Tôn vinh các tác phẩm báo chí về chủ đề “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”

Thứ Hai, 11/01/2016, 20:34
Ngày 11-1, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải báo chí về chủ đề “Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” giai đoạn 2013-2015.

Dự Lễ trao giải có đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi; Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi; Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Văn Miên, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch liên chi hội Nhà báo Bộ Công an, Tổng biên tập Báo CAND, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo của cuộc thi; đại diện một số Vụ, Cục của Bộ Công an và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí cùng các tác giả đoạt giải.

Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất.

Thay mặt Ban tổ chức, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đã trình bày Báo cáo Tổng kết của cuộc thi. Theo đó, trong 2 năm 2013 – 2015, đã có 387 tác phẩm báo chí được sơ tuyển từ hàng trăm ngàn bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông hưởng ứng tham gia cuộc thi theo đúng quy định của thể lệ.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhì.
Đồng chí Trần Bá Dung, đồng trưởng Ban tổ chức cuộc thi và Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Phó trưởng Ban tổ chức trao giải Ba cho các tác giả.

Các tác phẩm được tuyển chọn tham gia dự thi đã phản ánh đầy đủ, chân thực, phong phú và đa dạng về đề tài bảo vệ an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND chụp ảnh lưu niệm với các tác giả đoạt giải trong lực lượng CAND.

Nội dung các tác phẩm đã tập trung phản ánh về bản chất, truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND; những tình cảm cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ CAND trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng; về sự đóng góp tích cực và mối quan hệ mật thiết của các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với lực lượng CAND trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự.

Nhiều tác phẩm đã nêu bật được các điển hình tiên tiến, những gương sáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; những mô hình mới, cách làm hay trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cùng với những tác phẩm nêu trên, một số tác giả cũng đã có những bài viết đấu tranh, phê phán với những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác…

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Quang Lợi khẳng định, một trong những thành công lớn của cuộc thi lần này là các tác phẩm dự thi đã khắc họa sinh động hình ảnh của người chiến sĩ Công an trong thời bình. Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống là mảng đề tài lớn, phong phú và dường như vô tận. Hội nhà báo Việt Nam ủng hộ các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên tiếp tục quan tâm và thực hiện những tác phẩm có chất lượng để tôn vinh những con người thầm lặng, đang ngày đêm cống hiến, hi sinh vì sự bình yên của cuộc sống.

Phát biểu tại lễ trao giải, Trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND khẳng định: “Trong thực tế chiến đấu, có nhiều chiến công thầm lặng của lực lượng Công an mà nhân dân chưa được biết đến để sẻ chia, cảm thông, giúp đỡ. Chính vì vậy, rất cần có sự phát hiện, cổ vũ, động viên của các cơ quan báo chí và của các nhà báo. Từ sau cuộc thi lần này, Ban tổ chức cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo tiếp tục đi sâu, đi sát vào những hoạt động của lực lượng Công an, của phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để kịp thời nắm bắt, phản ánh những chiến công của lực lượng Công an và của nhân dân nhiều hơn nữa".

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Tổng cục Chính trị CAND sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động cuộc vận động báo chí về chủ đề “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2018 nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm phong trào Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 – 11/3/2018).

Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh CAND, một trong các tác giả đoạt giải Nhất với tác phẩm phim tài liệu “Vai trò của các tổ chức phi Chính phủ (NGO) trong các cuộc “Cách mạng màu” trên thế giới và tại Việt Nam”.

Tác giả Nguyễn Quang Vinh - Nguyễn Văn Thịnh, Truyền hình CAND.

“Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, tuy phải đảm trách cùng một lúc nhiều công việc, nhưng tôi luôn dành thời gian, công sức cho mảng đề tài đấu tranh chống các thế lực thù địch. Tác phẩm được giải lần là tác phẩm tôi rất tâm huyết. Tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tìm tài liệu, tư liệu ở nhiều nguồn, nhiều cách sau đó lên kịch bản chi tiết và thực hiện. Và khi thực hiện các tác phẩm ở mảng đề tài này, tôi cảm thấy say mê nó, vì tác phẩm ấy cùng với các tác phẩm báo chí khác chính là một trong những vũ khí đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, âm mưu của các thế lực thù địch”.

Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Báo CAND, một trong các tác giả đoạt giải Nhất với tác phẩm: “Ngăn chặn “Cái chết trắng” trên các cung đường Tây Bắc - Cuộc chiến đấu một mất một còn”.

