Những phụ nữ đi tìm thiên chức làm mẹ

Thứ Ba, 16/11/2004, 09:38

"Hai lần thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ nhưng không thành, mình đến đây để thử vận may lần nữa. Năm nay cũng xấp xỉ bốn mươi rồi, song mình vẫn cố gắng và hi vọng", chị Tâm, một bệnh nhân của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bộc bạch.

Chị Tâm đến từ Bắc Giang. Nhân dịp cơ quan cử lên Hà Nội học, chị tranh thủ tới đây khám. Nhìn bề ngoài khó ai nghĩ chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế này, bởi chị khỏe mạnh, xinh đẹp. Chiếc di động của chị thỉnh thoảng kêu tít tít. Mỗi lần trả lời điện thoại xong chị lại thở dài. Mọi người càng quan tâm, sức ép tâm lý càng lớn với chị...

Chị quay sang hỏi tôi: "Còn em sao rồi, đã làm gì chưa?". Tôi rụt rè: "Chưa. Hôm nay em đến khám xem thế nào đã". Chị ngồi đối diện tiếp chuyện: "Mình cũng vậy". "Chị khám ở đâu chưa?". "Đi nhiều nơi lắm rồi, hễ nghe tiếng ở đâu có thầy chữa vô sinh tốt là tìm đến. Mười lăm năm theo thầy T., thầy A., thầy N... đến đâu cũng hy vọng và chờ đợi, chờ mãi. Năm nay đã bốn hai tuổi, bây giờ chỉ trông mong vào khoa học thôi. Còn sức thì còn hy vọng. Nhà mình cũng đã bán hết tài sản để tập trung cho việc khám chữa lần này. Ba, bốn mươi triệu cho một lần thụ tinh ống nghiệm, ở quê mình là lớn lắm mà còn chẳng biết có được không nữa". Nói một hơi dài, chị lại ngồi thần ra, rơm rớm nước mắt.

Chị tên Dần, quê mãi tận Sơn La, cả hai vợ chồng đều là công nhân. Mẹ chồng muốn anh lấy người khác nhưng anh không chịu. Bác sĩ bảo, chị bị nội tiết kém lại thêm dị tật bẩm sinh, có con là mong manh lắm. Chồng động viên: “Còn nước còn tát”. Có lần cô em chồng đốp chát: "Có nước đâu mà tát". Dường như chị đã quen những lời thị phi như thế, song lại luôn tin mình sẽ nằm trong số người chiến thắng.

Một chị ngồi sâu trong góc tự dưng khóc tu tu. Đôi vai gầy rung lên bần bật. Trông chị xanh xao, quắt queo. Chị mới ba mươi sáu tuổi, vậy mà ai cũng tưởng chị bốn hai, bốn ba. Chị giấu tên, chỉ nói quê ở Trực Ninh - Nam Định. Nghe tin chị ra Hà Nội chữa bệnh, bà mẹ chồng chẳng một câu động viên còn nhảy thốc lên cào cấu và lăng mạ. Anh chồng đứng giữa bất lực đành im lặng.

Mặc kệ, vay mượn thêm của bạn bè ít tiền, chị quyết lên Hà Nội một phen. Chị thấy bao người đã thành công trong thụ tinh ống nghiệm, biết đâu may mắn sẽ đến với mình. Chị lên trước, chồng sẽ lên sau. Bây giờ ngồi đây thấy người ta có người nhà đi cùng, còn chị một thân một mình, không ai hỏi han, không người chăm sóc. Nếu thành công thì cuộc đời chị mới có được hạnh phúc, còn nếu không...,  mà "khổ quen rồi, ơn trời có con chẳng biết sướng có chịu được không nữa?".  

Một bà mẹ của bệnh nhân phàn nàn: "Con gái tôi chẳng bị sao cả, chồng nó không có tinh trùng, có lẽ phải mua thôi". Đúng là mỗi người một số phận.

Những người đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đều đã đi chữa tứ phương, đông - tây y đủ cả. Có người theo đuổi hai mươi năm, người ít nhất cũng ba - bốn năm ròng. Tiền của bỏ ra cho công việc này đã lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu vẫn chưa đem lại kết quả gì. Theo bác sĩ Nguyễn Viết Tiến - Quyền Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: "Tổng chi phí mỗi ca thụ tinh trong ống nghiệm từ 25 đến 45 triệu đồng. Tùy từng bệnh nhân có phác đồ điều trị khác nhau mà chi phí cao thấp khác nhau. Bình quân mỗi tháng, Trung tâm làm từ 30 đến 60 ca. Tỷ lệ thành công khoảng 30-35%".

