Nhân Quốc hội bàn về chất lượng giáo dục:

Xã hội hoá giáo dục bắt đầu từ đâu?

Thứ Ba, 16/11/2004, 05:58

Báo cáo chất lượng giáo dục của Chính phủ trình Quốc hội kỳ họp này khẳng định: Xã hội hóa giáo dục là giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục đào tạo nước nhà. Đây là một quá trình đầy khó khăn, nhất là khi sự bất bình đẳng giữa hệ thống trường công lập và ngoài công lập đang diễn ra phổ biến. CAND đã cuộc trò chuyện với 2 nhà giáo, nhà khoa học có uy tín về vấn đề này.

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Xã hội hóa giáo dục là cứu cánh đối với giáo dục đào tạo.

Chủ trương xã hội hoá giáo dục (XHHGD) được đặt ra từ những năm 80 của thế kỷ XX. Nhìn lại chặng đường dài từ đó đến nay, ông có thấy nó đang đạt được những kết quả khả quan?

- Tôi khẳng định chúng ta đang XHHGD một cách mạnh mẽ, dù phía trước khó khăn bộn bề. Bậc học mầm non có tới 60% trường học là dân lập, tư thục, bán công. 30% học sinh trung học đang theo học ở các trường ngoài công lập. Có khoảng 120.000 sinh viên (chiếm 12%) là sinh viên của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Nếu để Nhà nước đầu tư đào tạo số sinh viên đó với mức 8 triệu đồng/sinh viên/năm (như các trường công lập), thì sẽ tiêu tốn xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, hệ thống giáo dục ngoài công lập đỡ cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền không nhỏ. Hiện nay còn có 4.000  trung tâm học tập cộng đồng trên cả nước đang giúp nhân dân xóa mù chữ, dạy họ học tập về chính trị, pháp luật, văn hóa, dạy cả cách chăn nuôi trồng trọt...

- Ông luôn có nhiều sáng tạo để đưa XHHGD thực sự đi vào đời sống nhân dân, chứ không dừng ở việc hô hào vận động chung chung...

- Hiện nay, 1/3 dân số đi học, nguồn ngân sách Nhà nước lại có hạn, Nhà nước không thể bao cấp tất cả nên phải huy động nhiều nguồn lực tiềm ẩn trong nhân dân như vật chất, trí tuệ, tinh thần của nhân dân cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Nói cách khác, XHHGD đang là "cứu cánh" đối với giáo dục nước nhà. Tiếc rằng, có nhiều người rất thiển cận, cứ tưởng XHHGD là chỉ cần huy động tiền của nhân dân là đủ.

Chúng ta đang XHHGD mạnh mẽ, nhưng trước mắt cũng chỉ có khoảng 3 trong số khoảng 9 triệu trẻ em được đến trường mầm non; 5 - 6% dân số đang mù chữ hoặc tái mù; biết bao trẻ em lang thang cơ nhỡ chưa được đến trường tiểu học; 800.000 học sinh THPT trượt đại học chưa biết đi về đâu. Các trung tâm học tập cộng đồng đang hoạt động theo cơ chế "tự bơi", chưa được đầu tư, chưa có cơ chế hoạt động.

Hồi còn làm Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, có lần tôi xin được 100 triệu đồng định đầu tư cho Hải Phòng xây 2 lớp học. Như thế chỉ giải quyết được việc học và dạy cho 60 học sinh cùng 4 giáo viên. Bằng con đường XHHGD, tôi dùng 100 triệu đó để mở 130 lớp mẫu giáo mầm non gia đình, thu hút được 2.500 học sinh và giải quyết việc làm cho 150 giáo viên. Tôi đã cũng từng huy động học sinh của trường phổ thông dân tộc nội trú mang sách về địa phương xoá mù chữ cho bà con. Tác dụng của XHHGD rất lớn nếu biết sáng tạo, biết gần gũi nhân dân và phải có cái tâm.

- Xã hội nhìn chung vẫn còn phân biệt trường công lập và ngoài công lập. Những hạn chế, yếu kém của nhiều trường ngoài công lập hiện nay có phải là nguyên nhân?

- Tôi muốn mọi người nhìn nhận một cách công bằng, cảm thông với các trường ngoài công lập. Họ không được cấp đất để xây dựng, không được Nhà nước đầu tư để đào tạo giáo viên, không được liên kết với nước ngoài để đạo tạo, không được mở rộng đào tạo tại các địa phương, lại phải nộp thuế như một đơn vị kinh doanh. Nếu cơ chế chính sách không thay đổi, cứ "khoán trắng" cho các trường dân lập thì tôi e ngại đến năm 2010, khi 40% sinh viên học tại các trường ĐH, CĐ là trường ngoài công lập, tình hình sẽ càng lộn xộn, phức tạp, khó quản lý.

- Theo ông, để XHHGD phát triển sâu rộng, mạnh mẽ chúng ta nên bắt đầu thực hiện những giải pháp nào?

- Huy động vật lực, nhân lực, trí lực của nhân dân vào công cuộc này, giúp nhân dân hiểu trách nhiệm này không chỉ của Nhà nước, ngành Giáo dục mà còn của toàn dân. XHHGD có nghĩa là ta sẽ phải mở nhiều trường lớp, nhưng theo tôi phải có tiêu chí rõ ràng, đạt được tiêu chí đó mới cho phép mở trường. Hiện nay, phổ biến vẫn là cơ chế xin - cho, nảy sinh biết bao tiêu cực. Chúng ta phải chấm dứt ngay tình trạng làm ngược: Tuyển sinh đầu vào thì căng thẳng, gây áp lực thi cử nặng nề, tốn kém vô kể, nhưng đầu ra thì lỏng lẻo, sinh viên sau khi tốt nghiệp không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu. Hãy thay đổi bằng cách mở rộng đầu vào các cấp, bậc học, nhưng đầu ra phải được Nhà nước và ngành Giáo dục xiết chặt, giám sát chặt chẽ chất lượng. Không thể tất cả dàn hàng ngang mà tiến, mà nên phân tầng giáo dục, phân luồng học sinh, hướng tới xây dựng một xã hội học tập.--PageBreak--

GS Toán học, NGND Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT ĐHDL Thăng Long: Nhà nước cầm trịch quản lý; nhân dân chia sẻ gánh nặng giáo dục là lẽ đương nhiên.

