Nỗi đau da cam và tình người ở làng Hữu Nghị

Thứ Hai, 15/11/2004, 06:04

Cách Hà Nội chưa đầy 20km, có một ngôi làng nhỏ với nhiều toà biệt thự 2 tầng nằm cạnh nhau trong những vườn cây cảnh tuyệt đẹp. Ít ai biết rằng, đó là nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc 150 cựu chiến binh và các cháu nạn nhân chất độc da cam của cả nước.

Làng Hữu Nghị Việt Nam (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) trực thuộc sự quản lý của TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Năm 1991, có một đoàn cựu chiến binh Mỹ sang thăm Việt Nam, họ nêu ý tưởng góp phần khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh. Làng Hữu Nghị được thành lập trên cơ sở những ý tưởng của các tổ chức quốc tế và nguồn kinh phí có được từ sự ủng hộ của nhiều nơi. Làng được khởi công xây dựng từ năm 1991, nhưng phải đến đầu tháng 10/1998 mới chính thức khai trương và đón những công dân đầu tiên.

Ngay trong năm 1998, bà Nguyễn Thị Bình (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch nước) đã đến thăm và đồng ý cho làng đón thêm 60 người, phần lớn là trẻ khuyết tật và cựu chiến binh, thanh niên xung phong. Khi làng đã đi vào hoạt động, nơi đây thường xuyên nuôi dưỡng từ 150 - 160 người với mức tiêu chuẩn hàng tháng của mỗi cựu chiến binh là 240 ngàn đồng và mỗi  nạn nhân chất độc da cam là 180 ngàn đồng, trong đó 100 ngàn đồng là do Nhà nước cấp, phần còn lại từ nguồn ủng hộ của các tổ chức quốc tế, của các nhà hảo tâm và một phần do chính cán bộ trong làng tự tăng gia sản xuất.

Điều đặc biệt ghi nhận được ở làng Hữu Nghị đó chính là tình đồng đội của những người

Ngày 2/11, Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền cùng với các á hậu đã đến thăm và tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam với số tiền 14 triệu đồng. Đây là một cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa những người đẹp với các cựu chiến binh, các cháu nạn nhân chất độc da cam trong làng và là khởi nguồn cho những hoạt động từ thiện xã hội của Hoa hậu vừa đăng quang. 

lính đã từng "vào sinh, ra tử" một thời, nay họ lại cùng nhau chiến đấu với bệnh tật. Bác sỹ Chu Văn Thâu, phụ trách y tế của làng là một người làm việc với tấm lòng "lương y như từ mẫu". Sáu năm qua, ông đã trực tiếp chăm sóc và chữa trị cho hơn 1.000 cựu chiến binh.

Có được cơ ngơi như hôm nay là cả một cố gắng không mệt mỏi của cán bộ, công nhân viên trong làng. Người khởi nguồn cho những cố gắng vượt bậc này chính là Giám đốc làng - "già làng" Nguyễn Khái  Hưng. Gọi ông là "già làng" vì ông đã gắn bó với làng từ ngày thành lập và là một trong những người có công gây dựng cho làng nhiều nhất.

Là người từng đi qua hai cuộc chiến tranh nên ông Hưng thấu hiểu những mất mát và đau thương của những người lính trở về sau cuộc chiến.

Đến với làng Hữu Nghị còn có  những tấm lòng bè bạn quốc tế - những tấm lòng không biên giới. Có một câu chuyện cảm động nghe được tại làng về một cựu chiến binh Mỹ tên là Joo Mizo. Ông là người đã từng tham chiến ở Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Trở lại thăm chiến trường xưa, ông đã khóc khi thấy những nạn nhân chất độc da cam phải sống khổ cực và đau đớn. Khi trở về nước, ông đã vận động những người bạn đóng góp được một số tiền lớn. Ngoài ra, để có thêm tiền sang Việt Nam góp phần xây dựng làng, chính ông đã cùng với vợ đi bán quần áo trên các đường phố của Mỹ.

Cựu chiến binh Joo Mizo đã được đề cử làm Chủ tịch ủy ban Xây dựng làng Hữu Nghị. Hiện nay ông đã mất và những người dân ở làng luôn nhớ tới ông với tấm lòng biết ơn.

Trong những ngày diễn ra Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Quốc tế làng Hữu Nghị Việt Nam, điều mà các đại biểu đặc biệt quan tâm chính là một hướng đi mới cho làng về mặt y tế và giáo dục. Hiện nay, điều trăn trở nhất của làng chính là cần có một cơ chế phù hợp cho những trẻ em ở đây được đi học như những trẻ em bình thường khác. Điều tưởng chừng như giản đơn đó nhưng lại đang là nỗi khát khao của các cháu và những cán bộ ở làng Hữu Nghị. Bởi vì hơn ai hết, họ hiểu được rằng ngôi làng của mình cần có một sự hòa nhập với cộng đồng

Mai Phương
.
.
.