Lễ Oóc - om - bóc và hội đua ghe ngo truyền thống

Thứ Năm, 18/11/2004, 20:10

Cứ vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer lại nô nức chuẩn bị lễ Oóc - om - bóc ( "lễ cúng trăng" hay "lễ đút cốm dẹp") để tỏ lòng biết ơn Mặt trăng - vị thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa và được mùa bội thu. Sau đó họ cùng nhau  về Sóc Trăng tham dự hội đua ghe ngo truyền thống.

Cùng với Tết Chol Chnam Thmay và lễ Dolta, Oóc-om-bóc là một trong 3 lễ tết quan trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer.

Đêm 14/10, khi ánh trăng vừa lên, mỗi gia đình bày một mâm lễ vật trước sân gồm trái cây, bánh gừng, thịt heo và trong đó không thể thiếu món cốm dẹp. Chủ nhà cầu khấn với tâm nguyện mong muốn được thần Mặt trăng che chở, phù hộ cho mùa màng bội thu, gia đình, phum sóc khỏe mạnh.

Khi cúng xong, người cao tuổi nhất trong gia đình lấy một nắm cốm dẹp đút vào miệng những đứa trẻ và hỏi về những mơ ước trong năm tới. Đồng bào Khmer tin rằng, lời ước muốn từ miệng đứa trẻ sẽ được thần Mặt trăng đón nhận.

Sau đó mọi người đổ về các ngôi chùa gần nhà để xem thả đèn gió, đèn nước, múa lămvong, hát rôlăm, dukê. Không chỉ có đồng bào Khmer mà cả cộng đồng cư dân Kinh, Chăm, Hoa đều hòa mình chung vui cùng lễ hội, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc. Nổi bật nhất trong lễ hội Oóc-om-bóc chính là cuộc đua ghe ngo.

Về Sóc Trăng coi đua ghe ngo

Hội đua ghe ngo được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân, để chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa mới. Trước kia, đua ghe ngo thường tổ chức tại Vàm Tho đoạn sông từ thị xã Sóc Trăng đến huyện Mỹ Xuyên. Hiện nay, đua ghe ngo được tổ chức tại sông Maspêrô (thị xã Sóc Trăng).

Ghe ngo thường làm bằng thân cây sao nguyên vẹn, khoét ruột, hình dáng như con thoi với chiều dài từ 22 đến 24m. Ghe được chia ra 20 tới 24 khoang với sức chứa 43 - 52 tay chèo. Người Khmer coi ghe ngo là vật quý, linh thiêng nên trước khi cho ghe xuống nước thì cả phum sóc và sư trụ trì nhà chùa phải lựa chọn những thanh niên khỏe mạnh để làm người chèo ghe, rồi cử một người có uy tín để giữ vai trò đầu ghe và cầm dầm lấy nhịp.

Năm nay, hội đua ghe ngo có 40 ghe nam thuộc các chùa của tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Hậu Giang tham gia đua tài. Đặc biệt, 10 đội đua ghe ngo nữ cũng có mặt. Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) lần đầu tiên tham gia, chính quyền đã hỗ trợ cho chùa Ba Kẹo đóng một ghe ngo mới trị giá 80 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 30 triệu.

Vào những ngày lễ hội diễn ra, các chiến sỹ Công an phải trực chiến 24/24h, nhất là những khu vui chơi, các con đường chính như sân vận động, khu bưu điện, các chùa lớn, đường Hai Bà Trưng, đường Nguyễn Chí Thanh... và hai bên bờ sông Mapsêrô nơi diễn ra cuộc đua ghe ngo, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con vui chơi lễ hội.

Ông Thạch Kim Sêng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Vào dịp lễ tết của đồng bào Khmer, cấp ủy, chính quyền các cấp đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo và cán bộ hưu trí". Để giúp các đội có kinh phí tham gia, tỉnh Sóc Trăng còn hỗ trợ mỗi ghe 500.000đ và giải thưởng cao cho từng thứ hạng.

Không chỉ có đua ghe ngo, Sở Thể dục thể thao, Sở Văn hóa - Thông tin còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác như: Bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, bi sắt, cờ ốc, thả đèn gió, hát lămvong, thi trang phục Khmer. Đây cũng là sự quan tâm, động viên cổ vũ của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer những năm gần đây

Nam Thơ
.
.
.