Chớp thời cơ, tạo cơ hội để đón vận hội

Thứ Năm, 19/02/2015, 09:56
Nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy năm 2013, “vật vã đi lên” năm 2014 và kỳ vọng phát triển năm 2015 là nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển - người ghi dấu ấn cho nền kinh tế Việt Nam gia nhập WTO.

Đón cơ hội mới trong năm “bản lề của bản lề” 2015, nhân dịp Xuân Ất Mùi Báo Công an nhân dân đã có dịp trao đổi với “ông WTO” về vấn đề này.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.

PV: Thưa ông, theo như đánh giá của ông thì kinh tế Việt Nam năm 2014 đã thoát đáy và đang “vật vã đi lên”. Vậy sau 1 năm “chạy roda”, năm 2015 chắc sẽ có nhiều cơ hội để phát triển?

Ông Trương Đình Tuyển: Chúng ta đã phải đối mặt với bất ổn vĩ mô kéo dài: lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động tăng; nợ công cũng tăng nhanh, từ mức 36,2% GDP năm 2008 đã lên đến 56% GDP năm 2013. Tuy nhiên, có thể nói kinh tế Việt Nam đã chạm đáy vào cuối năm 2013 và năm 2014 đã xuất hiện khá nhiều tín hiệu khả quan cho tăng trưởng, như: kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, đầu tư từ FDI vào Việt Nam tăng, xuất khẩu tăng, tỷ lệ lạm phát giữ ở mức thấp...

Trong quản lý và điều hành chúng ta  đang  đẩy mạnh cải cách thể chế (Ban hành các luật mới theo hướng  thị trường hơn, minh bạch hơn) đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/CP. Những việc làm này tuy mới đạt kết quả bước đầu, nhưng đã tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng DN.

Thêm vào đó, dù kinh tế thế giới còn nhiều bất định, nhưng cũng xuất hiện những yếu tố thuận lợi: Giá cả hầu hết các hàng hóa giảm  làm giảm áp lực lạm phát từ chi phí đẩy, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3%, cao hơn 0,3% so với năm 2014. Trong đó, các nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản- các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nước ta đều tăng trưởng tốt hơn 2014, đặc biệt là kinh tế Mỹ. Tình hình trên đây cho phép chúng ta tin rằng có thể thực hiện được các mục tiêu kinh tế trong năm 2015 như Quốc hội đã xác định.

PV: Như ông nói, có thể hiểu  triển vọng rất tích cực?

Ông Trương Đình Tuyển: Tích cực hơn là điều chắc chắn. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2014 và triển vọng năm 2015, cần suy ngẫm kỹ về những bài học từ sự bất ổn vĩ mô và suy giảm tăng trưởng từ năm 2008 đến 2013 để  tránh lặp lại những sai lầm đã mắc phải và loay hoay với những giải pháp ngắn hạn.

PV: Tôi hiểu ông đang nói đến cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng?

Ông Trương Đình Tuyển: Đúng vậy, lạm phát cao và sự suy giảm tăng trưởng có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: cơ cấu kinh tế lạc hậu: Công nghiệp chủ yếu là gia công, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp. Nông nghiệp vẫn là nền sản xuất nhỏ phân tán manh mún, năng suất lao động và giá trị gia tăng thấp.

Tiềm năng giải phóng của khoán hộ và kinh tế hộ đang dần vơi cạn. Cơ cấu các thành phần kinh tế bất ổn, không phát huy được tiềm năng của khu vực tư nhân. Quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo không được xác định rõ nội hàm dẫn đến sự gia tăng tính độc quyền của DNNN và khu vực này hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự gia tăng các yếu tố đầu vào và khai thác tài nguyên để xuất khẩu; năng suất lao động thấp. Đóng góp của nhân tố tổng năng suất bị tụt giảm. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2013 thì năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng ¼ của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/10 Hàn Quốc, 1/15 Singapore.

Nhân tố tổng năng suất đóng góp vào tăng trưởng ngày càng giảm: Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2013, tăng trưởng TFP đạt khoảng 3,4%, giảm xuống 0% năm 2009 và 1,8% năm 2010, tiếp tục xuống dưới 1% năm 2012. Chính tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào làm tăng tổng cầu, trong khi mô hình tăng trưởng kém hiệu quả không tạo ra nhiều nguồn cung mới, gây ra mất cân đối cung - cầu, phải nhập siêu lớn, là nguyên nhân gây ra lạm phát và bất ổn vĩ mô những năm qua.

Ngoài ra, phản ứng chính sách ở một số thời điểm không hợp lý, làm phức tạp thêm tình hình và khoét sâu những yếu kém về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng.