Lần đầu thụ thai không thành nhưng còn phôi để trữ đông lạnh, thì chi phí đỡ tốn kém hơn, chỉ khoảng ba triệu. Nhưng đâu phải ai cũng có phôi để trữ. Không ít bệnh nhân phải ăn trực nằm chờ điều trị hàng tháng trời mà phôi vẫn bị hỏng. Nhiều trường hợp chửa ngoài dạ con, tính mạng bị đe dọa. Như cô bạn của tôi, lần đầu làm thụ tinh ống nghiệm bị chửa ngoài dạ con nhưng lại tưởng sẩy thai rồi. Mấy hôm sau, cô đau bụng quằn quại lại ra nhiều máu, rất may nhà gần bệnh viện nên được cấp cứu kịp thời. Chồng cô khi đó cuống lên: "Thôi thôi… chẳng cần con cái gì nữa". Bây giờ cô lại đang tiếp tục lần thụ tinh thứ hai, niềm khát khao được làm mẹ át đi tất cả nỗi sợ hãi mà cô đã gặp.

Quả là: "Đàn ông vượt biển có đôi, đàn bà vượt cạn đơn côi một mình". Dù những người chồng có thương, có yêu bao nhiêu chăng nữa, cũng không thể gánh giúp vợ mình công việc này. Đối với những người đến đây, cái sự vượt ấy còn gian nan gấp nhiều lần. Nó không chỉ là niềm hy vọng cuối cùng trên con đường đi tìm thiên chức làm mẹ mà còn quyết định số phận của họ nữa. Vì thế, họ không thể nản lòng sau mỗi lần thất bại.

Thắp lên niềm hy vọng

Các chị bảo, đi làm thụ tinh trong ống nghiệm là bước đường cùng rồi nên rất sợ rủi ro. Họ bắt đầu lo từ mũi tiêm đầu tiên (tiêm thuốc kích thích để trứng phát triển), nội tiết có tốt không, liệu có thích ứng được với thuốc?... Đến ngày chọc trứng, họ lại lo có thành phôi không, phôi tốt hay xấu? Khi chuyển phôi xong là chuỗi ngày dài hàng thế kỷ, mà thực ra chỉ có hai tuần, chờ thử máu và siêu âm để xem kết quả. Nếu đậu thai, họ lại lo có những biến chứng khác. Có trường hợp, một chị mang thai đến tháng thứ tám mà thai vẫn bị chết lưu.

Ngồi chờ khám, các chị trao nhau số điện thoại, để động viên lẫn nhau, để nghe tin vui từ những người bạn cùng cảnh ngộ. Ở họ không có chỗ cho sự ganh tỵ. Nếu một người thành công nghĩa là đã đem tin vui cho tất cả người khác cùng với niềm tin vào điều kỳ diệu.

Hôm ở Trung tâm, chị Hiền trong ngõ chợ Khâm Thiên - Hà Nội đến khám thai, mọi người xúm xít hỏi thăm. Hiền đang mang bầu tháng thứ sáu, thai đôi một trai một gái. Các con bây giờ đạp rất mạnh. Hiền không giấu được niềm hạnh phúc: "Em năm nay 28 tuổi. Lấy chồng bốn năm không có con, có một lần bị chửa ngoài dạ con bị cắt một bên buồng trứng. Chồng em con trưởng, gia đình sốt ruột, thế là hai vợ chồng quyết định làm thụ tinh ống nghiệm. Rất may mắn, em cấy bốn phôi đậu hai. Bây giờ bụng to, sinh hoạt bình thường, vẫn đi chợ nấu ăn, đi lên đi xuống cầu thang không sao cả".

Sau hai tuần, chị Tâm báo tin đã đậu thai, đậu tận bốn phôi nên lại phải vào viện để lấy bớt phôi ra. Chị ở Nam Định vẫn chưa có tin gì…

Thế mới biết, thụ tinh ống nghiệm là vấn đề hết sức nan giải. Những người bệnh không chỉ bị sức ép về kinh tế mà còn bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Đa số người vào đây đều phải mổ nội soi, có người bị tắc vòi trứng, cổ tử cung hẹp phải nong rất đau, đó là chưa kể đến các đợt tiêm thuốc. Song, họ đã vượt qua tất cả nỗi đau thể xác vì niềm khát khao được làm mẹ, được ấp con vào lòng sau bao nhọc nhằn của cuộc sống, được hát ru con, được nghe tiếng con gọi mình...

Thương Huế
.
.
.