Án tử hình và sự hành hình tử tội

Thứ Sáu, 12/11/2004, 15:45

"Án tử hình" là chủ đề của cuộc hội thảo lớn do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tại Việt Nam từ ngày 24 đến 26/11/2004. Có rất nhiều chuyện để bàn chung quanh hình phạt cao nhất này và các cách thức thi hành nó trên thế giới.

Việc trừng trị con người bằng cái chết đã tồn tại từ khi loài người xuất hiện. Tuy nhiên, án tử hình chỉ thực sự trở thành khung hình phạt cao nhất áp dụng cho những ai vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng khi có nhà nước pháp quyền.

Án tử hình có từ bao giờ?

Trả lời câu hỏi này phải đi ngược lại lịch sử. Bạn đọc đã xem phim Thương Ưởng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Thương Ưởng thời Chiến quốc ở Trung Quốc là người đã phát triển hoàn chỉnh tư tưởng “pháp trị” xuất hiện từ thời Xuân Thu. Ông người nước Vệ nên còn có tên là Vệ Ưởng và thuộc dòng họ Công Tôn nên còn gọi là Công Tôn Ưởng.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chịu trách nhiệm chấn chỉnh việc quản lý tại các pháp trường, chấm dứt ngay hiện tượng tự ý lấy xác tử tù; đồng thời giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Bộ  Công an phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cách thức thi hành án tử hình khác.
Tư tưởng pháp trị của Thương Ưởng được nêu trong sách Thương quân. Chính ông đã sang nước Tần giúp Tần Hiếu Công tiến hành cải cách theo tư tưởng pháp trị của mình, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền cai trị bằng luật pháp hà khắc, xóa bỏ tình trạng cát cứ phong kiến. Các cải cách của ông đã đặt cơ sở cho một nước Tần thống nhất Trung Quốc.

Trong hệ thống luật pháp của ông có án tử hình. Ai phạm tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị

ngựa xé xác làm nhiều mảnh. Cải cách của ông đã làm nước Tần ngày một hùng mạnh, nhưng ông cuối cùng đã bị vị vua mới, con trai Tần Hiếu Công, trừng phạt bằng hình phạt tử hình khốc liệt do chính ông đề xuất ra: Thương Ưởng bị trói chặt, 4 con ngựa kéo ở 4 phía đã xé xác ông ra thành nhiều mảnh.

Trong thời kỳ “Tiền Tần” ở Trung Quốc có Hàn Phi cũng có những tư tưởng pháp trị giống như Thương Ưởng. Trong cuốn sách Hàn Phi Tử ông cũng đề ra các tư tưởng pháp trị, trong đó chủ trương dùng pháp luật, kể cả án tử hình để trừng trị nghiêm khắc những ai, kể cả người nghèo túng mà làm điều phạm pháp.

Các hình thức thi hành án tử hình ở Trung Quốc và các nước phương Đông ban đầu rất hà khắc, dã man: voi giày, ngựa xé, tùng xẻo, mổ bụng và moi gan, ném vào vạc dầu sôi, treo cổ, chặt đầu, ném đá đến chết, quạ mổ, v.v... Chỉ riêng chặt đầu cũng có nhiều hình thức khác nhau như Long đầu trảm dành cho quan lại phạm tội, Cẩu đầu trảm dành cho dân thường phạm tội mà trong phim Bao Công chúng ta thường xuyên gặp.

Ở châu Âu, hình phạt tử hình xuất hiện ở các nhà nước Hy Lạp, La Mã cổ đại vào những năm 500 trước Công nguyên. Những người âm mưu lật đổ chế độ, mưu sát vua, nghịch tặc bị khép tội chết bằng các hình thức chặt đầu, treo xác lên cổng thành, lên cây cao, tùng xẻo, thiêu chết v.v...

Vào thuở bình minh của xã hội loài người, việc thi hành án tử hình thường được tiến hành công khai, tử tội bị hành hình dã man trước công chúng nhằm mục đích răn đe người khác.

Án tử hình ở Mỹ

Nói tới án tử hình, trước hết phải nói tới Mỹ vì nước này tuy có số lượng án tử hình đứng hàng thứ hai thế giới sau Trung Quốc nhưng lại có nhiều phương thức hành hình tử tội nhất.

Án tử hình hiện thời được áp dụng ở 32/50 bang của Mỹ. Nó trở thành một vấn đề xã hội lớn đến nỗi Bộ Tư pháp Mỹ phải xuất bản các Niên giám án tử hình (Bulletin Capital Punishment), trong đó đề cập tới các vấn đề liên quan đến án tử hình. Theo luật pháp của nước Mỹ, mỗi bang áp dụng phương thức thi hành hình phạt riêng của mình.

