Dạy đồng bào Rục cuộc sống Con người

Thứ Ba, 16/11/2004, 16:15
"Nhiều lúc mình nói một đằng, họ làm một nẻo. Có người chán lại bỏ đi uống rượu, say rồi lăn ra ngủ. Anh em phải rèn tính kiên nhẫn vì nếu cảm thấy không ưng là họ lại tự ý bỏ nhà vào hang ngay", anh Trương Thanh Lưu, Trưởng trạm Biên phòng bản Yên Hợp kể  về quá trình giúp đồng bào Rục định canh định cư.

Cách đây vài năm, để tới được bản Ón, bản đầu tiên của xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa - Quảng Bình) phải đi bộ mất một ngày đường, cứ giẫm lên đá, cứ lội qua khe, trèo qua dốc mà đi. Nhưng giờ thì đã khác, chúng tôi cứ việc ngồi ung dung trên xe, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của trời đất cho tới khi bản Ón hiện ra nhỏ xinh với những nếp nhà đơn sơ ủ mình trong lòng bốn bề là núi đá vôi cao ngất.

Đưa ánh mắt dõi về phía xa, tôi bắt gặp những chấm nhỏ xíu lửng lơ giữa sườn núi. Đó là những người công nhân đang cần mẫn gieo mầm sống để rễ cây bám vào vách núi, quấn lấy đất không cho chúng "rơi tự do" nữa. Một liên tưởng rất thực tế cứ lớn dần trong tôi: Người ta trồng cây để giữ đất ở lại cũng chẳng khác gì việc giữ người dân tộc bám đất, bám làng để giữ từng tấc đất của Tổ quốc.

Khi người lính làm thày giáo

Cuộc sống của đồng bào Rục, cách đây vài năm, tự nhiên như cây cỏ, như con nai, con hoẵng trong rừng vậy. Người Rục sống ẩn dật trong hang đá, không ai biết. Đói thì đào bới, nhặt nhạnh củ rừng, cây rừng để ăn, đau ốm thì chịu chết. Nếu không có những người lính biên phòng phát hiện, sát cánh, trở thành những người thầy đầu tiên hướng họ về cuộc sống của Con Người: Biết cách trồng ngô, trồng sắn, trồng lúa rẫy, biết sự ấm cúng của bếp lửa thì chắc hẳn đồng bào Rục sẽ không có cơ hội để chứng kiến và hưởng thụ sự đổi mới của bản làng ngày hôm nay.

Tổ công tác biên phòng thuộc Đồn Biên phòng 585 đóng tại trạm bản Yên Hợp từ năm 1994 đến nay chỉ có 6 cán bộ, chiến sỹ. Từ ngày thành lập, đối mặt với cái nắng hầm hập của gió Lào và cái lạnh buốt xương của mùa đông miền núi đá vôi, họ vẫn chỉ có một căn nhà lợp tôn, ánh đèn dầu và một cây đàn ghi ta. Họ đến với mảnh đất hoang vu này bắt đầu bằng những cảm giác lo sợ mơ hồ: không biết phải làm gì với vùng đất chỉ thấy toàn sự khắc nghiệt. Có lẽ, cũng từ cái khó trăm bề ấy họ càng quyết tâm gắn bó, quyết tâm phục sinh đất và người nơi đây.

Chẳng ai bảo ai, nhưng chính sự kỳ vĩ của chốn rừng núi này đã nhắn nhủ: Sự sống nơi này không thể thiếu các anh. Sau những cuộc lội rừng tuần tra biên giới, họ sắm vai những nhà nông thực thụ, hướng dẫn bà con cách gieo hạt, chăm sóc cây lương thực, cách nuôi gia súc để tự cung cấp lương thực thiết yếu cho gia đình. Nếp sống người Rục vốn quen dựa vào thiên nhiên và sinh hoạt theo bản năng nên việc vận động họ rời hang đá về ở nhà do Nhà nước cấp đã khó, nói gì đến việc dạy họ lao động, dạy cầm bút, học cái chữ.

