Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền Thông:

Sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà xuất bản không đủ điều kiện

Thứ Ba, 23/12/2014, 08:19
Không phải đến bây giờ lĩnh vực xuất bản mới có vi phạm. Song mới đây chúng ta vừa hoàn chỉnh "hành lang pháp lý" với đủ cơ chế để xử lý, giống như "lưới được vá thì cá mới nổi”. Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã khẳng định như vậy khi chia sẻ với PV Báo CAND xung quanh việc Bộ TT&TT tăng cường rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh lại hoạt động xuất bản trong thời gian qua.

PV: Liên tiếp chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, hàng loạt vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xuất bản đã bị phát hiện và xử lý nghiêm, trong đó có NXB bị phạt hành chính hơn 200 triệu đồng, có NXB bị đề nghị ngừng hoạt động… Việc xử lý mạnh tay như vậy phải chăng là do pháp luật hiện hành đã có chế tài đủ mạnh, thưa ông?

Ông Chu Hòa: Trong hơn một tháng qua, tình hình vi phạm trong lĩnh vực xuất bản tiếp tục nóng. Số vụ vi phạm được phát hiện nhiều hơn, xử lý kiên quyết hơn, đúng nguyên tắc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT là xử lý kiên quyết, nghiêm khắc, và kịp thời. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, không phải bây giờ lĩnh vực xuất bản mới có vi phạm mà thực ra hành vi vi phạm đã có từ 20-30 năm nay. Song mới đây mới có hành lang pháp lý với đủ cơ chế để xử lý, giống như "lưới được vá thì cá mới nổi".

Luật mới quy định, khi xử lý sai phạm của NXB sẽ đồng thời xử phạt cả đối tác liên kết với mức phạt như nhau; với những đơn vị sai phạm không khắc phục sẽ kiên quyết tạm dừng hoạt động, không cho liên kết. Đặc biệt, Cục Xuất bản, In và Phát hành được quyền xử phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Từ năm 2014, Cục đã được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành xuất bản; thanh tra liên ngành của Bộ TT&TT cũng đã chuyển về thường trực tại Cục. Như vậy là "xe tăng, đại bác" đầy đủ, có thể tiến công vào các "pháo đài" cộm cán lâu nay trong thị trường xuất bản.

PV: Hầu hết các sai phạm trong hoạt động xuất bản thời gian qua là do lỗ hổng liên kết, khi NXB phó mặc cho đối tác toàn quyền "định đoạt" xuất bản phẩm từ khâu biên tập, in, phát hành. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, Bộ TT&TT sẽ làm gì để bịt những lỗ hổng này bằng chính sách?

Ông Chu Hòa: Không phải đến bây giờ mà hơn chục năm qua đã tồn tại hoạt động liên kết xuất bản. Phải khẳng định đóng góp của các thành phần liên kết là rất lớn trong việc tạo ra bức tranh phong phú cho ngành. Trong khi nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Nhà nước không quá 100 tỷ đồng/năm, làm sao chúng ta có được 300 triệu bản sách? Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn, các NXB không tự đứng vững trên đôi chân của mình dẫn đến phải làm "dịch vụ" cho tư nhân. Do đó sự chi phối của đối tác trong hoạt động liên kết cũng là điều khó tránh.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ý thức, trách nhiệm của các NXB trong quá trình thực hiện, cụ thể là của giám đốc, tổng biên tập, những người ra quyết định xuất bản và phát hành, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung sách, về thời điểm và số lượng phát hành. Trước kia thường là đối tác "ăn quả", NXB "đổ vỏ", Cục Xuất bản, In và Phát hành được ít quyền hoặc xử lý còn giơ cao đánh khẽ. Từ nay, do pháp luật đã quy định rõ, khi xảy ra sai phạm sẽ xử lý cả NXB và đối tác liên kết như nhau nên chúng tôi có cơ sở để xử lý mạnh tay hơn.

PV: Việc sắp xếp, tổ chức, quy hoạch lại các NXB sẽ được tiến hành như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành.

Ông Chu Hòa: Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tham mưu cho Bộ TT&TT đề xuất Chính phủ và Quốc hội thông qua một số vấn đề nhằm kiện toàn lại các NXB. Cụ thể như, quy định mỗi tỉnh có không quá một NXB, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các NXB tự điều tiết hoạt động theo cơ chế thị trường, mỗi NXB chỉ bảo đảm một nhiệm vụ cụ thể. Với các đơn vị chỉ thành lập NXB rồi hoạt động chủ yếu bằng cách liên kết bán giấy phép hoặc không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa.

Riêng đối với 12 NXB chưa có giám đốc, Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu phải hoàn tất công tác bổ nhiệm cán bộ trước ngày 31/3/2014. Sắp tới Cục cũng sẽ họp, xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các NXB trước khi tiến hành đổi giấy phép theo Luật mới; xem xét lại điều kiện, tiêu chuẩn các NXB về mặt bằng, cơ sở vật chất, vốn, đội ngũ biên tập viên, việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; thông qua chương trình đặt hàng của Nhà nước và xây dựng Quỹ hỗ trợ xuất bản.

PV: Một trong những vấn nạn nhức nhối trong lĩnh vực xuất bản nhiều năm nay là in lậu. Theo ông, sự phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này đã đồng bộ chưa? Chiến lược“tấn công” vào “pháo đài” này sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Chu Hòa: Thời gian vừa qua, nạn in lậu, in nối bản trái phép khá phổ biến với quy mô, tính chất ngày càng rộng và phức tạp, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, xâm hại nghiêm trọng quyền tác giả, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với các NXB và những người làm xuất bản chân chính. Trong khi đó, công tác chống in lậu lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành từ Xuất bản, Công an, Hải quan… Nhận thấy đây là một lĩnh vực còn nhiều khó khăn, phức tạp, từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ TT&TT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống in lậu cho gần 200 đại biểu là lãnh đạo và thành viên các đội liên ngành phòng, chống in lậu tại 63 tỉnh, thành cả nước. Đồng thời yêu cầu Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương tăng cường phối hợp với đội liên ngành phòng, chống in lậu tại địa phương và các bộ, ngành liên quan. Việc phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra, đặc biệt là với lực lượng Công an được thực hiện khá nhịp nhàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tăng cường hiệu quả cho công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực xuất bản.

Điển hình là hiện trạng có những tổ chức "len lỏi" vào các khu vực do cơ quan Công an, Quân đội quản lý để in lậu, làm sách lậu. Các đơn vị thanh, kiểm tra không thể vào kiểm tra đột xuất, đến khi được vào thì dấu vết vi phạm đã không còn. Do đó, Cục đang đề nghị lãnh đạo Bộ TT&TT cho ý kiến về kế hoạch xây dựng thông tư liên Bộ hoặc có cuộc làm việc cụ thể với hai lực lượng Công an, Quân đội để thống nhất chủ trương về việc các cơ quan Công an, Quân đội không cho phép những đơn vị làm sách, phát hành sách tư nhân cũng như in tư nhân nằm trong khu vực do mình quản lý.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!

Huyền Thanh
.
.
.