Canh giữ biên cương nơi đầu nguồn sông Hồng

Thứ Ba, 09/11/2004, 10:05
Đồn A Mú Sung thuộc tỉnh Lào Cai, thường được gọi là A Mờ Sương. Sương ở đây quánh đến mức, cứ mở cửa nhà ra là sương vón cục trôi vào trong nhà. Các chiến sĩ đi tưới rau phải cầm theo cái áo vừa đi vừa vung vẩy xua sương để nhìn thấy rau.

1. Đợi mỏi mòn cho qua mùa mưa rừng đáng sợ, tôi mới dám lên đường ngược vùng nổi tiếng lở núi sụt bản của Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đường đi lại khó khăn, lại đi qua mấy vùng khí hậu, chỗ nào cũng mù mịt sương núi nên hành trình đến thượng nguồn sông Hồng của tôi phải nhờ tới 3 chiến sĩ biên phòng đưa.

Sơn, chiến sĩ biên phòng chốt ở trạm Phình Hồ, xã Y Tý, đưa tôi vượt những đỉnh núi cao gần 2.000m lúc nào cũng gió lạnh như Sa Pa, để đến được Đồn A Mú Sung. Từ A Mú Sung, Quảng, cán bộ vận động quần chúng của đồn, đưa tôi đi trạm biên phòng Lũng Lô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Từ trạm, Trạm trưởng Đặng Quốc Thu cầm dao phát nai nịt cẩn thận đề phòng rắn rết, rồi chiều theo cái ý định lẩn thẩn của tôi, bằng cách mở đường đưa tôi cắt đồi vượt suốt ra đến tận ngã ba sông, tận cái bãi phù sa non nơi con sông Hồng bắt đầu dợm bước tới Việt Nam.

Nước sông Hồng ở nơi đầu nguồn đỏ, ngầu đục, phù sa quánh lại tưởng như có thể xắt khúc như thạch đỏ vậy. Suối Lũng Pô vì chảy qua các mỏ quặng đồng lớn nên nước cứ xanh như vừa được nghiền lẫn ít nhiều lá tươi của rừng già Y Tý, A Mú Sung.

Câu nhắn nhủ đầu tiên của chiến sĩ biên phòng đồn trú vùng rừng núi con sông Hồng chảy vào đất Việt: “Tôi muốn nhờ VTV3, chương trình “Đường lên đỉnh...”, hay là trò đố nào đó, hãy đặt một câu hỏi này cho thí sinh: “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt là chỗ nào? Tôi dám chắc, 90% các thí sinh bảo nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt là... chỗ cầu Cốc Lếu ở thị xã Lào Cai. Xin thưa, sông Hồng về đến cầu Cốc Lếu thì “người mẹ vĩ đại” ấy đã đi được ngót trăm cây số trên đất nước ta rồi”. Sau câu đố, sau câu tự trả lời ấy là nụ cười tự hào. Mắt anh lính trẻ phóng ra dòng sông đỏ sậm trườn qua bờ lau lách phía bên nước Việt.

Anh em còn nhớ y nguyên cái kho của đồn A Mú Sung ở xã Trịnh Tường. Tất cả hàng hóa tập kết ở đó, không có bất cứ phương tiện nào vận chuyển được vào sâu hơn nữa ngoài sức người và sức con ngựa thồ. Nên mới có quy định, “ông” biên phòng nào đi tuần tra, đi trả phép hay đi đâu đó qua kho Trịnh Tường đều phải vào kho cõng 15-20kg gạo, nước hay hàng hóa vượt ba chục cây số đường núi  về đơn vị. Ai lười không cõng thì lên đến trạm, chỉ huy “nhắc nhở” anh chịu khó quay trở về Trịnh Tường cõng theo đúng chế độ. Thức ăn độ ấy chỉ có mắm kem (nghĩa là nước mắm được cô lại như kem, lúc nào cần ăn thì hòa tan ra) và lạc rang.

