Họp Ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi):

Giải quyết kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước

Thứ Tư, 25/02/2015, 14:57
Sáng 25/2, tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đã tổ chức buổi họp đóng góp ý kiến về dự án Luật. Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) chủ trì buổi họp. Tham dự có đại diện lãnh đạo Viện KSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan. 

Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 21 chương, 316 điều. So với Luật Tố tụng hành chính hiện hành, dự án Luật tăng thêm 51 điều, giữ nguyên 136 điều và sửa đổi, bổ sung 134 điều. Dự án Luật bổ sung các khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính để làm rõ và khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tiễn xét xử của Tòa án; bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 như: nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi họp Ban soạn thảo dự án Luật.

Về thẩm quyền của Tòa án, dự án Luật sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Tòa án cấp huyện theo hướng khiếu kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết loại khiếu kiện này.

Dự án Luật cũng bổ sung quy định mới về việc đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ, quyền đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét, thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đương sự có quyền đề nghị Tòa án tổ chức đối chất và tham gia đối chất với nhau hoặc với người làm chứng để giải quyết yêu cầu của các đương sự về tố tụng.

Ngoài ra, dự án Luật cũng bổ sung một số chương liên quan đến thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục đặc biệt xem xét lại quyêt định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Dự án Luật bổ sung ba chương mới gồm: phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; thủ tục phúc thẩm lần 2 và thủ tục rút gọn.    

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự án Luật, đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp để Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung vào dự án Luật cho hợp lý hơn. “Ban soạn thảo sẽ thận trọng nghiên cứu để Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến phải đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước cũng như quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và đối tượng liên quan” đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Nguyễn Hưng
.
.
.