Thảm hoạ phía sau bàn phím

Thứ Ba, 16/11/2004, 17:10

Bí tiền ăn chơi và trả nợ, Nguyễn Khắc Điệp quyết định giết người, cướp của. Nạn nhân Điệp chọn là một nữ sinh hắn quen qua mạng vài tháng trước đó và cũng đã từng giúp đỡ hắn hết sức chân thành. Vụ án đang gây xôn xao dư luận và là một lời cảnh báo cho một kiểu quan hệ xuất hiện trong thời đại @.

Nạn nhân, cô nữ sinh năm thứ hai Khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Thị Phương Anh và kẻ thủ ác Nguyễn Khắc Điệp quen nhau khi cùng tham gia FX, một diễn đàn chuyên về xe môtô thể thao trên mạng. Mặc dù mới quen song Phương Anh có vẻ coi trọng Điệp và đã nhiều lần cho hắn vay tiền, mượn điện thoại di động để “cắm”. Phương Anh đâu biết rằng Điệp là một thanh niên chơi bời, lêu lổng, nợ nần chồng chất.

Cái chết đau lòng

Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra ngày 28/10. Khi được phát hiện, Phương Anh đã chết vì bị đánh nhiều nhát bằng vật cứng gây vỡ lún xương sọ. Rà soát các mối quan hệ của Phương Anh tại nơi cư trú, cơ quan điều tra không phát hiện nghi vấn gì đặc biệt.

Theo nhận xét của những người láng giềng thì Phương Anh (19 tuổi) là một cô gái lễ phép, dễ mến, không mâu thuẫn với ai, cũng không thấy cô có những mối quan hệ phức tạp. Gia đình cô gia giáo, nề nếp, bố mẹ đều là những trí thức và đều giữ trọng trách trong ngành y.

Thông tin gây chú ý nhất là từ người bán hàng ở đầu ngõ. Người này cho biết khoảng 10h45 ngày 28/10, có một thanh niên đi chiếc Dylan đỏ, phóng rất nhanh từ hướng nhà nạn nhân ra đường Lương Định Của, đến khúc cua ngay đầu ngõ, anh ta bị đổ xe. Do khá quen với Phương Anh nên người bán hàng nhận ra biển số chiếc xe, còn người lái xe thì lại không nhìn rõ.

Đồng thời với việc tìm kiếm thông tin thông qua một vài bạn “chat” của Phương Anh, các trinh sát khác lần theo chiếc xe Dylan 29P8 - 3286 của nạn nhân. Chiều 30/10, Công an quận Cầu Giấy đã phát hiện chiếc xe trên vẫn để nguyên biển số tại một quán cà phê trên đường Trần Duy Hưng. Kẻ đang rao bán chiếc xe là Nguyễn Khắc Điệp, 22 tuổi, trú tại tổ 18, phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La. Điệp đã cúi đầu thú nhận là thủ phạm gây ra vụ giết - cướp này.

Nhân thân Điệp nhanh chóng được làm rõ. Bố là kỹ sư xây dựng, mẹ công tác trong ngành Giao thông, Nguyễn Khắc Điệp được gia đình cho ăn học tử tế. Có tin Điệp không được tốt nghiệp đại học, nhưng hắn không trở về Sơn La mà bám trụ ở Hà Nội.

Điệp cùng người yêu thuê nhà trọ sống chung tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Trong các thú ăn chơi, bên cạnh xe môtô phân khối lớn, Điệp thích nhất là chơi điện tử và tán gẫu trên mạng. Qua “chat”, Điệp quen Phương Anh. Từ gặp trên mạng, Điệp ngỏ ý muốn đến nhà Phương Anh chơi và được cô đồng ý. Dần dần, hai người coi nhau như bạn.

Trước khi gây án, số tiền mà Điệp thiếu nợ là hơn 20 triệu đồng. Chính trong lúc này, Điệp đã nghĩ đến cô bạn gái mới quen và chiếc xe Dylan đỏ. Biết Phương Anh ở nhà một mình, sáng 28/10, Điệp thủ theo một chiếc búa đinh, đi xe ôm đến thẳng nhà cô bạn gái. Sau khi dùng búa giết chết nạn nhân, Điệp lau chùi sạch sẽ hiện trường rồi lục lấy chìa khoá, giấy tờ chiếc xe Dylan.