Hai năm trước, có 11 hộ dân bỏ vào rừng. Bộ đội biên phòng lại lặn lội hàng chục cây số đường rừng, ăn nghỉ trong các hang đá vận động họ trở về. Bây giờ thì con em của người Rục đã được đi học, bản Ón, Yên Hợp... đều có trường học và trạm xá. Nguyễn Song Nhất, Võ Việt Văn, Đinh Lâm Viên là ba gương mặt chiến sĩ trẻ tuổi nhất của tổ công tác biên phòng, từng học Cao đẳng Sư phạm trở thành người thầy xoá mù chữ cho đồng bào. Học trò của các anh phần nhiều là phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi, những người còn sót lại sau chặng đường dài lang thang trong rừng già, cuộc sống ẩn dật, chẳng biết đến cái chữ là gì.

Việc làm thầy giáo vùng cao với những học sinh cực kỳ đặc biệt, có lẽ chưa từng được nhắc đến trong giáo trình của bất kỳ một trường sư phạm nào. Lao vào dạy chữ, lao vào giúp đồng bào ổn định cuộc sống đã khiến họ quên đi nỗi buồn xa nhà, những trận sốt rét ác tính và những ham muốn vui chơi của tuổi trẻ.--PageBreak--

Hơn bất kỳ những người lính biên phòng nào, cái ý thức "Đồn là nhà" lại rõ nét như ở đây. Nhà của Trưởng trạm chỉ cách trạm 20 cây số mà 5 năm nay mới được về ăn Tết cùng gia đình một lần.

10 năm qua, vẫn trong căn nhà mái tôn đơn sơ, tất bật với công việc tuần tra biên giới, gần gũi, thuyết phục và giáo dục đồng bào, những người lính trẻ cũng tự tạo không khí của gia đình bằng những khoảnh vườn nhỏ. Họ cũng trồng rau xanh, cũng có giàn mướp làm dịu đi cái nắng oi nồng của mùa hè. Những lúc rảnh rỗi, các chiến sỹ trẻ lại cùng làm bạn với cây đàn ghi ta.

Nằm trong vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, có đường trải nhựa cho ô tô vào tận bản, người Rục đang giữ trong mình một vỉa quặng của vùng du lịch sinh thái và văn hóa tộc người. Bản làng và con em của người Rục đang hé rạng những vận hội mới...

Theo bước chân của các anh, chúng tôi tới thăm nhà của một số gia đình đồng bào Rục ở bản Ón và bản Yên Hợp. Những căn nhà mái lợp còn đơn sơ nhưng đã bừng lên hơi thở của cuộc sống với bếp lửa, với những bao chất đầy lương thực, chủ yếu là bồi (thứ lương thực được pha trộn giữa bột ngô với bột sắn). Bản Ón có cả thảy 52 hộ, với 214 nhân khẩu, tập trung toàn đồng bào Rục. Họ nói chuyện với các chiến sĩ biên phòng bằng tiếng dân tộc thoải mái, tự nhiên như người thân trong gia đình.

Tổ công tác biên phòng ở trạm biên phòng bản Yên Hợp.

Thỉnh thoảng, anh Lưu lại quay sang phiên dịch cho chúng tôi. Anh nói thêm, các chiến sĩ biên phòng nơi đây đều sử dụng thành thạo tiếng nói của đồng bào. Các chiến sĩ biên phòng nói vui rằng, ai về công tác ở đây cũng đều phải thành thạo 3 thứ tiếng: tiếng dân tộc, tiếng nguồn và tiếng Kinh. Có lẽ vì thế mà giữa những người lính biên phòng và đồng bào không còn khoảng cách. Chủ trương của Đảng, của Nhà nước được truyền đạt lại tới từng người. Đồng bào bắt đầu yên tâm định cư.

Được biết cái chữ, có quần áo mặc, biết tăng gia sản xuất, đồng bào hiểu được việc làm của bộ đội biên phòng chỉ khiến cho cuộc sống của họ tốt hơn nên mất dần thói quen trở lại rừng. Ngày tôi vào bản người Rục, đường điện lưới quốc gia đang được kéo vào tận bản. Chắc chắn giờ này, những chiến sĩ biên phòng của trạm biên phòng ở bản Yên Hợp cùng đồng bào đã tạm biệt ánh đèn dầu. ánh sáng điện đã lan tỏa như lời khẳng định phần quá khứ tăm tối đã lùi xa, rất xa. Việc dạy cái chữ cho đồng bào vào buổi tối của những người lính biên phòng cũng thuận lợi hơn trước nhiều

Kiều Thu
.
.
.