Việt Nam – châu Phi trong vòng tay bè bạn

Thứ Ba, 16/11/2004, 21:06

Trước ngày tháp tùng Thủ tướng thăm chính thức 3 nước châu Phi, qua tài liệu của các bạn đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, không phải những năm gần đây quan hệ Việt Nam với các nước châu Phi mới trở nên nồng thắm, mà từ rất lâu rồi quan hệ máu thịt giữa nhân dân ta với các nước thuộc châu lục này đã được xác lập.

Đó là mối quan hệ giữa những người anh em cùng cảnh ngộ và được Bác Hồ kính yêu của chúng ta đặt nền móng từ những năm đầu của thế kỷ XX.

Ngày ấy, sau khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã làm cuộc hành trình qua nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Phi.

Thời điểm mà Nguyễn Tất Thành đặt chân đến châu lục này là vào cuối năm 1912. Sống và làm việc ở đây trong thời gian không dài, nhưng Nguyễn Tất Thành đã được tận mắt chứng kiến "sự khai hoá của chủ nghĩa thực dân". Và cũng như ở quê hương anh, người dân nơi đây cũng sống trong cảnh cùng cực. Ở bất cứ đâu, Algeria, Morocco, Tunisia, Benin hay Guinea, Congo… anh đều được chứng kiến những bất công, tàn nhẫn do chế độ thực dân gây ra. Có lúc anh đã bật khóc khi thấy bọn thực dân đàn áp dã man những người dân vô tội.

Trong thời gian ở châu Phi, Nguyễn Tất Thành là một trong những thành viên sáng lập "Hiệp hội liên hiệp thuộc địa". Những ngày hoạt động ở tổ chức này, hình ảnh người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với những người bạn châu Phi. Đó cũng là tình cảm của những người bị áp bức và cùng chung ý nguyện đấu tranh thoát khỏi đời nô lệ.

Ít lâu sau, trước khi tạm biệt các bạn châu Phi, Người  đã gửi lại một bức thư với những lời lẽ cảm động: "Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ, sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta. Các bạn thân mến! Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn. Các bạn tha lỗi cho tôi không được hôn các bạn trước khi đi".

40 năm sau khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, trong diễn văn chào mừng Tổng thống Guinea tại Hà Nội, ngày 15/9/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại kỷ niệm về những ngày mà Người hoạt động ở châu Phi, gói gọn bởi hai câu thơ:

"Thật là, bây giờ mới gặp nhau đây
Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên".

Với Bác, những đau khổ, lầm than của những người anh em châu Phi cũng chính là nỗi đau của các dân tộc thuộc địa và dân tộc mình. Và Người lại viết: "Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thành nỗi đau khổ của tôi".

Nghèo vật chất, nhưng thắm tình anh em

50 năm trước, Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam chấm dứt sự cai trị của chủ nghĩa thực dân mới đã là nguồn cổ vũ lớn lao đối với những người bạn châu Phi trong chiến hào vùng lên chiến đấu giành độc lập cho dân tộc mình.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người mà cách đây hơn 30 năm, với tư cách là người đại diện cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã từng đặt chân đến nhiều nước châu Phi để tranh thủ sự giúp đỡ của bạn.

Ngày ấy, bà đi bất cứ đâu cũng được các bạn châu Phi đón tiếp trọng thị và nồng thắm, đặc biệt là các nước từng là thuộc địa của Pháp. Chính những người con ở đất nước này trước đó đã bị thực dân bắt lính và đưa sang Việt Nam. Nhưng khi tới nơi, nhiều người đã nhận ra rằng, cuộc chiến tranh ở Việt Nam do thực dân Pháp gây ra là phi nghĩa nên nhiều người trong số họ đã giác ngộ và đào ngũ tìm đường trở về với quân đội cách mạng Việt Nam, cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu chống quân xâm lược. Đối với họ, Việt Nam chính là một bài học lớn, là một sự thức tỉnh nhân loại. Vì lẽ đó, các dân tộc châu Phi phải đoàn kết với Việt Nam và ủng hộ nhiệt thành nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Bước vào thời kỳ mới, cũng như ở Việt Nam, các nước châu Phi đang từng bước xây dựng một nền kinh tế độc lập và phát triển. Và thêm một lần nữa, hình ảnh Việt Nam lại được các bạn châu Phi nhắc đến như một hình mẫu thành công của công cuộc đổi mới.

Chứng kiến những đổi thay kỳ diệu ở Việt Nam, một nước mà cách đây chưa lâu, hàng năm vẫn phải nhập khẩu lương thực, vậy mà đã vươn lên trở thành một quốc gia xuất khẩu lương thực đứng thứ 2 thế giới, các bạn châu Phi bày tỏ sự khâm phục và mong muốn học hỏi các kinh nghiệm của Việt Nam. Trên tinh thần đó, những sáng kiến hợp tác kinh doanh giữa 2 bên đã được đề xuất, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, tiếp đến là y tế, giáo dục, kinh doanh và thương mại. Nhiều nhà lãnh đạo các nước châu Phi và Việt Nam cho rằng, Việt Nam và các quốc gia châu Phi có nhiều điểm tương đồng, trong đó sự tin cậy về chính trị là điểm tựa chắc chắn cho sự hợp tác.

Mặt khác, Việt Nam và các quốc gia châu Phi còn gặp nhau trên các diễn đàn như LHQ, phong trào không liên kết, cộng đồng Pháp ngữ, quan hệ đoàn kết Nam - Nam. Đó là những cơ sở rất quan trọng để củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên ngày một phát triển đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, như Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn "Việt Nam - châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển" được tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu đã khẳng định lại rằng: "Trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn. Hầu hết các nước chúng ta còn đang trong giai đoạn phát triển thấp, thiếu vốn và công nghệ. Khả năng bổ sung cho nhau giữa các nền kinh tế của chúng ta còn rất thấp trên nhiều phương diện. Nhưng tôi tin rằng, với hướng đi mới, tìm ra cách làm mới để phát triển quan hệ mọi mặt, nhất là về kinh tế, thương mại, đặc biệt thông qua hợp tác chặt chẽ và dành cho nhau những điều kiện ưu đãi, thường xuyên trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc... quan hệ máu thịt giữa Việt Nam -  châu Phi sẽ đơm hoa kết trái"

.
.