tuổi, Bằng Thái được chọn đóng vai Lý Tự Trọng phim Người Cộng sản trẻ tuổi. Hồi đó, đóng Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi hay Lý Tự Trọng thì “nổi tiếng” lắm. Và cái tên Bằng Thái cũng đã trở thành biểu tượng của một thời thanh niên sôi nổi đối với không ít người.

Bài thi ra trường ở môn Lý luận sân khấu và Triết học, Bằng Thái được điểm 5 (chấm theo thang điểm Liên Xô). Thầy giáo bảo: “Khóa trước có chị Ngọc Hiền (của Đoàn Kịch nói Hải Phòng bây giờ) cũng được điểm 5... Kể lại điều này, Bằng Thái cho tới hôm nay vẫn không giấu được niềm vui. Chị Ngọc Hiền sinh được một cô con gái làm nhà thơ với cái tên rất duyên dáng là Bảo Chân. Bản thân chị cũng thỉnh thoảng vẫn viết báo... Còn Bằng Thái thì ngoài nghề diễn viên và trưởng đoàn ra, anh vẫn không ngừng sáng tác kịch bản. Anh kể, anh đã có 29 kịch bản và được dàn dựng đến 9-10 vở, trong đó có những vở viết về đề tài bảo vệ an ninh trật tự được đánh giá cao.

Cuộc hôn nhân kỳ lạ

Trong làng nghệ thuật, nhiều người cho tới giờ vẫn truyền tụng các giai thoại khác nhau về cuộc hôn nhân của Bằng Thái. Chúng ta hãy nghe chính anh kể: “Tôi lấy vợ cũng khác thường. Vợ tôi hơn tôi gần chục tuổi, đã có con riêng. Tôi hỏi bố tôi: Con muốn lấy một cô nghệ sĩ chèo Quảng Ninh, tên là Minh Huệ, hoàn cảnh thế này, thế này.... Bố tôi hỏi: Nó có đẹp không?. Tôi đáp: Đẹp!. Bố tôi hỏi tiếp: Nó hát chèo có hay không?. Tôi trả lời: Nhất Quảng Ninh!. Bố tôi hỏi câu cuối cùng: Mày có yêu nó không?. Tôi nói ngay: Con yêu gần chết!. Bố tôi ha hả cười: Thế thì cưới luôn!”.

Đám cưới tổ chức ở một ngôi nhà đổ nát trong bom đạn. Thực đơn là thịt chó (quê  gốc của Bằng Thái ở Đông Lỗ, ứng Hòa, Hà Tây). Dự đám cưới với vợ chồng Bằng Thái có cả đồng chí Vũ Quang, “thủ lĩnh thanh niên” thời đó, bác Nguyễn Văn Trân  ở Thành ủy Hà Nội và ca sĩ Quang Thọ, giọng tenor vang và khỏe, quê ở vùng mỏ... “Vui đáo để!” - Bằng Thái khoe và nở nụ cười hồn hậu. Lấy vợ rồi, Bằng Thái đã gắn bó với đất mỏ. Chàng trai Hà Nội đã trở thành người đàn ông của Hạ Long mà không bao giờ phải nói lời hối tiếc.

Cái duyên với “Người đàn bà uống rượu”

Sở trường của Đoàn Kịch nói Quảng Ninh là dựng vở về đề tài lực lượng vũ trang. Năm 1975, các nghệ sĩ vùng mỏ đã dựng  thành công vở Đôi mắt của tác giả Vũ Dũng Minh (đạo diễn: Phạm Chính). Năm 1985, họ lại được nhắc tới với vở Nhân danh công lý của tác giả và đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang. Mười năm sau (1995), họ dựng vở Người không thể chết (Đạo diễn: NSƯT  Lê Hùng, kịch bản: Thanh Đạm)... Người không  thể chết mang đi hội diễn toàn quốc đã được trao huy chương Vàng.--PageBreak--

Năm nay, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập QĐNDVN, Bằng Thái nhớ tới  truyện ngắn Người đàn bà uống rượu của nhà văn Hữu Ước, đăng trên báo An ninh thế giới. Anh thấy tâm đắc với cốt truyện hay này. Thế là anh đặt hàng và đề nghị độc quyền tác phẩm. Nhà văn Hữu Ước đồng ý. 3 tháng sau, ngay trước thềm Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004 (tổ chức tại Hải Phòng), Đoàn Kịch nói Quảng Ninh đã sẵn sàng “ra trận” với vở diễn mà Bằng Thái cho là một trong những tác phẩm hay nhất trong kịch mục của đơn vị nghệ thuật do anh phụ trách. Bắt đầu những đêm diễn đông nghịt khán giả và đầy cảm động với rất nhiều hoa và nước mắt!

