Kray Sức - người nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Cô

Thứ Năm, 05/03/2015, 09:24
Với những nỗ lực của Kray Sức cùng nhiều nghệ nhân cao tuổi xã Tà Rụt (huyện Đakrông, Quảng Trị) đã thổi bùng lên “ngọn lửa” bảo tồn văn hóa vốn làm nên hồn cốt của dân tộc Pa Cô từng một thời có nguy cơ bị mai một…

Khi tôi ngỏ lời muốn cùng đi để tìm hiểu công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Cô, ông Kray Sức (51 tuổi, cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) cười và bảo: “Anh cứ đi thử một chuyến là khắc biết!”. Băng qua mấy ngọn đồi cao chót vót để vào thung lũng A Vương, tôi như rã rời cả thân xác mới theo kịp bước chân thoăn thoắt của Kray Sức...

Sau mấy chén rượu do chủ nhà - nghệ nhân Mai Hoa Sen đãi khách, tôi mới hay, chuyến đi này của Kray Sức tìm gặp nghệ nhân Mai Hoa Sen là để bổ sung, hoàn thành tài liệu tìm hiểu về các nghi thức của lễ hội Kăl Năng Mương (hoàn ân thổ thần) mà ông đang sưu tầm, ghi chép thành văn bản để bảo tồn, truyền lại cho thế hệ mai sau.

Kray Sức trong một lần xuống cơ sở.

Để tôi hiểu thêm các nghi thức trong lễ hội Kăl Năng Mương của đồng bào dân tộc Pa Kô, Kray Sức cho biết, ngoài các lễ hội tổ chức hàng năm cũng như vài năm một lần như lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa), lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả)… lễ hội Kăl Năng Mương vừa được tổ chức tại bản A Liêng, xã Tà Rụt (sau lần gần đây nhất được tổ chức cách đây 28 năm) để tạ ơn các thần liên quan đến đất đai bởi các thần đã che chở cho sự sống của loài người và muông thú, cỏ cây…

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu là lễ cúng tẩy uế, lễ vật gồm một con dê (được cột vào cây nêu dựng ở khu đất trống trung tâm của bản), gà luộc chín, rượu, tấm zeng, bát xôi, bát nước sạch, cây kiếm, củ kiệu nguyên lá… Ngoại trừ con dê, tất cả các lễ vật này đều được bỏ vào A Điên (mâm lễ) và đặt cạnh cây nêu. Tiếp theo, các trưởng họ trong hội đồng già làng quay về nhà mình rồi đứng trước bàn thờ tổ tiên để trình bày sự việc sắp diễn ra và cầm cây axec (chổi) quét khắp nhà, xung quanh nhà…

Khi công việc đã xong thì cầm cây axec tới đặt ở cây nêu để bắt đầu tiến hành lễ cúng. Vào lễ cúng, ông chủ cúng hô và đọc văn cúng đầu tiên rồi tất cả hội đồng già làng đồng thanh cúng theo với ý niệm là tẩy uế cho cả làng...

Kray Sức tâm sự: “Công việc ghi chép thành văn bản nghe có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi người sưu tầm phải kiên nhẫn và chịu khó. Kiên nhẫn lắng nghe già làng, trưởng bản kể rồi hình dung trình tự trước sau của từng phần nghi thức lễ hội để ghi chép. Chịu khó đến từng nhà già làng, trưởng bản bất kể ngày hay đêm chỉ để ghi chép một chi tiết mới trong nghi thức lễ hội mà họ chợt nhớ ra…”.

Ngoài việc ghi chép lại nghi thức lễ hội của đồng bào dân tộc Pa Cô, anh còn thường xuyên đến các bản làng trong xã gặp các nghệ nhân để sưu tầm, ghi chép các làn điệu dân ca Pa Cô. Với số vốn dân ca Pa Cô do anh dày công sưu tầm, ghi chép được, nay anh đã sáng tác, xây dựng nên nhiều kịch bản múa cồng chiêng, các tiểu phẩm lồng ghép dân ca Pa Cô. Điển hình như kịch bản múa cồng chiêng “Ngày hội đoàn kết”, “Hội mùa”; các tiểu phẩm “Tìm hiểu Nghị quyết 30a”, “Ba lần quên” tuyên truyền về an toàn giao thông…

“Bây giờ ước nguyện lớn nhất của tôi là làm sao để đồng bào dân tộc Pa Cô, nhất là học sinh bậc Tiểu học, THCS, THPT, không chỉ riêng xã Tà Rụt mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện Đakrông được học chữ viết Pa Cô-Tà Ôi. Đó cũng chính là lý do mà tôi viết đề án chỉ dẫn cho người Pa Cô đọc và viết ngôn ngữ của dân tộc mình”, Kray Sức trải lòng.

Được biết, hệ chữ viết theo kiểu Latinh hoá ở vùng dân tộc Pa Cô - Tà Ôi đã được Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ sáng chế dựa trên cách ghi âm của chữ Quốc ngữ nhằm dạy chữ và truyền tin cho đồng bào vùng giải phóng từ năm 1957. Năm 1983, Viện Ngôn ngữ học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã cử ông Nguyễn Văn Lợi vào huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế để cùng Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ hoàn chỉnh lại bộ chữ ông soạn làm hệ thống chữ chính thức cho người Pa Cô - Tà Ôi. Đến năm 1986 công trình được công bố với tên gọi "Sách học tiếng Pa Cô - Tà Ôi". Hiện tại, ở huyện A Lưới đã đưa sách học tiếng Pa Cô - Tà Ôi vào giảng dạy ở bậc học Tiểu học trở lên...

Trong 11 năm làm cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt, Kray Sức đã băng rừng, lội suối để sưu tầm, ghi chép, biên soạn 25 kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội, phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca dân tộc Pa Cô.

Ngoài ra, Kray Sức cùng với các nghệ nhân cao tuổi của xã Tà Rụt trực tiếp truyền dạy cho 39 học viên trẻ của các xã A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt đánh cồng chiêng, đàn Âmpreh, Ta Lư, thổi kèn cũng như hát các làn điệu dân ca Pa Cô. Chính những nỗ lực của Kray Sức cùng nhiều nghệ nhân cao tuổi xã Tà Rụt đã thổi bùng lên “ngọn lửa” bảo tồn văn hóa vốn làm nên hồn cốt của dân tộc Pa Cô từng một thời có nguy cơ bị mai một…

Phan Thanh Bình
.
.
.