“Trước khi chuyển công tác về Báo CAND, tôi đã có thời gian công tác 13 năm liên tục tại Công an tỉnh Điện Biên. Trong quá trình ấy, tôi có điều kiện được sát cánh cùng đồng đội, được chứng kiến trực tiếp những hi sinh, khó khăn, gian khổ của các anh. Để có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, vẫn còn đó là bao nhiêu sự hi sinh của các đồng chí Công an trong thời bình đang ngày đêm bảo vệ an ninh trật tự cho nhân dân. Đó là một trong những lý do thôi thúc tôi, tạo cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt khi thực hiện chùm bài này ở nơi “tuyến lửa” ma túy Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình”.

Nhà báo Phương Tâm, Báo Pháp luật & Xã hội, một trong những tác giả đoạt giải Nhất.

“Tiếp nhận thông tin từ độc giả phản ánh đến tòa soạn, với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi mảng hình sự, gắn bó với lực lượng Công an, tôi nhận định, những thông tin mà độc giả cung cấp cho tôi trước khi viết loạt bài này là có cơ sở. Tôi đã báo cáo Ban biên tập của Báo PL&XH xin ý kiến chỉ đạo và trực tiếp thông báo chi tiết nội dung, đặc điểm đối tượng và hướng đi của các đối tượng cho Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm mua bán người (phòng 6), Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khẩn trương vào cuộc, chặn hướng đi của các đối tượng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, với sự phối hợp đồng bộ của lực lượng của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Quảng Ninh..., nhóm đối tượng đưa người sang Trung Quốc bán đã bị giữ, cô gái 17 tuổi được giải cứu an toàn. Mở rộng điều tra, các trinh sát còn làm rõ, nhóm đối tượng này trước đó còn giả danh những “hot boy” sành điệu lừa nhiều cô gái khác, trong đó có 2 cô gái ở Nghệ An. Gặp lại cô gái 17 tuổi tại quán cà phê trên đường Đào Tấn, khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn... Lúc ấy, trong lòng tôi thấy rưng rưng, vì đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình để giúp lực lượng Công an giải thoát em khỏi tay bọn buôn người”.

Thiếu tá Phan Đăng Trường, Báo CAND, tác giả đoạt giải Nhất:

“Đầu năm 2015, trong khi cả dân tộc kỷ niệm ngày chiến thắng, thống nhất non sông thì một bộ phận người Việt hải ngoại, nhất là tại Mỹ vẫn định kiến hận thù, tiếp tục lặp lại các điệp khúc chống phá cực đoan. Thực chất, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc chính là truyền thống nhân nghĩa, nhân văn có từ lâu đời của dân tộc ta. Đất nước đã sang trang mới, ta với Mỹ đã bình thường hóa quan hệ 2 thập kỷ và rất nhiều người Việt di cư sang Mỹ sau 1975 cũng đã thể hiện tình cảm với quê hương bằng những hành động ý nghĩa. Vết thương còn có ngày lành sẹo, bầu bí một giàn, lòng ái quốc chính là cội nguồn cho tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, hướng về đất Mẹ. Trong loạt bài đăng trên Báo CAND, tôi đưa ra góc nhìn vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, tìm hiểu thực tế những hoạt động hòa giải cũng như chính kiến, sẻ chia của những người từng ở bên kia chiến tuyến, nay hướng về đất Mẹ… Từ đó, bài viết đề xuất các giải pháp, quan điểm để đảm bảo thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc được thực chất hơn cũng như phản bác quan điểm lợi dụng danh nghĩa này để chống phá đất nước của các thế lực thù địch. Sau khi báo đăng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước”.

Danh sách các tác giả đoạt giải Nhất.

Nhóm tác giả Phương Tâm - Nguyễn Vũ, Báo Pháp luật & Xã hội, với tác phẩm “Phóng viên Báo Pháp luật & Xã hội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an kịp thời ngăn chặn đường dây buôn bán người xuyên quốc gia”; Nhóm tác giả Mạnh Hà - Phan Hoạt - Như Hùng, Báo CAND, với tác phẩm “Ngăn chặn “Cái chết trắng” trên các cung đường Tây Bắc - Cuộc chiến đấu một mất một còn”; Nhóm tác giả Nguyễn Quang Vinh - Nguyễn Văn Thịnh - Hồng Xiêm, Truyền hình CAND, với tác phẩm phim tài liệu “Vai trò của các tổ chức Phi Chính phủ (NGO) trong các cuộc “Cách mạng màu” trên thế giới và tại Việt Nam”; Tác giả Đăng Trường, Báo CAND, với tác phẩm “Hòa hợp dân tộc - một góc nhìn thực chất”.

