Quốc hội có nên ban hành nghị quyết riêng về giáo dục?

Thứ Ba, 16/11/2004, 19:36
Hơn 40 đại biểu đăng ký phát biểu, 3 đại biểu chất vấn tại chỗ sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đọc Báo cáo về tình hình giáo dục. Điều này cho thấy, giáo dục đang là vấn đề bức xúc không chỉ của riêng các đại biểu Quốc hội mà của cử tri cả nước.

Trong mối tương quan giữa các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo, yếu tố quan trọng trực tiếp hàng đầu là đội ngũ giáo viên. Theo vị đại diện của ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên phổ thông của nước ta hiện nay ở trong tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu giáo viên THPT, THCS ở các vùng khó khăn, thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, công nghệ tin học... và thiếu cả những cán bộ về thiết bị, hướng dẫn thực hành, phụ trách thư viện.

Hiện nay, cả nước thiếu khoảng 8 vạn giáo viên phổ thông và nếu chỉ riêng cấp học này chuyển sang học 2 buổi/ngày để đáp ứng yêu cầu đào tạo, quản lý và giảm tải cho học sinh thì con số thiếu hụt sẽ tăng lên 17 vạn. Một bộ phận giáo viên còn thiếu gương mẫu, sa sút về đạo đức, nghề nghiệp. Mặt khác, bệnh thành tích còn quá nặng nề ở hầu hết các cấp học khiến giáo viên bị áp đặt trong mọi tư duy thực hiện.

Bức xúc về chất lượng giáo viên, đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) đặt vấn đề phải làm sao xây dựng được một đội ngũ thầy, cô giáo có trình độ chuyên môn cao, cơ bản là phải có phẩm chất đạo đức tốt, có đầy đủ tư cách của một người thầy khiến cho học sinh phải kính trọng, noi theo, "như trước đây chúng ta đã kính trọng các thầy, cô giáo của chúng ta vậy" - ông Dũng nhấn mạnh.

Đổi mới giáo dục: Phải có tầm nhìn

"Ngành giáo dục phải lấy làm mừng vì đâu đâu người dân cũng quan tâm đến giáo dục. Người dân có quan tâm thì mới bức xúc, mới lo nền giáo dục của mình chưa theo kịp được thiên hạ. Lãnh đạo ngành giáo dục không nên tự ái. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào thực tế, công nhận những yếu kém của mình để vươn tới những sự chuyển biến tích cực hơn" - đại biểu Trần Thanh Khiêm (Cà Mau) dẫn chứng - "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Nhận xét về 6 nhiệm vụ trọng tâm, 35 giải pháp được đưa ra trong Báo cáo về tình hình giáo dục của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan cho rằng đã khá đầy đủ, song cần phải bổ sung những vấn đề về xây dựng chiến lược giáo dục, đầu tư cho giáo dục đại học để nhanh chóng tiếp cận với giáo dục đại học thế giới; cụ thể hơn trong điều chỉnh phương án phân ban trung học phổ thông; về chính sách cử tuyển đào tạo đại học; đào tạo nguồn lực phục vụ xuất khẩu lao động và đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Theo bà Tâm Đan, giáo dục là ngành đào tạo con người, không như kinh tế để xây dựng chiến lược trong ngắn hạn. Một thay đổi trong giáo dục hiện tại có thể gây ảnh hưởng tới cả một thế hệ mai sau. Bởi thế giáo dục là phải dự báo được tương lai xa hơn kinh tế, phải đi trước và cần phải đón đầu sự phát triển kinh tế - xã hội để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai.

Kết thúc ngày làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được điều khiển phiên họp đề nghị sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội việc có hay không một Nghị quyết riêng về giáo dục cho năm 2005. Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đề nghị Quốc hội nên có một nghị quyết riêng về giáo dục tại kỳ họp này

Việt Anh
.
.
.