Nigeria: Chiến lược gây hỗn loạn của nhóm khủng bố Boko Haram

Thứ Ba, 27/05/2014, 21:15

Ngày 5/5 vừa qua nhóm Boko Haram đã nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc hơn 200 nữ sinh và tuyên bố sẽ bán họ như nô lệ. Trước đó, Tổng thống Nigeria đã yêu cầu sự trợ giúp của Mỹ trong việc áp chế nhóm khủng bố mà quân đội nước này đã tỏ ra bất lực.

Con số khiến người ta lạnh mình: 1.500 người chết do các vụ tấn công từ đầu năm của nhóm Boko Haram. Và nhóm này vừa tiến thêm một bước nữa khiến dư luận kinh hoàng. Thủ lĩnh nhóm Boko Haram đã nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc hơn 200 nữ sinh tại một trường học ở Chibok bang Borno ngày 14/4 và có ý định bán họ hay gả cho các phiến quân. Vụ bắt cóc này là chưa từng có từ khi Boko Haram nổi dậy vào năm 2009. Đến ngày 6/5, chúng lại bắt thêm 8 nữ sinh nữa tại làng Warabe.

"Chúng đi từ nhà này sang nhà khác để lùng tìm các cô gái. Chúng đã bắt đi 8 nữ sinh từ 12 đến 15 tuổi" - anh  Abdullahi Sani kể lại. Anh cũng cho biết, nhóm khủng bố không giết ai cả, điều khiến anh rất ngạc nhiên và cho rằng bắt cóc nữ sinh là mục đích của chúng. Sau đó chúng đã phóng hỏa đốt một phần ngôi làng. Người dân cho rằng quân đội đã không hề có động thái trợ giúp trong và sau khi xảy ra vụ tấn công.

Trước sự bất lực của lực lượng an ninh Nigeria, Tổng thống Goodluck Jonathan đã kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ để "giải quyết các vấn đề an ninh nghiêm trọng của Nigeria" và sự hợp tác của các nước láng giềng. Tổng thống cũng triệu tập cuộc họp các chỉ huy an ninh và quân sự, những quan chức cao cấp, thống đốc và chỉ huy cảnh sát bang Borno cùng hiệu trưởng Trường Chibok. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Tổng thống và những nhân vật trực tiếp liên quan sau gần… 3 tuần xảy ra vụ bắt cóc.

Tổng thống G.Jonathan đang chịu áp lực từ phụ huynh các nữ sinh bị bắt cóc. Từ hôm 3/5, họ đã yêu cầu chính quyền nhờ đến sự trợ giúp quốc tế để giải thoát cho các nạn nhân. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Abuja để lên án sự án binh bất động của cơ quan an ninh nước này.

Thủ lĩnh Abubabar Shekau (giữa) của Boko Haram.

Boko Haram có nghĩa là "Giáo dục phương Tây là một tội lỗi" theo thổ ngữ Haoussa. Ra đời năm 2002 tại vùng đông bắc Nigeria, nhóm Hồi giáo khủng bố này trở nên hung hãn từ năm 2009 sau khi thủ lĩnh Mohammed Yusuf bị tiêu diệt và có nhiều cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Nigeria. Boko Haram rút vào hoạt động kín để trả thù và chiến đấu để áp đặt luật Hồi giáo charia. Sự đàn áp bừa bãi của chính quyền đã củng cố thêm sức mạnh cho nhóm này. Tên gọi Boko Haram bao gồm nhiều nhóm khủng bố ô hợp. "Có nhiều băng nhóm tội phạm ẩn sau danh xưng đó" - một giáo sư đại học cho biết.

Những năm gần đây, các mục tiêu của Boko Haram đã thay đổi. Lúc đầu nhóm này muốn thành lập một chính phủ Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria, và các cuộc tấn công chủ yếu nhắm vào vùng đông bắc và vào những người Hồi giáo mà chúng xem là “Hồi giáo xấu”. Nhưng giờ đây, dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Abubakar Shekau, nhóm này đã lôi cuốn sự chú ý của Chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế từ vụ khủng bố tự sát ngày 26/8/2011 nhắm vào trụ sở  Liên Hiệp Quốc ở Abuja.

"Hiện nay dường như chúng lại muốn gây mất ổn định tại Nigeria và đối đầu với chính quyền trung ương" - nhà nghiên cứu Gilles Yabi giải thích. Hai vụ khủng bố tại bến xe khách ở ngoại ô Abuja chỉ cách nhau 3 tuần làm chết 90 người và vụ bắt cóc mới đây đã gợi nhớ lại mối đe dọa Boko Haram trên khắp đất nước.

Sự bành trướng của Boko Haram dựa vào sự tắc trách của Chính phủ Nigeria. Là đất nước đông dân nhất châu Phi với hơn 168 triệu người, Nigeria bị xói mòn bởi nạn nghèo đói và tha hóa trong khi đất nước này lại là quốc gia xuất khẩu dầu hỏa hàng đầu tại lục địa đen. Một nửa dân số Nigeria sống với chưa đến 2 đôla mỗi ngày và tỉ lệ người mù chữ chiếm gần 50%. Lợi dụng sự bất mãn của người miền Bắc đối với người miền Nam sung túc hơn, Boko Haram đã tuyển mộ và thu phục được sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo.

"Chính phủ hoàn toàn không có một chính sách công để có thể ngăn cản nhóm Boko Haram tuyển mộ trong dân chúng" - nhà nghiên cứu Gilles Yabi cho biết.

Song song đó, quân đội lại ngày càng hung hăng, gia tăng bạo lực lên người dân ở miền Bắc đất nước từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố cách đây một năm. Tại vùng nông thôn, quân đội đã thực hiện nhiều vụ tàn sát, oanh kích làng mạc không phân biệt. Do đàn áp bừa bãi nên quân đội đã làm mất lòng dân: nhiều người không còn tố giác bọn Boko Haram với chính quyền, thậm chí còn gia nhập hàng ngũ băng nhóm này.

Quân đội còn lập ra các đội dân quân địa phương để làm nhiệm vụ chỉ điểm. Để phản ứng lại, Boko Haram bèn tiêu diệt nhiều làng mạc bị nghi ngờ là hợp tác với lực lượng an ninh. Chúng đã tàn sát hàng loạt tại các địa phương miền Bắc trong những tháng gần đây. Bất chấp phương tiện tài chính dồi dào, các lực lượng an ninh tha hóa không thể chấm dứt vòng xoáy bạo lực đó. Ngân sách của quân đội đã tăng bằng 1/4 chi tiêu của quốc gia. Thế nhưng những món tiền kếch xù đó vẫn nằm tại thủ đô Abuja, trong tay các quan chức tham nhũng.

Chính phủ Mỹ đã đề nghị sẽ phái một nhóm chuyên gia sang Nigeria để tìm kiếm các nữ sinh bị bắt cóc. Nhưng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chi tiết của chiến dịch còn cần được xác định. Mỹ cũng dự định thành lập một nhóm điều phối tại Đại sứ quán Mỹ ở Abuja.

Nhà chức trách Tchad và Cameroon khẳng định rằng: Họ kiểm soát chặt chẽ biên giới và các nữ sinh không có trên lãnh thổ của họ. Có thể các nạn nhân đang ở trong trại Boko Haram giữa rừng rậm Sambisa. Đó là một khu rừng có diện tích lớn gấp 8 lần Công viên Quốc gia Yellowstone của Mỹ

Minh Luân (tổng hợp)
.
.