Hành động sớm để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Ba, 30/04/2024, 08:14

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, việc thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn có thể là cơ hội cho những phát kiến mới, công nghệ mới, sản phẩm mới để phục vụ ứng phó hạn mặn, có thể bắt đầu từ những công nghệ nhỏ từ cấp độ hộ gia đình. Từ đó, có thể phát triển kinh tế thủy lợi trong thời gian tới.

Xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn, nhanh hơn, sâu hơn

Báo cáo về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, trước năm 2012, tác động từ thượng nguồn đến vùng còn nhỏ, dòng chảy gần với quy luật tự nhiên. Song đến năm 2024, các quốc gia đã xây dựng 128 hồ (13 hồ trên dòng chính, 115 hồ trên dòng nhánh) với dung tích khoảng 88 tỷ m³, dự kiến tăng lên 90-95 tỷ m³ vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ m³ khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn 2040-2060.

Hành động sớm để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn -0
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị xây dựng đề án chung cho 4 hình thái của ĐBSCL gồm hạn, mặn, sụt lún và sạt lở.

Trong tương lai, khi các nước ở thượng nguồn hoàn thành hồ chứa theo quy hoạch, cùng với nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạ thấp lòng dẫn sông, xâm nhập mặn có xu thế gay gắt, bất thường hơn. Mức độ xâm nhập sâu vào đất liền phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 5-7 km; các đợt hạn mặn nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020 xuất hiện thường xuyên hơn.

Xâm nhập mặn có xu hướng ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sớm hơn trước đây 1-1,5 tháng. Trước năm 2012, mặn thường đến từ tháng 2 đến 4, đỉnh mặn vào cuối tháng 3-4, là tháng có dòng chảy kiệt nhất. Hiện nay, những năm dòng chảy thượng nguồn về thấp, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Từ tháng 4 đến nay, xâm nhập mặn vùng ven biển gia tăng, một số thời điểm độ mặn tăng cao đột biến. Như ngày 18-22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn), độ mặn hơn 3-4 g/lít, tại Bắc Hồng Dân hơn 10 g/lít, ảnh hưởng đến lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Cục Thủy lợi lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nguồn nước thượng lưu về ĐBSCL tháng 4 ở mức thấp, kết hợp với nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi cao. Các địa phương đồng loạt xuống giống vụ hè thu làm mực nước nội đồng giảm nhanh.

Theo thống kê, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.580 ha lúa (Sóc Trăng 1.530 ha, Bến Tre 50 ha), 4.640 ha chanh và cây ăn trái khác tại Long An có nguy cơ giảm năng suất. 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Khoảng 73.900 hộ (2,1% số hộ dân nông thôn) bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thấp hơn so với năm 2019-2020 (96.000 hộ). Nguồn nước cạn kiệt đã gây sụt lún đất, sạt lở ven kênh, rạch, đường giao thông kết hợp ven bờ kênh tại các vùng ngọt hóa ở Cà Mau, Kiên Giang. Tổng cộng đã có 901 điểm sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài 23,4 km (Cà Mau 601 điểm, dài 15,9 km; Kiên Giang 310 điểm, dài 7,5 km).

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn năm 2023-2024 đang xảy ra sớm hơn về thời gian và tốc độ, khoảng 1-2 tháng, nguy cơ thiếu nước có xu hướng gia tăng nhanh. Thời điểm thiếu nước xảy ra đúng thời điểm cần nước cho canh tác. Để thích ứng với tình trạng trên, chuyển đổi sản xuất, mùa vụ, cơ cấu tại ĐBSCL đang diễn ra nhanh và đi theo xu hướng thích ứng dần với nguồn nước.

Trong 10 năm gần đây, diện tích cây ăn trái tăng 90.000 ha, mô hình lúa tôm tăng khoảng 6.000 ha, một số vùng đang có xu thế chuyển từ nuôi trồng tôm sang tôm lúa như Bạc Liêu, Kiên Giang. Với những thách thức đó, Cục Thủy lợi đặt ra giải pháp tăng cường theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn; tiếp tục thực hiện việc dự báo, khuyến cáo người dân, tiếp tục tăng cường việc vận hành các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa, thực hiện các giải pháp đang triển khai để bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân và tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp thu, trữ, xử lý nước an toàn ở khu vực khó khăn về nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Cần những chiến lược lâu dài

Về định hướng phát triển thủy lợi chủ động thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh quan điểm lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế; cần chủ động xây dựng và tổ chức "hành động sớm" các kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập. Ngoài ra, cần các giải pháp phát triển thủy lợi gồm cả về công trình và phi công trình, áp dụng công nghệ phục vụ công tác tổ chức sản xuất và cung cấp thông tin hỗ trợ người dân.

Ông Phong cho biết, đối với đề án 1 triệu ha lúa ĐBSCL, nước là yếu tố quan trọng đối với giảm phát thải, nếu hệ thống thủy lợi, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng không được hoàn thiện, sẽ khó đảm bảo kiểm soát nước tưới theo yêu cầu giảm phát thải. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đặt ra để thủy lợi đáp ứng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng thông tin, thời gian qua, Cục Thủy lợi và Cục Trồng trọt đã có phối hợp chặt chẽ trong cảnh báo sớm liên quan đến thời vụ xuống giống, khuyến cáo về nước, phân loại các yếu tố ưu tiên để cung cấp nước, từ đó thiệt hại liên quan đến hạn mặn đã giảm đi nhiều so với trước đây. Về lâu dài, theo bà Hương, dựa trên các phương án về hạn mặn của Cục Thủy lợi, ngành Trồng trọt sẽ xây dựng phương án tương tự để tính kịch bản trồng trọt, điều chỉnh cơ cấu cây trồng và có khuyến cáo phù hợp… Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị xây dựng đề án chung cho 4 hình thái của ĐBSCL gồm hạn, mặn, sụt lún và sạt lở theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để đạt được tầm nhìn xa hơn về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nói về chiến lược lâu dài đối phó với hạn mặn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gợi ý từ kinh nghiệm của các nước phát triển, việc thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn có thể là cơ hội cho những phát kiến mới, công nghệ mới, sản phẩm mới để phục vụ ứng phó hạn mặn, có thể bắt đầu từ những công nghệ nhỏ từ cấp độ hộ gia đình. Từ đó, có thể phát triển kinh tế thủy lợi trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, đối với ĐBSCL, khó khăn không chỉ là hạn mặn mà còn là hạn, mặn, ngọt giao thoa giữa không gian địa lý và không gian thời gian. Vì vậy, việc đầu tư công nghệ viễn thám cũng là một hạng mục "đầu tư không hối tiếc" để áp dụng cho tổ chức sản xuất trước tình trạng của ĐBSCL.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý về hợp tác quốc tế giữa các nước trong lưu vực để cân bằng lợi ích quốc gia, ứng dụng công nghệ mới với vấn đề hỗ trợ kỹ thuật để xử lý một số vấn đề hạn mặn, kêu gọi sự hỗ trợ và tham gia của các tổ chức quốc tế đang hoạt động về các vấn đề liên quan tại ĐBSCL. 

Chi Linh
.
.
.