Những chi viện thầm lặng giúp An ninh miền Nam

Thứ Ba, 30/04/2024, 06:40

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến (1922-1998) là cán bộ lão thành cách mạng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) từ năm 1976 đến 1991. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng chí Nguyễn Minh Tiến được giao nhiều nhiệm vụ, cương vị quan trọng: Phó Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trinh sát kỹ thuật… Là người cán bộ Công an tuyệt đối trung thành với cách mạng, với Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo CAND nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thục, ghi lại những năm tháng chỉ đạo công tác an ninh, chi viện chiến trường miền Nam của đồng chí Nguyễn Minh Tiến… Là con gái của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, tác giả có nhiều tư liệu, tài liệu và những kỷ niệm về người cha. Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.

Trang 12 ĐB: Những chi viện thầm lặng giúp an ninh miền Nam -0
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 5 từ trái sang) và đồng chí Nguyễn Minh Tiến (thứ 4 từ phải sang) cùng lãnh đạo một số đơn vị lên đường vào Nam chỉ đạo công tác tiếp quản vùng giải phóng. Ảnh chụp tại sân bay Gia Lâm ngày 27/4/1975.

Mỗi năm vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi càng nhớ da diết cha tôi; ông không chỉ là người cha khả kính, mà còn là người thủ trưởng, người hướng nghiệp, trao truyền tình yêu nghề nghiệp cho các anh chị em tôi. Với cơ quan, ông là người kiên định, tận tâm với công việc song cũng rất gần gũi, chân thành.

Sinh thời, ông được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn rất tin tưởng, có thời gian dài làm thư ký, trợ lý, thường xuyên tháp tùng đồng chí Bộ trưởng trên những nẻo đường kháng chiến. Là Cục trưởng đầu tiên lãnh đạo, xây dựng, phát triển lực lượng trinh sát kỹ thuật từ năm 1960 đến 1974, ông hiểu rõ tầm quan trọng của biện pháp trinh sát kỹ thuật và cả những khó khăn, thuận lợi. Đầu năm 1960, ông cùng lãnh đạo Cục đề xuất và được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chấp thuận kế hoạch xây dựng, phát triển hệ thống, phương tiện trinh sát kỹ thuật; áp dụng chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực từ sinh viên, nghiên cứu sinh các ngành kỹ thuật trong và ngoài nước như: Liên Xô, CHDC Đức, Hungary...

Từng tốt nghiệp tú tài trường Bưởi, với phong cách làm việc khoa học, tận tụy, ông miệt mài học hỏi và nhận được sự quý mến, tôn trọng của các chuyên gia an ninh Liên Xô, CHDC Đức. Cũng từ đó, ông được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ triển khai, thực hiện nhiều dự án viện trợ phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ từ các nước bạn giúp Việt Nam. Đến năm 1965, đơn vị của ông đã hoàn thành việc xây dựng mạng lưới thông tin (điện đài, cơ yếu, báo vụ) thông suốt 2 chiều để Bộ Chính trị chỉ đạo An ninh miền Nam.

Từ sau Tết Mậu Thân năm 1968 đến 1971, Cục Trinh sát kỹ thuật tiếp tục hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống Phương Đông 1, Phương Đông 2, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của ngành và an ninh miền Nam. Từ hệ thống này, ta phát hiện và theo dõi hàng trăm mạng đài địch; thu thập được thông tin về các chủ trương, kế hoạch quân sự, các cuộc càn quét lớn của địch, kế hoạch rải bom B52 ở miền Bắc… Đặc biệt, đã góp phần phát hiện các thông tin, hoạt động nội gián, cơ sở gián điệp của địch cài cắm trong nội bộ.

Để chi viện hiệu quả giúp An ninh miền Nam, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Trinh sát kỹ thuật đã nghiên cứu, chế tạo thành công các loại mìn hẹn giờ giúp lực lượng biệt động nâng cao hiệu quả chiến đấu, hạn chế tổn thất. Trong những năm kháng chiến, đơn vị đã chi viện lực lượng An ninh miền Nam hàng chục tấn thuốc nổ cực mạnh C4, kíp hẹn giờ, hơn 100 tấn vũ khí, 150.000 quả mìn, máy thông tin liên lạc và hàng nghìn lượt cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ...

