Cần có cách nhìn mới về người nhiễm HIV/AIDS

Thứ Hai, 15/11/2004, 01:20
Không hiểu biết đầy đủ về căn bệnh HIV/AIDS và không thực sự quan tâm đến nỗi đau của đồng loại, nên nhiều người vẫn còn lo lắng, sợ hãi, kỳ thị đối với người bệnh. Báo chí cũng góp phần vào sự kì thị, xa lánh đối với người có HIV/AIDS.

Tháng 2 /2002, khi đang sung sướng đón đứa con đầu lòng chào đời, chị Phạm Thị Huệ, ở phường Hạ Lý, TP. Hải Phòng được bệnh viện thông báo mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sau cái tin đó, mẹ con chị không được mượn quần áo của bệnh viện, gia đình phải nói khó mãi họ mới đồng ý... cho luôn bộ quần áo bệnh nhân. Khi vợ chồng chị về sống cùng bố mẹ chồng, thì tiệm may quần áo của chị và mẹ chồng cứ thưa dần khách. Quán cơm phở, giải khát vốn là kế sinh nhai của cả gia đình cũng ế ẩm đến mức phải đóng cửa.

Từ nỗi đau của mình, chị Huệ tự nguyện đứng ra vận động thành lập nhóm Hoa Phượng Đỏ và CLB Mẹ và vợ của những người nhiễm HIV phường Hạ Lý, Hải Phòng, sẵn sàng giúp đỡ người đã có và chưa có HIV/AIDS. Chị năng nổ tới các diễn đàn trong nước và quốc tế với bức thông điệp: "Sự kỳ thị không phải là thuốc chữa. Người bệnh chưa chết vì bệnh nhưng có thể chết vì kỳ thị". Với nghị lực vươn lên không mệt mỏi, người mẹ trẻ 25 tuổi này được Tạp chí Time bầu chọn là một trong số 20 người nhận danh hiệu Anh hùng châu Á.

Từ khi chị Huệ vinh dự có được danh hiệu đó, những người hàng xóm đã bớt lạnh nhạt, xa lánh vợ chồng chị. Tiệm may của gia đình dần có khách trở lại. Nhưng cậu con trai 4 tuổi của chị, dù may mắn không bị nhiễm HIV, vẫn đang phải gánh chịu thái độ kỳ thị ác nghiệt.

Khi anh chị đến đón con, thấy cháu ngồi riêng một góc, không có bạn nào chơi cùng. Có phụ huynh nằng nặc đòi chuyển con họ sang lớp khác. Anh chị mang giấy xét nghiệm HIV âm tính của cháu Hiếu cho các vị phụ huynh xem và mời họ xem diễn đàn HIV/AIDS trên truyền hình có cháu Hiếu tham gia. Nhưng hôm sau đến đón con, vẫn thấy cháu ngồi một góc tội nghiệp và đơn độc.

Các thành viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam quyên góp được 10 triệu đồng và kêu gọi mọi sự giúp đỡ để thành lập quỹ chăm nuôi cháu Hồ Minh Hiếu. Thế nhưng, cháu đâu chỉ cần cơm ăn nước uống để khôn lớn, mà còn rất cần được yêu thương và vui chơi  hòa đồng như tất cả những em bé khoẻ mạnh khác.

Đánh đồng HIV/AIDS với tệ nạn xã hội

Người có HIV/AIDS, dù vì bất cứ lý do gì, đều bị người thân, cộng đồng kỳ thị. Ngay cả những trường hợp hiếm hoi như chiến sỹ Công an, nhân viên y tế không may bị phơi nhiễm trong khi làm nhiệm vụ, cũng ít nhiều chịu sự quy chụp và nghi ngờ từ cộng đồng.

Sắp tới nên tháo dỡ những tấm biển, áp-phích cảnh báo có hình ảnh đầu lâu xương chéo rùng rợn, đồng thời với việc chỉ đạo họa sỹ vẽ lại toàn bộ biển báo phòng chống HIV/AIDS theo tinh thần giảm thiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

Chị N.P.P., ở CLB Hoa Sữa, Hà Nội có một người em trai bị AIDS điều trị tại nhà. Một lần tiêm thuốc cho em, chị lỡ làm kim tiêm đâm vào tay nên đã bị phơi nhiễm HIV. Từ đó, chị P. vẫn phải giấu biệt gia đình và cô con gái 16 tuổi chuyện mình bị bệnh.

Chị P. đã đi đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước giảng dạy kiến thức về HIV/AIDS cho những người cùng cảnh ngộ, giúp nhiều người có HIV nghiện ma túy cai nghiện. Chị cũng như nhiều người có HIV/AIDS khác đang làm việc có ích cho cộng đồng, nhưng họ vẫn thực sự sống đơn độc và đầy mặc cảm ngay giữa những người thân.

Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương vừa tổ chức cuộc tập huấn Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử có liên quan tới HIV/AIDS ở Việt Nam cho các cơ quan truyền thông. Tại đây, nhiều nhà báo và người làm tuyên truyền mới nhận ra mình cũng đang vô tình phân biệt đối xử với người bệnh do đánh đồng HIV/AIDS với tệ nạn xã hội.

Một số người viết báo còn nhầm lẫn giữa việc lên án những hành vi phạm pháp liên quan tới ma tuý và mại dâm với việc kỳ thị tất cả những người có HIV. Cần ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS, nhưng đôi khi, những bài báo đặc tả thân thể của người bị AIDS giai đoạn cuối và thái độ xa lánh quá mức đã cô lập người có HIV ngay trong cộng đồng, tước đi tương lai của người thân, con cái họ

Thanh Loan
.
.
.