"Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân"

Thứ Năm, 11/11/2004, 19:21

Với hơn 20 ý kiến đóng góp cùng tỷ lệ biểu quyết tán thành 83,84%, Luật An ninh quốc gia (ANQG) đã được Quốc hội kỳ họp thứ 6, khóa XI, thông qua sáng 11/11. Các vị đại biểu khẳng định đây là một bộ luật quan trọng đối với mục tiêu bảo đảm sự ổn định về mọi mặt.

Tham gia thảo luận khái niệm ANQG, được quy định tại Điều 3 dự thảo Luật ANQG, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ xung cụm từ "sự an toàn của cá nhân" vào dự thảo nhằm thể hiện tinh thần vừa bảo vệ cái chung, vừa bảo vệ cái riêng. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, nội dung khái niệm - "ANQG là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc" (khoản 1) - đã bao hàm vấn đề an toàn cho cộng đồng dân cư nói chung, cho mỗi cá nhân nói riêng. Mặt khác, việc bảo đảm an toàn cho mỗi cá nhân đã được quy định tại khoản 2, Điều 14, của dự thảo và trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành nên không cần thiết phải tách riêng nữa.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh chụp ảnh lưu niệm với Ban soạn thảo Luật An ninh quốc gia tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI.

Về chính sách ANQG (Điều 4), hầu hết các đại biểu đều thống nhất với hai nội dung: Nhà nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Nhà nước có chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị để bảo đảm ANQG.

Điều 13 Luật ANQG nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo chính sách xử lý các hành vi xâm phạm ANQG (quy định tại Điều 12) như tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tham gia, giúp sức, cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động xâm phạm ANQG..., chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG... UBTVQH cho rằng, thực chất các nội dung tại Điều 13 của dự thảo Luật đều đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Bởi thế, Luật ANQG sẽ chỉ nêu một số hành vi có tính chất điển hình nhất về tội xâm phạm ANQG để có tính nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ bảo vệ ANQG (Điều 14), có ý kiến cho rằng tư tưởng - văn hóa là thuộc về lĩnh vực chính trị nên đề nghị nhập nhiệm vụ bảo vệ an ninh về tư tưởng - văn hóa với nhiệm vụ bảo vệ chế độ chính trị. UBTVQH nhận thấy, tuy lĩnh vực tư tưởng - văn hóa và chính trị có mối quan hệ với nhau nhưng là hai lĩnh vực khác nhau. Hiến pháp 1992 cũng đã quy định hai nội dung trên tại hai chương riêng biệt.

Cũng có ý kiến đề nghị tách Điều 14 thành hai điều: một điều quy định về mục đích bảo vệ ANQG, một điều quy định về nhiệm vụ bảo vệ ANQG. Theo UBTVQH, nhiệm vụ bảo vệ ANQG luôn gắn với mục đích của hoạt động bảo vệ ANQG, do đó xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị nhập Điều 6 về xây dựng lực lượng bảo vệ ANQG và Điều 16 về xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân thành một điều thống nhất. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy đây là hai vấn đề tuy có quan hệ với nhau nhưng lại có nội dung khác nhau nên đề nghị Quốc hội giữ nguyên.

Điều 16 đã khẳng định rõ chủ trương xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân bao gồm: Huy động toàn dân tham gia phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc; giáo dục, động viên cán bộ, công chức, người lao động và mọi công dân tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch bảo vệ ANQG gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ ANQG; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ ANQG; xây dựng lực lượng bảo vệ ANQG vững mạnh; xây dựng các phương án và tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để chủ động bảo vệ ANQG trong mọi tình huống

Việt Ba
.
.
.