Trả lời câu hỏi: “Anh tâm đắc nhất điều gì ở vở diễn?”, Bằng Thái trầm ngâm một lát rồi nói: “Đó là tính nhân văn sâu sắc và một cách nhìn bạo dạn khi cắt nghĩa về chiến tranh và tình đồng đội. Ai từng xem vở  Người đàn bà uống rượu không thể không khóc với từng trường đoạn diễn và nhất là cảnh kết của vở. Một sân khấu nồng ấm tình người...”. Bằng Thái tỏ ra rất thích thú với êkíp sáng tạo nghệ thuật mà Đoàn Kịch nói Quảng Ninh đã mời được về để làm vở Người đàn bà uống rượu.

Sát cánh cùng với tác giả, nhà văn Hữu Ước, người đắm đuối và rất tâm huyết với nghệ thuật sân khấu là NSND Doãn Hoàng Giang, họa sĩ Hoàng Hà Tùng, biên đạo múa Bằng Thịnh, nhạc sĩ Trọng Đài, ca sĩ Ngọc Anh, họa sĩ thể hiện Lâm Xuân... Anh tự hào khoe: “Đây là êkíp mạnh nhất miền Bắc”. Và anh hồn nhiên tự đánh giá mặc dù biết là vạ mồm, thể nào cũng có người ghét và gièm pha: “Kíp diễn hiện nay của đoàn ở sở trường riêng cũng là mạnh nhất miền Bắc...”. Bằng Thái tự biện bạch: “Biết làm thế nào được, 'văn mình' mà...”.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân”

Người Quảng Ninh yêu Bằng Thái nồng nhiệt và chân thành. Anh cũng đáp lại bằng những nỗ lực lao động nghệ thuật hết mình và sự gắn bó bền chặt với vùng mỏ. Tôi không nghĩ rằng cuộc sống của các nghệ sĩ kịch nói Quảng Ninh trong cơ chế thị trường lại ít “bần hàn” hơn so với các đơn vị nghệ thuật địa phương khác, nhưng tiếp xúc với họ và nhất là với Bằng Thái,  tôi cảm thấy tin hơn vào tính hướng thiện của những tâm hồn nghệ sĩ. Khó khăn đấy, vất vả đấy, ít tiền đấy, nhưng họ vẫn mê ngôi “thánh đường” mà họ phụng sự. Họ phấn khích lên đến tột cùng khi có những cặp mắt xanh nhìn nhận đúng các cố gắng lao động của họ. Họ buồn “như lá úa” (ca từ của Trịnh Công Sơn) khi cảm thấy mình không được đánh giá đủ tầm.

Tôi biết là trong  Liên hoan Sân khấu chuyên  nghiệp toàn quốc được tổ chức ở Hải Phòng vừa rồi, bên cạnh niềm vui vì Đoàn Kịch nói Quảng Ninh có được một vở diễn “oách”, được công chúng hoan nghênh, Bằng Thái cũng đã có “nỗi niềm” khi ban giám khảo quyết định trao cho anh huy chương bạc với vai diễn Đại đội trưởng Đức, đến mức, anh đã không lên sân khấu để nhận huy chương nữa.

Anh tâm sự: “Tôi nói với các thầy rồi, bây giờ em là NSƯT, nếu em đóng thật hay thì cho em huy chương vàng, nếu không thì đừng chấm huy chương gì, tủi thân em... Thế nhưng các thầy không nghe, vẫn chấm huy chương bạc. Song tôi nghĩ, giá trị của giải thưởng cũng quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Cái quan trọng là vai diễn có sức sống trong khán giả hay không?...”.

Anh thổ lộ: “Tôi sống đầy đủ về vật chất nhưng tôi coi trọng hơn là tinh thần". Tôi “nổi tiếng” thì giao du bạn bè, chiến hữu cũng nổi tiếng. Tôi có một quan điểm sống rõ ràng: “Phải sống sao cho người thân và bạn bè không xấu hổ về mình”

Minh Huyền
.
.
.