Hà Nội:

Mở cửa cho xe buýt tư nhân nhưng không khoán trắng

Thứ Ba, 16/11/2004, 21:55
"Hà Nội đã có nhiều bài học về thả lỏng khoán doanh thu. Phương thức đấu thầu mới sẽ  tránh được tình trạng tranh tuyến, chèn đường, bỏ điểm dừng…", ông Ngô Văn Cầu - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định.

Ngày 13/11, những doanh nghiệp tham gia đấu thầu các tuyến xe buýt mới trên địa bàn Hà Nội đã cùng đi tham quan, khảo sát trên 6 tuyến đơn vị mình sẽ tham gia bỏ thầu. Theo quy chế đấu thầu của thành phố Hà Nội, 6 tuyến trên đều là những tuyến mới mở theo quy hoạch tổng thể.

Các doanh nghiệp tham gia dự thầu phải có đủ các điều kiện: Xe sử dụng chưa quá 5 năm tính từ ngày sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Khi tham gia vận tải hành khách công cộng, các doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp dịch vụ xe buýt tiêu chuẩn theo các chỉ tiêu đặt hàng về số lượng, chất lượng. Doanh nghiệp cũng phải tuân theo các quy định bắt buộc trong vận hành xe buýt như công khai giá vé, lộ trình tuyến cho hành khách và thực hiện thanh quyết toán theo cơ chế tài chính hiện hành.

6 tuyến xe buýt mới bao gồm tuyến 41 (Nghi Tàm - Bến xe Giáp Bát), tuyến 42 (Kim Ngưu - Đức Giang), tuyến 43 (Ga Hà Nội - Thị trấn Đông Anh), tuyến 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình), tuyến 45 (Trần Khánh Dư - Đông Ngạc) và tuyến 46 (Mỹ Đình - Cổ Loa).

Câu chuyện đấu thầu xe buýt đang là tâm điểm chú ý không chỉ đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, mà còn là sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội. Theo ông Cầu, Hà Nội đã có bài học về việc khoán doanh thu. Chỉ mới cách đây vài năm, người dân Hà Nội đã tẩy chay xe buýt vì tình trạng chạy ẩu, xe dừng tùy tiện để  tranh khách.

Giải quyết tình trạng này, thành phố chấp nhận bù lỗ, nâng lương cho lái xe và nhân viên. Năm 2003, thành đã bù lỗ cho xe buýt hơn 70 tỷ đồng và số tiền bù lỗ cho năm 2004 là gần 100 tỷ đồng. Xe buýt là phương tiện của đại đa số người dân có thu nhập thấp nên giá vé phải hài hoà giữa 3 yếu tố: Lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước.

Xe buýt góp phần hạn chế tình trạng tắc đường.       Ảnh: Nguyễn Duy.

Đấu thầu tuyến xe buýt: Tư nhân hỗ trợ Nhà nước

Trở lại việc đấu thầu, các doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, sử dụng miễn phí hệ thống hạ tầng cơ sở của tuyến xe buýt, được xem xét cho thuê đất với giá ưu đãi…

Hoàn thành việc đấu thầu 6 tuyến xe buýt mới, số lượng xe buýt của Hà Nội sẽ tăng thêm 70 chiếc, san sẻ số tiền đầu tư xe mới cho Nhà nước khoảng 490 tỷ đồng. Như vậy, thay vì vừa phải đầu tư phương tiện vừa trợ giá, thành phố Hà Nội sẽ chỉ phải trợ giá cho xe buýt. Đây là sự kết hợp hài hoà giữa 3 lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, hầu hết các "nhà thầu" đều băn khoăn về thời gian hợp đồng sau khi trúng thầu. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải hành khách Đông Anh cho rằng, thời gian hợp đồng 3 năm là quá ngắn (trong khi khấu hao của một chiếc xe mới là 8 năm). Hết thời gian hợp đồng 3 năm, nếu muốn khai thác tiếp, doanh nghiệp sẽ phải đấu thầu lại hoặc phải qua sự thẩm định, đánh giá… 

Hiện tại, có 7 doanh nghiệp đăng ký tham gia phiên đấu thầu dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 10/12. Các doanh nghiệp này đều là các công ty cổ phần và tư nhân. Điều này cho thấy,  doanh nghiệp Nhà nước dường như vẫn mang nặng sức ì, chưa dám đương đầu với những thử thách mới và thiếu tính nhạy cảm

Ngọc Yến
.
.
.