Bi kịch đường phố lúc nửa đêm

Thứ Năm, 18/11/2004, 15:01
“Tháng nào đội vệ sinh này cũng có công nhân bị tai nạn giao thông. Nhẹ thì sây sát, nặng thì gãy chân gãy tay. 5 công nhân vệ sinh của công ty đã thiệt mạng. Hiện vẫn còn hai trường hợp đang điều trị chấn thương sọ não” - chị Lê Thị Huệ, Đội trưởng Đội Vệ sinh thuộc Công ty Công trình đô thị quận Bình Thạnh không giấu được vẻ đau buồn trong giọng nói.

Cái bóng dáng nhỏ nhoi với hai bàn tay run rẩy cắm từng nén nhang thắp lên ngôi mộ người mẹ trẻ của bé Nguyễn Phương Trúc khiến mọi người trong ấp Bến Đò, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM đều không cầm được nước mắt. Cô bé mới 7 tuổi đã không còn cả cha lẫn mẹ, phải sống nương nhờ vào sự thương yêu của bà ngoại, đã 71 tuổi và sự chở che của người cậu ruột.

Bà Khởi, ngoại của Trúc kể: “Hôm đó, trời giông dữ lắm, người ở dưới công ty điện lên báo con Sáu (chị Phượng) đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, không biết sống chết làm sao, gia đình xuống gấp. Tui cũng tính đi nhưng thằng Tư nó hổng cho. Nó nói nó xuống Sài Gòn đưa chị Sáu về. Đến hồi nó đưa về thì con Sáu chỉ còn là cái xác”.

Anh Hiền, người cậu hiện đang nuôi dưỡng bé Trúc cho biết, lúc bé Trúc được sinh ra cũng là lúc người cha bạc nghĩa bỏ đi mất tăm. Chị Phượng một tay xoay trở trồng trọt trên mấy công đất của ông bà để lại. Năm 1998, nhờ người quen, chị ấy mới xin được vào Công ty Dịch vụ Công ích quận Tân Bình, làm nghề quét rác.

“Mấy tháng đầu đi làm, chị tôi cực lắm, ngày ngày đạp xe gần 20 cây số cọc cạch từ Củ Chi xuống tận Tân Bình, làm quần quật rồi tờ mờ sáng lại đạp xe về. Chỉ thời gian ngắn, chị tôi rạc người đi, phải gửi con cho ngoại rồi thuê nhà dưới đó, tuần hai ba lần về thăm con. Anh Hiền kể.

Một đêm, khi đã quét xong phần đường do mình phụ trách, chị đẩy xe tay (xe chở rác) về nơi tập trung trên đường Cộng Hòa, thì một chiếc xe du lịch ở đâu tông thẳng vào chị. Chiếc xe văng ra một quãng xa gần 50m, chiếc đèn bão vỡ tan tành, còn chị được đồng nghiệp và người dân nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Nhưng các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy đã lắc đầu vì chấn thương quá nặng. Sau khi gây tai nạn, chiếc xe du lịch chạy mất dạng, may mà có một người đi đường phóng xe đuổi theo ghi lại được biển số xe, nếu không chẳng biết đường nào mà truy ra thằng “khốn nạn” ấy. Vậy mà khi công an đến hỏi, lái xe trả lời rất thớ lợ, anh ta không biết chuyện xảy ra và không biết chuyện có đụng vào ai đêm ấy hay không?

Anh Hiền cũng mới bỏ nghề công nhân vệ sinh được vài tháng, anh nói nghề này tuy đồng lương tạm ổn nhưng nhọc nhằn và nguy hiểm lắm. Bốn năm làm công nhân, anh đã chứng kiến biết bao tai nạn của đồng nghiệp và đau đớn nhất là bi kịch của chính người chị mình.

Đến nhà người công nhân bị chấn thương sọ não tên Nguyễn Văn Ẩn (ngụ tại phường 12, quận Bình Thạnh), thì tôi được biết anh đã đi viện tâm thần điều trị hơn năm nay. Ngôi nhà trống vắng lạnh tanh.

