Vụ tàu Cần Giờ bị bắt tại Tanzania:

Toà án Tối cao Tanzania vi phạm luật pháp quốc tế

Thứ Ba, 16/11/2004, 19:42
Từ vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp Việt Nam, một doanh nghiệp Tazania đã kiện Chính phủ Việt Nam ra Toà. Trong một lần cập cảng Dar Es Salaam, tàu biển Cần Giờ (không liên quan đến vụ kiện) và 12 thủy thủ đã bị Toà án Tối cao nước này ra lệnh bắt giữ. Vụ việc này đang gây bất bình trong dư luận Việt

Theo báo cáo của Liên doanh Vận tải thuỷ Sài Gòn thì ngày 27/7/2004, trong khi đang cập cảng tại Dar Es Salaam (Tanzania), tàu Cần Giờ đã bị Tòa án Tối cao nước này ra lệnh bắt giữ mà không hề nêu rõ lý do. Đại lý của chủ sở hữu tàu Cần Giờ tại đây đã tìm hiểu được biết, việc bắt giữ tàu Cần Giờ được Tòa án nước này thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn là Doanh nghiệp Mohamed Enterprises (T) LTD. Doanh nghiệp này vào năm 1999 có thực hiện một thương vụ với một doanh nghiệp Việt Nam, đó là mua lô hàng  6.000 tấn gạo của Công ty TNHH Thanh Hòa.

Bộ GT-VT Việt Nam cho rằng, Hợp đồng mua bán gạo tại Việt Nam đã được hai bên tham gia hợp đồng là Công ty TNHH ký kết và thực hiện theo các điều khoản quy định. Trong trường hợp có tranh chấp, khiếu nại sẽ được đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để giải quyết và đây sẽ là nơi giải quyết cuối cùng.

Tàu Cần Giờ có hô hiệu (tên) HYZU 9, với tổng dung tích 1510GT thuộc sở hữu của chủ tàu SEA SAIGON SHIPPING LTD và là tài sản chung của liên doanh giữa Công ty Vận tải biển Sài Gòn và Công ty Fabricius A/S Đan Mạch. tàu Cần Giờ là loại tàu chở hàng khô, được đóng năm 1984 tại Đan Mạch, đăng ký tạm thời mang quốc tịch Honduras.

Việc thực hiện hợp đồng mua bán gạo nói trên là do hai bên doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, Chính phủ Việt Nam không hề gây sức ép trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng nên việc thuê tàu nào, tình trạng ra sao… để vận chuyển gạo từ Việt Nam sang Tanzania là do các bên trong hợp đồng tự quyết định. Việc xác minh lai lịch con tàu cũng là trách nhiệm của người thuê tàu hoặc người được người thuê tàu ủy quyền, Chính phủ Việt Nam không hề can thiệp nên khi có trục trặc trong việc vận chuyển không thể "đổ lỗi" cho Chính phủ Việt Nam được!

Một vấn đề quan trọng khác cũng cần nói ở đây là việc Tòa án Tanzania bắt giữ tàu Cần Giờ là tài sản của 2 doanh nghiệp liên doanh thuộc hai quốc gia là một việc làm không chỉ trái pháp luật quốc tế, đi ngược lại tập quán hàng hải quốc tế mà còn trái với cả luật pháp của chính Tanzania.

Cho đến nay, Tòa án Tối cao Tanzania bắt giữ con tàu trong suốt một thời gian dài đã qua 5 phiên tòa xét xử, song chưa hề đưa ra được bằng chứng là tàu Cần Giờ là tài sản của Chính phủ Việt Nam…

Chiều 12/11, chúng tôi đã làm việc với Văn phòng Interpol Việt Nam (Interpol VN). Từ năm 1999, Văn phòng đã tham gia giải quyết vụ 6.000 tấn gạo do Công ty TNHH Thanh Hòa (Tiền Giang) bán cho Công ty Mohamed Enterprises (T) LTD (Tanzania) (“nguyên nhân” của lệnh bắt giữ tàu Cần Giờ).--PageBreak--

Qua xem xét hồ sơ, Interpol VN xác định đây là hợp đồng đúng chủng loại và địa điểm giao hàng nhưng vì chủ hàng thuê tàu có lai lịch không rõ ràng nên sau khi bốc hàng xong, con tàu này chở 6.000 tấn gạo ra đến phao số 0… biến mất. Lỗi này hoàn toàn không thuộc về công ty bán hàng cũng như không liên quan gì đến Chính phủ Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ mất 6.000 tấn gạo này, Interpol VN đã thông báo cho Interpol quốc tế, cảnh sát quốc gia Tanzania, đồng thời tổ chức truy tìm nhưng chưa có kết quả. Interpol VN cũng cho hay, theo thông báo của Interpol quốc tế thì trong 3 năm gần đây, tại vùng biển Ma-lắc-ca đến biển Đông Việt Nam đã bị mất khoảng 200 con tàu. Vụ mất 6.000 tấn gạo này do lỗi của bên mua là chính. Vụ việc này cho đến nay Interpol VN vẫn đang tiếp tục theo dõi.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán tại Tanzania có công hàm đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nước này giải phóng ngay tàu Cần Giờ, đảm bảo an toàn tính mạng của toàn bộ thuyền viên và tài sản trên tầu. Theo luật pháp quốc tế, Chính phủ một quốc gia không chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của các công ty thuộc quốc gia đó.

Việc Tòa án Tối cao Tanzania chấp nhận yêu sách của nguyên đơn coi Chính phủ Việt Nam là một bị đơn trong vụ tranh chấp thương mại nói trên và bắt giữ tàu Cần Giờ của một công ty khác không liên quan đến vụ tranh chấp là không phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Interpol VN cho biết, với chức năng của mình, sẽ sớm liên lạc với cảnh sát quốc gia Tanzania để phối hợp giải quyết, đặc biệt là việc giữ 12 thuyền viên trên tàu Cần Giờ là việc làm vi phạm pháp luật quốc tế. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay doanh nghiệp liên doanh Việt Nam có tàu Cần Giờ cùng thủy thủ đoàn bị bắt giữ đang xúc tiến việc khởi kiện Công ty Mohamed Enterprises (T) LTD ra một tòa án thương mại của nước này về việc vô lý nói trên

Chí Long - Đào Minh
.
.
.