Cho đến năm 2003, các bang ở Mỹ đã thi hành án tử hình gần 4.000 bị án, trong đó nhiều nhất là Texas 394 bị án, California 381 bị án, Florida 342 bị án. Riêng năm 2003, cả nước Mỹ đã tử hình 65 người.--PageBreak--

Hầu hết các bang ở Mỹ tuyên án tử hình đối với tội giết người, cướp tài sản và hiếp dâm, giết người do đầu độc, ám sát cán bộ nhà nước, cướp máy bay, hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi, giết hại 2 người trở lên, lừa đảo quy mô lớn, chống phá trại giam, giết hại quản giáo, kiểm sát viên, tòa án, điều tra viên v.v... Về tội phạm ma túy, nhiều bang ở Mỹ cũng áp dụng án tử hình như bang Connecticut quy định tử hình các tội phạm buôn bán bất hợp pháp côcain, methadone, hêrôin cho những người nghiện ma túy; bang Florida áp dụng án tử hình cho các tội phạm buôn lậu ma túy v.v... Gần đây do hiểm họa khủng bố nên án tử hình được bổ sung cho loại tội phạm nguy hiểm này.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Mỹ, cho đến nay trong các trại giam liên bang và các bang đang giam giữ gần 5.000 bị án chờ thi hành án tử hình, trong đó 51% là người da trắng, 40% là người da đen và 9% là người các chủng tộc khác.

Nước Mỹ cũng là nơi áp dụng nhiều hình thức tử hình nhất thế giới. Trong 50 bang của nước này có 27 bang áp dụng hình thức tiêm thuốc độc để tử hình, 12 bang dùng ghế điện, 7 bang phun khí độc ngạt vào buồng giam, 4 bang treo cổ tử tội và 1 bang là Utah áp dụng hình thức xử bắn tử tội. Trong số này có những bang lại áp dụng từ 2 đến nhiều hình thức tử hình cho các tử tội.

Do quan niệm đem đến cái chết nhẹ nhàng cho các tử tội nên phần lớn các bang nước Mỹ như Arizona, California, Idaho, Illinois, Ankansas, Nevada, Ohio, Texas, Utah, Oklahoma, Montana, Colorado v.v... áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Tử tội được tiêm từ 2 đến nhiều mũi kim vào người. Trong số này chỉ có 1 xơranh có chứa thuốc độc. Sau một đến vài giờ, tử tội sẽ bị chất độc giết hại. Vì có nhiều xơranh tiêm, trong đó có nhiều xơranh chỉ có nước cất, nên những người thi hành án tử hình đỡ bị ám ảnh tâm lý là tử tội bị giết hại do chính mình gây ra. So với hình thức bắt tử tội uống thuốc độc vốn rất phổ biến thời kỳ phong kiến Trung Quốc và phương Đông, hình thức này được coi là văn minh hơn.

Hình thức thi hành án tử hình bằng ghế điện tuy gọn nhẹ nhưng lại gây ra nỗi đau đớn cho các tử tội. Tử tội ở bang Alabama, Arkansas, Florida, Ohio v.v... được đưa lên ngồi và bị cột chặt vào ghế điện. Sau khi đóng cầu dao điện và tăng dần cường độ dòng điện, tử tội sẽ nhanh chóng bị chết. Hình thức tử hình này gây cho tử tội sự đau đớn về thể xác nên bị dư luận phê phán nhiều.

Một số bang như Arizona, CaliforniaMaryland áp dụng hình thức phun khí độc ngạt vào buồng giam. Tử tội ở trong buồng giam, khí độc từ từ được phun vào buồng giam cho đến khi tử tội bị chết ngạt. Hình thức thi hành án tử hình này gây ra sự đau đớn cho tử tội nên cũng bị chỉ trích. Nó cũng làm cho mọi người liên tưởng đến việc quân đội phát xít Đức dùng chất độc ngạt để phun vào quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Bốn bang nước Mỹ là Delaware, Montana, New HampshireWashington lại áp dụng hình phạt treo cổ vốn được coi là rất dã man trong thời đại công nghiệp hiện nay. Các tử tội được đưa ra pháp trường và bị treo cổ lên bục hoặc cột cao. Về hình thức răn đe tội phạm thì treo cổ có hiệu quả phòng ngừa cao nhưng lại bị phê là dã man.

Thống kê của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy trong số 257 tử tội bị thi hành án tử hình thời gian gầy đây có 131 trường hợp bị tiêm thuốc độc, 114 trường hợp bị ngồi ghế điện, 9 trường hợp bị phun khí độc ngạt vào buồng giam, 1 trường hợp bị xử bắn và 2 trường hợp bị treo cổ. (Còn nữa)

.
.
.