PV: Nhưng kết thúc năm 2014, chúng ta đã đạt được 13/14 chỉ tiêu về kinh tế xã hội, đặc biệt, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, thưa ông?

Ông Trương Đình Tuyển: Chính những kết quả của năm 2014 tạo đà cho bước phát triển mới trong năm 2015. Vấn đề của quản lý nhà nước là phản ứng chính sách phải hợp lý hơn. Tôi nhấn mạnh điều này vì tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất định, sẽ tác động đến nước ta. Và trước những biến động đó, thông thường các Chính phủ có những phản ứng chính sách khác nhau. Nếu phản ứng không hợp lý sẽ tác động xấu đến kinh tế vĩ mô, thậm chí có thể gây rối loạn. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Không triển khai mạnh mẽ công việc này, không thể tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Do điều kiện công tác, tôi không dự cuộc tọa đàm về tái cơ cấu kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức. Tôi thấy các ý kiến phát biểu đều đúng, nhưng nói như vậy cũng chưa giải quyết được vấn đề và những ý kiến này cũng đã được nói từ lâu. Phải tạo nền tảng về thể chế và áp đặt kỷ luật thị trường  lên các hoạt động kinh tế thì mới buộc DN và cả nền kinh tế chuyển động, mới buộc các DN và nền kinh tế tái cơ cấu...

Ở đây câu nói của Larry Ellison - Ông chủ của Oracle, một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. “Tôi có tất cả các điều bất lợi để thành công”  là rất có ý nghĩa.

PV: Về câu chuyện thời sự giá dầu giảm, ông có thể phân tích rõ tác động hai chiều đối với kinh tế Việt Nam?

Ông Trương Đình Tuyển: Câu hỏi này liên quan đến cách phản ứng chính sách của Chính phủ như tôi đã nói ở trên. Hiện có hai quan điểm: tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để bù phần hụt thu từ dầu thô; cứ để giá xăng dầu giảm theo giá thế giới.

Nhóm chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Là một nước xuất khẩu dầu thô và nhập sản phẩm, dĩ nhiên giá dầu giảm sẽ khiến Việt Nam giảm một phần thu ngân sách từ xuất dầu thô. Tuy nhiên, việc giảm giá này mang lại nhiều tác động tích cực trước mắt cũng như lâu dài. Đây là cơ hội tốt để các DN, kể cả những ngành được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, kích thích đầu tư và tiêu dùng – các yếu tố tạo nên tăng trưởng. Khi sản xuất kinh doanh phát triển sẽ tạo thêm nguồn thu mới (Thuế VAT, thuế TNDN).

PV: Vậy để có thể phát triển tốt nhất, chúng ta phải tạo cơ hội gì?

Ông Trương Đình Tuyển: Trước mắt, phải tập trung giải quyết nợ xấu, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Qua đó, giảm chi phí vốn cho DN. Có chính sách hỗ trợ đủ mức cho DNNVV. loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa các DN FDI, DNNN và DN tư nhân. Hiện nay, trên thực tế chúng ta đang “phân biệt đối xử ngược” giữa ba khu vực này theo hướng DN FDI - DNNN-DN tư nhân,  theo đó, khu vực tư nhân bị thua thiệt nhiều nhất. Phải tạo điều kiện cho DN dân tộc mạnh lên mới bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Phải coi khu vực tư nhân là động lực chủ yếu của tăng trưởng, DNNN phải hiệu quả hơn.

Ảnh: Thiện Hoàng.

Chúng ta nói rất đúng: Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực mới là quyết định. Nhưng trong thực tế chúng ta lại chưa hành động theo tinh thần đó. Ngoài ra, phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo NQ 19/CP của Chính phủ. Đây là việc làm có tác dụng lâu dài, không chỉ giảm chi phí giao dịch của người dân và DN, mà còn có tác dụng tạo nên một thói quen, một phong cách làm việc của công chức nhà nước, một nền công vụ phục vụ dân. Bạn thử nghĩ xem: Có ai lại đóng thuế để nuôi bộ máy cai quản mình, hành hạ mình? Tôi đóng thuế để nuôi người phục vụ tôi chứ! Rất tiếc là chúng ta không ngấm” được cái logic đơn giản đó!

Thứ hai, xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại dựa trên ba trụ cột: thị trường, Nhà nước và xã hội, coi đây là tiền đề quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải làm nhiều năm, nhưng phải làm ngay và phải rất khẩn trương vì thời gian không đợi chúng ta. Các Hiệp định MDTD mới có khả năng được ký trong nửa đầu năm 2015 và cuối năm sẽ là Cộng đồng kinh tế ASEAN, cuộc ganh đua toàn cầu đang rất quyết liệt.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lệ Thúy
.
.
.