Những người công nhân cùng làm với anh Ẩn không thể quên cái tai nạn khủng khiếp ấy. Sự việc diễn ra khoảng 1h30’ 19/1/2001 (25 Tết). Anh Ẩn đang làm trong phần đường của mình trên đường Đinh Bộ Lĩnh thì thấy một chiếc xe Honda lao nhanh về phía anh. Anh tấp vội vào lề nhưng không còn kịp nữa, chiếc xe Honda tông anh văng ra xa, bất tỉnh. Người ta đưa anh vào bệnh viện, khâu gần 20 mũi ở khắp đầu và chân. Anh nằm mê man gần hai tuần mới tỉnh lại trong trạng thái rối loạn thần kinh do chấn thương sọ não nặng.

Gần 40 triệu đồng cóp nhặt hơn chục năm trời của hai vợ chồng đem lo tiền chi phí thuốc men mà không đủ. Điều trị tại viện rồi tại nhà, anh ẩn vẫn cứ chìm trong u mê. Dù đã được sự giúp đỡ của công ty và đồng nghiệp, nhưng tiền bạc và đồ đạc trong nhà cứ dần đội nón ra đi. Từ một người công nhân lực lưỡng, anh ra viện với tấm thân teo tóp và với bộ não ngây ngô của một đứa trẻ.

Rồi người ta không còn thấy cảnh chiều chiều hai vợ chồng chở nhau đi làm mà thay vào đó là hình ảnh người vợ tận tình đút từng miếng cơm, thay từng chiếc áo, trông từng giấc ngủ cho chồng. Nhưng mỗi lần lên “cơn”, anh lại biến thành người điên loạn, đập phá, la hét, gặp thứ gì anh cũng cho vào miệng, rồi tự cào cấu thân thể của mình.

Gần sáu tháng trời, anh không cho vợ vào tắm rửa và cho ăn, mặc chị khốn khổ van nài... Mải lo từng thìa cơm, giấc ngủ cho chồng, vợ anh Ẩn không còn lòng dạ nào đi tìm kẻ đã gây ra tình cảnh này cho gia đình chị.

Đồng nghiệp của anh Ẩn kể rằng, “né xe” là một từ quen thuộc đối với họ. Do đặc trưng nghề nghiệp, họ thường làm ban đêm, lúc mà những đệ tử lưu linh, những đứa choai choai nằm rạp mình trên xe máy phóng như bão, những xe tải, xe container lợi dụng lúc đường vắng chạy bạt mạng. Mải “né” xe, có chị em cả tiếng đồng hồ, không quét nổi 100m đường.--PageBreak--

Đêm mục kích cảnh làm việc của các chị trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1), tôi cứ thót tim khi cô công nhân tên Châu cứ vài phút lại vứt chổi, hoảng hốt nhảy tót lên lề đường khi nghe thấy tiếng động cơ xe gầm rú từ xa. Nhưng không phải ai cũng chịu khó “né” như cô Châu, Liễu - người công nhân cùng làm chung đoạn đường với cô Châu - cho biết: “Trên tuyến đường này xe chạy miết, cứ “né” thì bao giờ mới quét xong đường. Tai nạn giao thông thì ai mà không sợ nhưng cũng không thể quá sợ rồi làm chậm trễ công việc. Người ta sống chết có số hết anh à...”.

16 năm miệt mài đời công nhân, Liễu đã chứng kiến biết bao tai nạn giao thông trên tuyến đường này, trong đó không thiếu những nạn nhân là đồng nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã có hai công nhân bị xe tông vào phải đi bó bột, tới giờ vẫn chưa thể đi làm.

