Phòng chống HIV/AIDS: Mừng ít lo nhiều

Thứ Sáu, 12/11/2004, 10:55

“Ủy ban Phòng chống AIDS (UBPC) của chúng ta lâu nay hoạt động trong tình trạng "3 thiếu": Thiếu chất lượng, thiếu cán bộ và nhất là thiếu tính chuyên nghiệp. Có nguồn tài trợ lớn của quốc tế mà không sử dụng được thì thiệt thòi trước hết là người bệnh".

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Minh - Phó Ban VHXH - HĐND TP. HCM tại cuộc họp với UBPC AIDS TP. HCM nhằm đánh giá 14 năm triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS.

Tỉ lệ nhiễm HIV giảm, nhưng chỉ tạm thời

Tính đến tháng 10/2004, thành phố đã phát hiện 20.131 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 7.548 người đã chuyển sang AIDS và 3.291 người đã tử vong. So với cùng thời điểm năm ngoái, tỉ lệ nhiễm HIV giảm rõ rệt trên một số đối tượng như nghiện hút ma túy, gái mại dâm, thanh niên khám tuyển nghĩa vụ. Nguyên nhân giảm là do việc tập trung 30.000 người nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiện làm giảm nhanh số lượng người nhiễm trong cộng đồng, giảm nguy cơ lây nhiễm, từ đó làm giảm tỉ lệ lây nhiễm trên các nhóm đối tượng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tỉ lệ giảm trên đây chỉ là tạm thời. Tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng hiện vẫn ở mức rất cao: 0,6-0,8%, cao hơn 2 lần mức cho phép vào năm 2010 là 0,3%. Số người nhiễm HIV được phát hiện ngày càng trẻ hóa: hơn 1/2 số người nhiễm trong độ tuổi từ 20 - 29. Đây chính là những chỉ số ngầm báo trước một tác hại nghiêm trọng của đại dịch AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh phí hoạt động: vừa thừa, vừa thiếu!

 

  • Tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng hiện vẫn ở mức 0,6-0,8%, cao hơn 2 lần mức cho phép .
  • Số người nhiễm HIV được phát hiện ngày càng trẻ hóa: hơn 1/2 số người nhiễm trong độ tuổi từ 20 - 29.
Các chuyên gia dự tính số người nhiễm HIV ở TP.HCM hiện vào khoảng 40.000 - 50.000 người và có ít nhất 2.000 bệnh nhân AIDS đang cần được chăm sóc, điều trị. Thế nhưng, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết: "Khả năng giải ngân của chúng ta còn rất hạn chế. Mỗi năm thành phố có thể tiếp nhận từ 2 đến 3 triệu USD viện trợ nhưng chỉ mới đủ sức sử dụng 2/3 nguồn tài trợ hàng năm".

Bác sĩ Trường Giang cho rằng, phần lớn các mô hình phòng chống AIDS tại TP mới chỉ đạt ở mức thí điểm với quy mô nhỏ chứ chưa đủ sức khống chế dịch. Đặc biệt là Văn phòng Thường trực phòng chống AIDS là cơ quan tham mưu cho UBPC AIDS TP hiện chỉ có 7 biên chế chuyên trách. Với đội ngũ cán bộ hoạt động trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, lại không chuyên nghiệp, phần lớn là kiêm nhiệm, nên không có đủ khả năng quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tài trợ.

Nguồn kinh phí phòng chống AIDS còn quá khiêm tốn so với nhu cầu. Hiện nay, giá thuốc đặc trị AIDS cho một bệnh nhân mỗi năm trên thế giới đã giảm xuống còn 150 - 450 USD/người/năm. Số tiền này so ra còn rất cao với chỉ tiêu cho y tế: 1 USD/người/năm của người nghèo bị nhiễm tại các nước đang phát triển. Trong khi đó ngân sách của TW và TP là 4,2 tỉ đồng/năm (mới đạt mức 0,05 USD/người/năm). Trong những năm tới, ước tính nguồn tài trợ sẽ đạt 2 triệu USD/năm. Số tiền trên là rất lớn nhưng cộng với nguồn ngân sách Nhà nước cũng vẫn chưa đạt mức 0,5 USD/người/năm.

Công tác tuyên truyền: Vẫn còn quá nhiều thách thức

Thảo luận về vấn đề "nhận thức của xã hội hiện nay về căn bệnh thế kỷ như thế nào?", một đại biểu HĐND quận Phú Nhuận cho biết: "Trên thế giới, HIV/AIDS được coi không chỉ là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà còn là một mối đe dọa cho sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội toàn cầu. Thế nhưng ở nước ta, HIV/AIDS vẫn bị xem là chuyện của ngành Y tế!".

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, việc tuyền truyền phòng chống HIV/AIDS mới chỉ đạt ở mức độ truyền đạt kiến thức mà chưa đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng xã hội. Hơn nữa, việc in ấn các tờ rơi nhằm tuyên truyền cho phòng chống AIDS còn quá ít, vài trăm ngàn tờ/năm mới chỉ đủ sức "ngấm" đến lực lượng đi tuyên truyền mà còn chưa đủ sức vươn tới hết các đối tượng

Huyền Nga
.
.
.