Khi đó tôi còn nhỏ, nhưng những điều mà bố tôi trăn trở, nung nấu và thành công thì cũng lan tỏa niềm vui với các con. Có lần ông kể về chất nổ dẻo C4 có kíp định hướng, hẹn giờ: chỉ với miếng bằng bao diêm, cài định hướng thì hiệu quả như một quả bom. Sau này chúng tôi còn được biết, có những nhiệm vụ tuyệt mật mà ông phân công đơn tuyến, chỉ ông và người được giao nhiệm vụ biết, như việc hoán cải các khẩu súng ngắn do các nước phương Tây sản xuất trở thành súng giảm thanh cung cấp cho biệt động thực hiện nhiệm vụ bí mật.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn thay đổi thẻ căn cước mới với công nghệ chế tạo phức tạp, tinh vi hơn - thẻ căn cước vẽ hình rồng xanh thay cho khóm tre xanh. Cục Trinh sát kỹ thuật được giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo thẻ căn cước “Rồng xanh”. Cùng lãnh đạo đơn vị trăn trở, tìm tòi, ông đã cử những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ giỏi từ Hà Nội vào phối hợp cùng lực lượng An ninh miền Nam thu thập mẫu, tìm hiểu tình hình, nắm yêu cầu sử dụng, điều kiện kiểm soát của địch… Sau nhiều tháng nghiên cứu, kết quả đã chế tạo thành công thẻ căn cước giống thẻ thật tới 99%. Sau đó lực lượng an ninh đã sản xuất hàng vạn thẻ căn cước “Rồng xanh”, đáp ứng yêu cầu hoạt động của mạng lưới an ninh, tình báo, biệt động khắp miền Nam. Đồng thời Cục cũng nghiên cứu, sản xuất hàng trăm nghìn giấy miễn quân dịch, công vụ lệnh của địch. Thẻ căn cước và các loại giấy tờ quan trọng đó đã hỗ trợ mạng lưới An ninh miền Nam hoạt động ngày càng hiệu quả.

Trang 12 ĐB: Những chi viện thầm lặng giúp an ninh miền Nam -0
Giấy tờ giả do lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an và An ninh miền Nam sản xuất, cấp cho đồng chí Nguyễn Tài (tức Tư Trọng, Trưởng ban An ninh T4) hoạt động tại miền Nam.

Năm 1974, cách mạng miền Nam phát triển nhanh chóng, Bộ Chính trị có những nhận định mới và đặt quyết tâm cao nhất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một lần nữa bố tôi lại được Bộ trưởng điều về làm Trợ lý nhằm giúp Bộ trưởng xây dựng kế hoạch tiếp quản, bảo vệ các kho tàng thư, tài liệu của cảnh sát, tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trong thời gian 6 tháng, ông đã nắm tình hình, đặc điểm tổ chức lưu trữ tài liệu của địch và hoàn thành bản kế hoạch tiếp quản tỉ mỉ, đặt yêu cầu cho mạng lưới An ninh miền Nam trong các công sở, đặc biệt là Nha Cảnh sát, tình báo các tỉnh, thành; phải giám sát, đảm bảo an toàn kho tài liệu địch khi chúng tháo chạy và đảm bảo tiếp quản tốt nhất tài liệu, tàng thư của cơ quan cảnh sát, tình báo của địch.

Tháng 2 năm 1975, bố tôi lên đường vào chiến trường mà chúng tôi không hề biết, vì việc ông đi công tác dài ngày là rất bình thường. Gia đình không có bữa cơm chia tay, không có những lời chúc thượng lộ bình an… Cuộc sống thời chiến luôn đơn giản đến mức không thể đơn giản được hơn nữa. Bố tôi vẫn vậy, tất cả chỉ là công việc và công việc… Nhìn ông mặc bộ quân phục quân giải phóng màu xanh lá cây sẫm, không đeo sao, không cầu vai, phù hiệu nhưng tôi thấy rất đẹp. Ông có vẻ mặt bình thản; không lạnh lùng, trầm tư, không buồn làm tôi rất nhớ. Ông chỉ căn dặn là bố đi công tác, các con ở nhà phải chăm học, học giỏi, giúp mẹ các việc trong nhà.

Rồi ngày toàn thắng, thống nhất đất nước đến trong niềm vui vỡ òa. Lớn lên, chúng tôi tiếp bước cha, góp sức mình vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quá trình công tác, chúng tôi ngày càng hiểu hơn những chiến công thầm lặng của lực lượng CAND với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà trong đó, có sự góp mặt ý nghĩa của bố tôi.

Nguyễn Thị Thục
.
.