Danh sách các tác giả được giải Nhì:

Nhóm tác giả Thu Hòa - Xuân Mai, Báo CAND với tác phẩm “Cần có biện pháp để ngăn chặn cơn bão “tín dụng đen”: Vì sao vẫn có nhiều vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng?”; Tác giả Đặng Huyền, Báo CAND, với tác phẩm “Những cuộc đi cung đặc biệt”; Tác giả Trần Thiên Lương (bút danh của nhà thơ, nhà báo Phạm Khải, Báo CAND), với chùm bài về chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật; Nhóm tác giả Trần Công - Quốc Thành - Hữu Trường - Văn Hòa, PX15 Công an tỉnh Gia Lai, với phóng sự truyền hình: “Ông già Biển Hồ”; Nhóm tác giả Trí Nghiêm - Đình Quý - Đăng Đoàn, Truyền hình CAND, với tác phẩm “Những sai phạm tại Bệnh viện Tràng An - Nguy cơ Nhà nước thiệt hại tại Công ty CP CROMIT”; Nhóm tác giả Diễm Hằng - Bích Thu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái, với tác phẩm “Cam go cuộc chiến chống ma túy ở Yên Bái”; Tác giả Đỗ Thị Cẩm Loan, Phát thanh CAND, với tác phẩm “Bông hoa giản dị mà bản lĩnh của núi rừng Tây Bắc xa xôi”; Tác giả Hoàng Lam, Báo Điện tử Dân trí, với tác phẩm “Vượt đèo lội suối vào bản “dụ” làm chứng minh thư”.

Danh sách các tác giả được giải Ba:

Tác giả Thái Bình, Báo Công an nhân dân, với tác phẩm “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”; Tác giả Đinh Kiều Nguyên, Báo An ninh Thủ Đô, với tác phẩm “Alo, Công an phường Thành Công xin nghe!”; Tác giả Nguyễn Hồng Lam, Báo Công an nhân dân, với tác phẩm “Hoàng Sa - Sóng dữ mùa biển lặng”; Nhóm tác giả Lưu Thu Thủy - Thế Bảo - Mạnh Thắng - Tú Anh - Thái Bình, Truyền hình Công an nhân dân, với tác phẩm “Bảo mẫu áo xanh”; Nhóm tác giả Đoàn Phương Nhung - Trương Tùng - Minh Điệp - Đình Hưng - Cao Khánh - Bích Ngọc - Anh Tú, Điện ảnh Công an nhân dân, với tác phẩm: Phim tài liệu “Ga Gôi - không thể lãng quên”; Nhóm tác giả Đặng Khánh Hiền - Chí Công - Huy Tuấn, Truyền hình Công an nhân dân, với tác phẩm “Bộ xương dưới lòng sông phó đáy”; Tác giả Chu Khánh Phương, Phát thanh Công an nhân dân, với tác phẩm “Hòa hợp dân tộc, đảm bảo an ninh xã hội ở Lâm Đồng sau 40 năm giải phóng miền Nam”; Tác giả Nguyễn Mạnh Kiên, Phát thanh Công an nhân dân, với tác phẩm “Người có duyên bắt đối tượng truy nã”; Nhóm tác giả Vũ Minh Sơn - Trần Văn Đoàn, PX15 Công an tỉnh Hà Nam, với phóng sự “Người cựu chiến binh với công tác đảm bảo an toàn giao thông”; Tác giả Thùy Giang, Báo điện tử Vietnamplus, với phóng sự “Chống ma túy tổng hợp: Cuộc chiến với kẻ … vô hình đầy cam go, quyết liệt ”; Tác giả Việt Đông, Báo Công an nhân dân, với loạt bài về Vụ Việt kiều Mỹ thuê “sát thủ” giết họ hàng ở Việt Nam: Kẻ sát nhân và kế hoạch hiểm ác; Tác giả Phan Dương, Báo điện tử Vnexpress, với tác phẩm “Người con của đồng bào Mông”.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 21 giải khuyến khích cho tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.


Cảnh Vũ - Quỳnh Vinh
.
.