2. Nhìn lên bản đồ, tỉnh Lào Cai xòe ra như con bướm với hai cánh dang rộng thì sông Hồng kẻ một đường bắt đầu từ đỉnh cao nhất, xa nhất của cánh bướm bên phía tây, xẻ dọc sải cánh, xuyên qua thân thể con bướm, kéo xuôi về phía Yên Bái, Phú Thọ... và trổ đường ra biển. Trong hệ thống biên phòng ở “thành phố biên phòng Lào Cai” (chữ của nhà văn Nguyễn Tuân), bao giờ Đồn A Mú Sung cũng là đồn xa xôi, vất vả và quyết liệt nhất. Một cách bất thành văn, nhưng rất phổ biến, người ta thường gọi A Mú Sung là A Mờ Sương, bởi ở đây, sương có thể phủ cả ở giữa trưa trong giờ mặt trời đứng bóng!

Sau sương mờ là sấm sét, bởi A Mú Sung là cái nôi của các mỏ đồng, mỏ sắt lớn. Anh Kiên (32 tuổi), người đã 10 năm đồn trú ở Y Tý mời tôi về nhà dự Tết Trung thu 2004 giữa núi rừng chỉ để nói rằng không nên lãng mạn hóa sự khắc nghiệt đến khó tin ở nơi này. Bởi đông về, năm nào tuyết cũng rơi trắng xóa, đội mũ bông biên phòng ra đường mà tuyết bám trắng, anh em nhìn nhau cứ tưởng mình lạc vào xứ sở Mông Cổ. Mưa đá ném rào rào, cây cỏ hoa lá xơ xác. Đêm nằm đắp 4-5 cái chăn dày mà vẫn chỉ có cảm giác chăn đè lên mình rất nặng chứ tuyệt không thấy ấm.

Tháng sáu nóng nực, ở đây vẫn có su hào, bắp cải. Ngày xưa, khi vượt núi lên Bát Xát đô hộ, người Pháp đã công phu làm đường vào đến Bản Vược. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, các chiến sĩ biên phòng vẫn cứ phải cuốc bộ dăm sáu chục cây số trên con đường đó, để lên canh giữ vùng đầu ngọn sông Hồng.--PageBreak--

Đất thì nâu đỏ màu quặng sắt, sông thì xanh màu quặng đồng. Những quả núi mênh mông, những thung lũng tít hút, chỉ cần nghe Trung tá Nguyễn Khắc Nhì đọc những tên làng tên bản đã đủ thấy thế nào là hương vị A Mờ Sương:  Nậm Mít, Ngải Chồ, Bản Tối, Bạc Tà, Cửa Suối, Khoang Thuyền, Nậm Cáng, Phù Lao Chải, Ma Cò, Sa Pả, Thèn Pả... Hay là thử đọc tên lãnh đạo xã A Mú Sung cũng đủ thấy rừng già rậm rạp rồi: Bí thư Chi bộ (chưa thành lập Đảng ủy) xã là ông Tẩn Duẩn Mềnh, Chủ tịch UBND xã, ông Chảo Cáo Lở...

3. Tháng 10/2004, tôi đã gặp một A Mú Sung màu mỡ và rạng rỡ niềm vui.

Biên cương của cánh bướm miền Tây tỉnh Lào Cai đã được đánh thức. Đường vắt mình qua rừng già nguyên sinh, vượt đỉnh Nhù Cù San. Vùng người Hà Nhì đậm bản sắc sẽ được quy hoạch làm nơi du lịch, khí lạnh và sương mờ vùng Y Tý, A Mú Sung sẽ được cất cánh để biến thành một Sa Pa thứ hai của chính Lào Cai. Dãy Nhù Cù San vòi vọi sẽ làm xương sống hùng vĩ của cả vùng giống như dãy Hoàng Liên Sơn vòi vọi của toàn xứ Đông Dương.