Chiều 28/10, với mục đích tạo bằng chứng ngoại phạm, Điệp còn chở người yêu đến tận nhà Phương Anh hỏi thăm. Rời nhà Phương Anh, Điệp mang chiếc xe Dylan xuống Hải Phòng, Bắc Giang rao bán, nhưng không thành.--PageBreak--

Một người bạn thân của Phương Anh, tên là Việt, cho biết: "Khi biết tin Điệp sát hại Phương Anh, nhiều người không khỏi bàng hoàng, bởi mặc dù là quen trên mạng, nhưng Phương Anh dường như khá coi trọng Điệp. Không ít lần cô cho Điệp vay tiền, mượn điện thoại di động đi 'cắm”'. Đôi lần Việt tình cờ nghe Phương Anh trao đổi qua điện thoại với Điệp về chuyện tiền nong, xe cộ hoặc hẹn hò gặp gỡ riêng giữa hai người. Riêng chuyện Điệp vay tiền của Phương Anh thì nhiều người, trong đó cả người yêu Phương Anh cũng biết. Trước khi án mạng xảy ra, Điệp đã từng lên mạng hỏi vay tiền của tất cả thành viên trong câu lạc bộ FX.

Nói chuyện ảo, hậu quả thật

Chiếc xe Dylan của nạn nhân.
Chuyện trò trên mạng không giống ngoài đời, nó được che phủ bởi một ảo giác. Những người tham gia (chatter) thường đánh bóng mình bằng những thông tin không có thật, thiếu trung thực để lấy lòng đối phương. Thảm họa thường nằm sau bàn phím, tức là khi các chatter đã đủ “thông cảm”, “hiểu” và “tin tưởng” nhau, họ trực tiếp giao lưu, gặp gỡ nhau.

Hàng chục vụ án lớn là hậu quả của “chat” đã từng được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông. Mà mới đây thôi, một nhóm các "nhóc" ở quận Tây Hồ vì thiếu tiền “chat” đã hẹn nhau cùng đâm chết một người đàn ông để cướp chiếc xe Spacy nhưng cả bọn đã bị bắt ngay sau đó.

Theo một trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố Hà Nội, bây giờ, bên cạnh việc sử dụng các phương tiện liên lạc như điện thoại di động, tội phạm còn sử dụng Internet như một công cụ để bàn bạc kế hoạch, hẹn hò thời gian gây án, trong đó “chat” là môi trường lý tưởng nhất.

Lang thang trên mạng, nhiều cô cậu học trò ngây thơ đã vô tình trở thành miếng mồi ngon của bọn tội phạm. Hiện giới chatter vẫn còn rỉ tai nhau câu chuyện của một "ô mai" sành “chat” ở thành phố Hồ Chí Minh. Qua giới thiệu, cô làm quen với một chatter ở nước ngoài. Người này đã 33 tuổi, từng trải và galăng. Sau một tuần đầu thăm dò đối tượng, người con trai bắt đầu thả những lời ong bướm lả lướt. Một tháng sau, anh ta về Việt Nam. Cô càng mê đắm với tình yêu của mình, cô sống như người trong mộng. Đến khi anh ta quay về Mỹ, cô mới hay mình đã mang thai. Cô hốt hoảng online tìm người tình thì anh ta đã mất hút trong cái thế giới không đáy của Internet.

Trên thực tế đã có vô vàn câu chuyện không hay từ sau chuyện "chat chít" ấy. Câu chuyện đau lòng về cái chết của Phương Anh một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả mọi người. Theo một thăm dò dư luận gần đây của một tờ báo điện tử, trong số 1.000 người được hỏi "Bạn thường lên mạng làm gì?", có 33,57% trả lời là để “chat”; 15,5% đọc báo; 5,75% kiểm tra thư; 2,16% đọc truyện; và chỉ có 7,39% học tập, nghiên cứu. Câu chuyện và những con số trên đã tự nó hình thành một lời nhắc nhở không gì mạnh mẽ bằng với tất cả chúng ta về một thứ nguy cơ có thật

Ngọc Tước
.
.
.