Trong căn nhà nhỏ hẹp thấp lè tè ở đường Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6 có một người tâm thần nhưng hiền lắm. Nhà ấy có ba mẹ con và chị Trần Thị Ngọc Trong, sinh năm 1975, năm 2001, là công nhân vệ sinh quận 6. Hồi nhỏ nhà nghèo, ba mất sớm không được đi học. Từ ngày biết nuôi thân, nuôi mẹ bằng đồng lương của công nhân vệ sinh, chị đã biết sẻ đồng lương, đi học bổ túc văn hóa. Chị còn ước sau sẽ học nghề đổi đời. Hàng đêm người nữ công nhân ấy vẫn cần mẫn gom từng cọng rác, quét từng hạt bụi trên những con đường rồi lại trở về nhà miệt mài cùng những con chữ với một ước mơ tri thức cháy bỏng.

Chị Tươi (bên phải) đang kể về tai nạn của người em: Chị Trần Thị Ngọc Trong (bên trái).

Bây giờ, chị đã là người tâm thần. Cả một quãng đời dành dụm từ những đồng lương sau 14 năm làm công nhân vệ sinh của bà Nho đã dồn hết vào tiền thuốc thang để cứu cho chị Trong còn mạng sống. Bà buồn rầu, người ta đã cứu được mạng sống của con bà nhưng không cứu được phần hồn của nó.

Noel năm 2001, làm mãi đến hơn 4 giờ sáng, chị Trong mới quét xong con đường Nguyễn Văn Luông rác vương vãi khắp nơi theo bước chân từng tốp người đổ xuống đường náo nức trong không khí đêm Giáng sinh. Mệt mỏi rã rời, ba người công nhân trong đó có chị Trong chạy xe trên đường Kinh Dương Vương để trở về nhà.

Sau chầu rượu túy lúy với bạn, Hồ Minh Huân (ngụ tại quận 8) điều khiển xe Dream (gắn biển số giả) chở Nguyễn Văn Duy lưu thông hướng từ vòng xoay Phú Lâm về đường An Dương Vương. Khi đến giao lộ Kinh Dương Vương - Đặng Nguyên Cẩn do không làm chủ được tốc độ, đã tông thẳng vào chị Trong. Thấy một chiếc xe đâm thẳng vào mình, chị Trong cố quẹo tay lái qua một bên nhưng không kịp nữa. Chiếc xe đạp mini cong vòng, còn chị Trong bị kéo xa gần 10m rồi bất tỉnh. Biên bản giám định tai nạn giao thông của Hội đồng giám định y khoa thành phố cho thấy, chị Trong bị di chứng liệt nửa người, sa sút thần kinh nặng, tỉ lệ thương tật 45% vĩnh viễn.

Bữa cơm nhạt của ba mẹ con bà Nho chỉ có mấy miếng thịt, đĩa rau luộc và chén nước mắm tổ chảng. Đĩa thịt ấy người mẹ và người chị tuyệt nhiên không đụng đến, họ chỉ ăn rau và nước mắm nhưng họ gắp luôn tay những miếng thịt vào chén của người em. Trăm thứ tiền sinh hoạt của gia đình giờ chỉ trông chờ vào đồng lương của chị Tươi (chị của Trong), cũng đang làm công nhân vệ sinh.

Ngày ngày người mẹ già ngồi bón từng miếng cháo, dìu từng bước chân và lo cả chuyện vệ sinh cho cô con gái. “Người ta nói phải mua thiết bị vật lý trị liệu gì đó để tập cho nó đi, dành dụm được đồng nào hay đồng đó, cũng phải chữa chạy cho nó, còn nước còn tát mà...”, bà Nho móm mém cho biết và bà vẫn còn niềm tin rằng con bà sẽ khỏi bệnh. Chị Tươi được nghỉ ngày nào là bà Nho lại khăn gói đi chùa cầu xin phúc lành cho con mình. Còn chị Trong, vẫn cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chị thích đi ra đường nhặt từng cọng rác mà những người “tỉnh” “lỡ” vứt bừa bãi, lặng lẽ bỏ vào thùng... Còn người mẹ đêm đêm, khi giấc ngủ của người con khốn khổ đã yên thì vào góc tối ngồi lặng lẽ lần tràng hạt

Thuận Thiên
.
.
.