Trẻ em ở đầu nguồn sông Hồng.

Ngoài chức năng trấn giữ biên thùy, trạm biên phòng Lũng Lô còn là một kỳ quan, một biểu tượng của nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Cũng giống như việc người ta cắm biển ở Đất Mũi, xây cột cờ Lũng Cú, dựng phù điêu ở bãi biển Trà Cổ, dựng một cái hình tam giác kim loại lên nóc nhà Đông Dương Phanxipăng. Trạm biên phòng xây hình bát giác như một ngôi chùa Bắc Bộ, những ngôi chùa kiểu này ta thường gặp ở giữa những cánh đồng, giữa ao hồ ngợp sen hồng. Trạm xây bê tông cốt thép, bốn bề cửa lớn, trần ốp gỗ múi na múi bưởi, nền lát gạch hoa bóng nhoáng...

Phải nói vài dòng về cái xóm Lũng Pô, xóm người Dao từ tít dưới hạ huyện bỗng dưng được bốc lên tít đỉnh A Mờ Sương này để giữ cương vị là chòm cư dân của mảnh địa đầu nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Trước nay, chỉ có địa danh Lũng Pô, có suối Lũng Pô mà không hề có xóm Lũng Pô với 31 hộ dân người Dao (trong đó có 3 hộ người Mông) như bây giờ. Bà con từ vùng Phìn Ngan vừa mới được di lên đây theo chính sách giãn dân.

Xa không gian văn hóa truyền thống, họ sống giản dị đến mức... không còn bản sắc. Tết về, bà con thích nhất là kéo nhau ra ven đường ngồi xem... người qua lại. Khúc nước đỏ nơi sông Hồng nhập tịch Việt Nam, đối với những cô cậu người Dao, người Mông ở Lũng Pô, rất bình thường. Họ nghĩ đơn giản là sông Hồng ở thượng nguồn ít cá, và các con đường vạch lau lách xuống bến nước vất vả hơn dưới xuôi. Trưởng thôn Lũng Pô, Tẩn Láo Lở, 23 tuổi, mới mua được cái xe Minsk nhằm chào đón sự kiện đường đi được xe máy gần vào tới khu vực biên giới sông Hồng. Lở thích nói về “con xe” hơn là con sông Cái của đất Việt.

4. Anh em ở trạm Lũng Lô toàn lính trẻ, ai trong số họ cũng thuộc bài Gửi em ở cuối sông Hồng. Họ tự hào vì nhiệm vụ của mình ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ai cũng chỉ dọc xuôi theo dòng nước “quê em ở dưới kia kìa”. Vẫn là đất của sông Mẹ này thôi, nào có xa xôi gì. Cho nên, hằng sáng thức dậy, quân trang quân phục chỉnh tề bồng súng đứng trước lá cờ Tổ quốc nhìn thấy cả núi đồi nước bạn, núi đồi nước mình, cả sông Hồng nước bạn, sông Hồng nước mình, ai cũng thêm một lần thấy dậy lên trong mình niềm tự hào vô hạn.

Trạm trưởng Thu chỉ xuống cuối sông bảo: “Cha mẹ tôi, vợ tôi và 2 con trai tôi đang ở Phú Thọ, đấy là phần trung lưu của con sông này”. Tôi mà là chị Tuyết, vợ anh Thu, tôi sẽ bảo con trai rằng, con cứ đi ngược con sông ngoài đầu nhà kia, đi mãi đi mãi, đi đến bao giờ có chiến sĩ biên phòng bồng súng ra bảo: “Cháu bé ơi, qua khúc này là sang tới nước bạn rồi; nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt bắt đầu từ đây thôi” – thì người ấy đích thị là bố Đặng Quốc Thu, hoặc ít ra là một trong mấy chiến sĩ của đồng chí Trạm trưởng Lũng Pô ở đồn  A Mờ Sương...

.
.