Tại nhiều hội nghị giáo dục, bà luôn có những phân tích sắc sảo và tâm huyết về chủ trương XHHGD. Theo bà, khó khăn lớn nhất hiện nay có phải là đông đảo nhân dân vẫn chưa chịu thoát thai khỏi tư tưởng bao cấp nên chưa có ý thức để chia sẻ gánh nặng giáo dục?

- Vậy thì nhiệm vụ của chúng ta là phải giúp dân hiểu. Ngân sách Nhà nước có được từ thuế và tài nguyên. Tài nguyên của chúng ta phần lớn là dầu hỏa với số lượng khiêm tốn, thuế chỉ dựa vào ngành công nghiệp và dịch vụ nên ngân sách chẳng nhiều nhặn. Nhưng Nhà nước ta đã nỗ lực đầu tư 400USD/sinh viên/năm, trong khi GDP/người dân Việt Nam chỉ là 410 USD. Vì thế đầu tư cho giáo dục luôn là một bài toán khó đối với một đất nước chủ yếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp như Việt Nam. Việc người dân phải tham gia chia sẻ gánh nặng này là đương nhiên, mới hy vọng thúc đẩy giáo dục phát triển.

Bà là một trong những người tiên phong mở trường dân lập, đi đầu XHHGD ở bậc đại học. Có phải các trường ngoài công lập bị coi là trường loại 2, bị phân biệt, đối xử không công bằng?

- Hiện nay, học phí của các trường ngoài công lập dao động từ 2,8 - 4 triệu đồng/năm, nhưng họ phải trang trải tất cả: lương giáo viên và công nhân viên, trang thiết bị máy móc, thư viện, thuê đất đai, xây dựng trường sở. Kinh phí quá nhỏ nhoi nên có trường rất xập xệ, tồi tàn. Các trường dân lập phải thuê đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường công lập đến dạy, nên khó theo dõi sát sao sinh viên. Phải chăng vì thế mà sinh viên rất mặc cảm tự ti khi phải nói rằng mình học trường dân lập.

Có một điều tôi rất trăn trở là Nhà nước đã xếp các trường dân lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng họ lại phải đóng thuế như một loại dịch vụ. Giáo dục không phải là một dịch vụ kinh doanh, sao lại đi đánh thuế? Nếu trường dân lập nào ăn gian làm dối để có lãi thì trường đó phải chịu kỷ luật, chứ không phải vì có lãi mà lại phải nộp thuế.

Đã đến lúc phải kiểm định chất lượng của các trường dân lập, xác định những mặt còn yếu kém để khắc phục, sửa chữa. Theo bà, nên xây dựng những tiêu chí đánh giá như thế nào để đạt được thực chất và công bằng?

- Hãy bắt đầu từ ngân sách cho mỗi sinh viên; từ số sinh viên cho mỗi giáo viên; số thầy vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu; sự tuyển chọn sinh viên đầu vào; mở cửa hội nhập với quốc tế; và cuối cùng là công ăn việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nếu áp dụng 6 tiêu chuẩn đó vào các trường ngoài công lập, sẽ có được đánh giá thực chất về chất lượng đào tạo của các trường này.

- Nếu kiến nghị cho các trường ngoài công lập, bà sẽ nói gì?

- Đến năm 2010, Nhà nước phấn đấu đưa tỷ lệ sinh viên học tập tại các trường đại học ngoài công lập lên 40%, điều đó có thể làm được. Nhưng trước khi thực hiện mục tiêu đó, cần đánh giá chất lượng của các trường ngoài công lập một cách đúng đắn để hỗ trợ cho hệ thống này, chứ không nên chỉ cấp giấy phép rồi lại "thả nổi" như hiện nay thì con số 40% không mang ý nghĩa tích cực.

Điểm mấu chốt là Nhà nước phải "cầm trịch", nếu không hỗ trợ được nhiều về tài chính thì phải cho các trường một quy chế hợp lý. Các sinh viên học đại học ngoài công lập phải được hưởng quyền lợi như học công lập. Các quỹ học bổng dành cho sinh viên học trong hay ngoài nước cũng phải chia sẻ cho sinh viên ngoài công lập.

Công tác thanh tra về quản lý cũng như chương trình đào tạo phải được Bộ Giáo dục - Đào tạo làm thường xuyên, trường nào đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn phải công bố rõ ràng để người dân biết mà chọn lựa. Như vậy, XHHGD mới đạt được những kết quả thực chất, thuyết phục. Lịch sử phát triển của Đại học Harvard (Mỹ) bắt đầu với 1 giáo viên có học hàm giáo sư và 96 sinh viên. Vậy mà bây giờ, sau hơn 100 năm hoạt động, Harvard đã vươn lên là một trường đại học danh tiếng số 1 thế giới. Tôi muốn nói rằng, XHHGD không thể nôn nóng vội vàng, các trường ngoài công lập phải kiên trì, vượt khó khăn để khẳng định mình bằng chất lượng đào tạo

Thu Phương
.
.
.